Lại tranh cãi về điều kiện kinh doanh ôtô

Ý kiến phản biện 19/11/2016 06:19

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị bỏ bảo hành, bảo dưỡng ôtô khỏi danh mục kinh doanh có điều kiện, nhưng Bộ Kế hoạch Đầu tư có lý giải riêng.

 

2 Lại tranh cãi về điều kiện kinh doanh ô
Ảnh minh họa.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản dài 16 trang gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện trong Luật Đầu tư năm 2014.

"Bất hợp lý"

Trong văn bản này ông viết việc quy định bỏ, gộp và rút bớt 41 ngành nghề khỏi danh mục kinh doanh có điều kiện là một trong những bước tiến quan trọng trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh ở nước ta. Đồng thời, đây là chỉ dấu, bảo đảm tính minh bạch về chính sách và là “nút chặn” hiệu quả trong việc ban hành các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.

“Tuy nhiên, bảo hành, bảo dưỡng ôtô là dịch vụ thường đi kèm với dịch vụ bán hàng hoặc sản xuất ôtô và trong quan hệ này trách nhiệm đối với chất lượng sản phẩm thuộc về nhà sản xuất là chủ yếu chứ không phải là người bảo hành, bảo dưỡng. Vì vậy, việc xem hoạt động bảo hành, bảo dưỡng ôtô là ngành nghề kinh doanh có điều kiện là rất bất hợp lý”, văn bản nêu rõ.

Vì lý do trên, VCCI đề nghị bỏ “Kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng xe ôtô” ra khỏi Danh mục Luật Đầu tư sửa đổi.

Lại tranh cãi về điều kiện kinh doanh ôto
Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Kế hoạch Đầu tư Quách Ngọc Tuấn. Ảnh:Báo Giao thông.

Trả lời báo chí về việc này, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Kế hoạch Đầu tư) Quách Ngọc Tuấn cho rằng đề xuất này không phải điều mới mẻ mà chỉ luật hóa những quy định đã có mà thôi, trên cơ sở đó hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu quản lý của Nhà nước.

Cụ thể, theo ông Tuấn, với vòng đời dài tới vài chục năm, để sản phẩm bảo đảm chất lượng, an toàn, nhà cung cấp sản phẩm phải đảm bảo xe được bảo hành, bảo dưỡng, thậm chí triệu hồi, khắc phục, sửa chữa lỗi (nếu có) theo đúng yêu cầu kỹ thuật của chính hãng.

Các nhà phân phối, nếu mua, nhập khẩu xe từ nhiều nguồn khác nhau thì thường bỏ qua khâu bảo hành và dịch vụ sau bán hàng do không có sự hỗ trợ từ nhà sản xuất cả ở khía cạnh tài chính lẫn công nghệ, kỹ thuật.

Hơn nữa, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật được áp dụng hiện nay chỉ có thể kiểm soát chất lượng ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước và nhập khẩu tại các thời điểm nhất định (khi xuất xưởng, kiểm định, đăng kiểm định kỳ). Trong khi ôtô cần phải được vận hành an toàn, đúng hướng dẫn cho toàn bộ thời gian sử dụng.

“Do vậy, cần áp dụng thêm các điều kiện nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm và quyền lợi người tiêu dùng trong toàn bộ quá trình sử dụng xe”, ông nói.

"Không vì đòi hỏi của nhóm lợi ích nào"

Không chỉ đưa ra đề xuất trên, Bộ Kế hoạch Đầu tư còn bổ sung “ngành sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ô tô” vào danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Lý giải về điều này, ông Tuấn cho hay đây là yêu cầu quản lý nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe con người cũng như đảm bảo trật tự xã hội trong kinh doanh thương mại. Căn cứ vào hai đòi hỏi này.

Hiện, công nghiệp ôtô đang đóng góp 2% GDP, tạo ra công ăn việc làm cho khoảng 100.000 lao động, dù tỷ lệ nội địa hóa chưa cao. Do vậy, đưa sản xuất, kinh doanh ôtô vào ngành, nghề có điều kiện là căn cứ vào lợi ích tổng thể của nền kinh tế, kết hợp hài hòa nhiều mục tiêu, trong đó mục tiêu quan trọng là đảm bảo sự tồn tại, phát triển của ngành công nghiệp ôtô Việt Nam, bảo vệ những đơn vị đã đầu tư và đang hoạt động trong lĩnh vực sản xuất linh kiện, lắp ráp ôtô…

“Là cơ quan quản lý, chúng tôi phải chọn xây dựng chính sách sao cho mang đến tác động tích cực, hạn chế tối đa những tác động tiêu cực. Đồng thời, phải hướng vào nhóm nào mang về nhiều lợi ích cho quốc gia, xã hội chứ không thiết kế pháp luật theo đòi hỏi của bất kỳ nhóm lợi ích nào”, ông nói thêm.

Vị này khẳng định với chính sách này, chúng ta không cấm ai sản xuất, kinh doanh ôtô, mà chỉ yêu cầu đáp ứng các quy định của pháp luật, tuân thủ các tiêu chuẩn, chuẩn mực kỹ thuật, an toàn, dịch vụ…

Ông cho rằng sẽ không gây ra tình trạng độc quyền hay cạnh tranh không lành mạnh vì thực tế các nhà sản xuất, nhập khẩu chính hãng đều cạnh tranh nhau quyết liệt về mẫu mã, tính năng, giá cả, chất lượng dịch vụ… cũng như bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

“Các quy định chặt chẽ về điều kiện kinh doanh xe nhập khẩu sẽ giúp thị trường chọn lọc các nhà cung cấp đáp ứng các yêu cầu cả về giá cả, chất lượng dịch vụ, đảm bảo để thị trường phát triển ổn định, minh bạch và không gây tác động xấu đến những doanh nghiệp làm ăn chân chính, nghiêm túc và bài bản”, ông nhấn mạnh đồng thời bày tỏ kỳ vọng với việc hội nhập sâu, giá xe sẽ giảm theo cam kết giảm hàng rào thuế quan. 

Ý kiến của bạn

Bình luận