Lai Châu: Nỗ lực xây dựng nông thôn mới

Tác giả: PV

saosaosaosaosao
Xã hội 03/12/2018 15:08

Triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, bằng nỗ lực, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Lai Châu, nhiều thay đổi về kinh tế - xã hội đã hiện diện trên mảnh đất địa đầu Tổ quốc.

 

Cán bộ xã Phúc Than huyện Than Uyên hướng dẫn ngườ
Cán bộ xã Phúc Than, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu hướng dẫn người dân bản Chít 1 xây dựng lò đốt rác

98% xã có đường ô tô được cứng hóa đến trung tâm xã

Về xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, đến nay Lai Châu có 100% (96/96 xã) số xã được phê duyệt quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh có tới 95/96 xã có đường ô tô đến trung tâm xã, mặt đường được cứng hóa (đạt 98,96%); tỷ lệ thôn, bản có đường xe máy, ô tô đi lại thuận tiện đạt 1.015/1.169 thôn, bản (đạt 86,83%); toàn tỉnh có 44/96 xã đạt tiêu chí giao thông. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh đã xây dựng mới trên 79km đường giao thông nông thôn các loại.

Tỉnh đã xây dựng mới 4 công trình nước sinh hoạt và thủy lợi; tỷ lệ diện tích đất nông nghiệp được tưới tiêu chủ động đạt 80%, toàn tỉnh có 90 xã đạt tiêu chí thủy lợi; tiếp tục duy trì và nâng cấp đường điện nông thôn đảm bảo phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất, lắp đặt được 43,84km điện chiếu sáng nông thôn; lắp đặt mới 4 trạm biến áp; tỷ lệ hộ sử dụng điện lưới quốc gia đạt 92%, đến nay có 82/96 xã đạt tiêu chí về điện.Bên cạnh đó, tỉnh có tỷ lệ trường học các cấp có cơ sở vật chất và thiết bị đạt chuẩn quốc gia đạt 30,9%, số xã đạt tiêu chí về trường học là 28/96 xã.

Tỉnh cũng quan tâm chăm lo nâng cao đời sống văn hóa, thương mại, nâng cấp mạng lưới bưu chính, viễn thông, thực hiện tốt công tác vận động, tuyên truyền, hỗ trợ nhân công để người dân phát triển xây dựng mới, cải tạo nhà ở, xóa nhà tạm…

Về giảm nghèo và an sinh xã hội, tỉnh đã thực hiện tốt các chính sách đối với đồng bào dân tộc, đặc biệt tập trung chỉ đạo công tác xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm và thực hiện các chính sách an sinh xã hội, góp phần nâng cao đời sống cho nhân dân. Tỉnh đã thực hiện hỗ trợ miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh thuộc các trường THPT và phổ thông dân tộc nội trú; phụ cấp ưu đãi nghề và chính sách thu hút đối với giáo viên, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho đối tượng bảo trợ xã hội và người nghèo. 563.829 lượt người nghèo, người cận nghèo đã được khám, chữa bệnh; hỗ trợ phụ cấp ưu đãi cho 746 cán bộ, công chức, viên chức ngành Y tế; hỗ trợ phụ cấp thu hút cho 196 cán bộ, công chức, viên chức ngành Y tế…

Về nâng cao chất lượng, phát huy vai trò của tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị - xã hội trong xây dựng nông thôn mới; cải thiện và nâng cao chất lượng các dịch vụ hành chính công bảo đảm và tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật cho nhân dân, tỉnh đã đẩy mạnh công tác cải cách hành chính tại các cấp, tập trung đào tạo, bối dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực quản lý hành chính, quản lý kinh tế - xã hội cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp. Công tác kiểm soát thủ tục hành chính và thực hiện đánh giá hiệu quả của hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn ISO 9001:2008.

Với những nỗ lực trên, Lai Châu đã đạt được nhiều kết quả trong việc thực hiện Bộ Tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới, cụ thể: Bình quân 12,78 tiêu chí/xã; tỷ lệ số xã đạt chuẩn 19 tiêu chí là 25%. Trong đó: 24 xã đạt 19 tiêu chí; 01 xã đạt 15 - 18 tiêu chí; 50 xã đạt 10 - 14 tiêu chí; 21 xã đạt 5 - 9 tiêu chí; không còn xã dưới 5 tiêu chí.

Còn nhiều khó khăn

Đoàn viên, thanh niên xã Thu Lũm (huyện Mường Tè)
Đoàn viên, thanh niên xã Thu Lũm (huyện Mường Tè) tham gia làm đường giao thông nông thôn

Mặc dù đã đạt được những kết quả nổi bật, tuy nhiên quá trình triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới gặp không ít khó khăn bởi theo Quyết định số 275/QĐ-TTg, tỉnh Lai Châu có hai huyện thoát nghèo giai đoạn 2018 - 2020 (huyện Than Uyên và Tân Uyên) không được hưởng cơ chế chính sách đặc thù về đầu tư các công trình hạ tầng thuộc Tiểu dự án 1, trong khi Lai Châu là tỉnh nghèo, nguồn thu ngân sách thấp.

Tiến độ bố trí kế hoạch vốn năm 2016, 2017 và 2018 không theo tiến độ kế hoạch trung hạn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1865/QĐ-TTg ngày 23/11/2017 gây nhiều khó khăn cho tỉnh, nhất là trong công tác xây dựng kế hoạch và bố trí nguồn lực thực hiện Chương trình. Mặt khác, Trung ương chưa xây dựng phương án sử dụng và hướng dẫn thực hiện nguồn kinh phí dự phòng 10% đã được giữ lại của Chương trình được cân đối bố trí cho tỉnh.

Tại một số nơi, cấp ủy đảng, chính quyền chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa và tầm quan trọng của Chương trình; công tác lãnh đạo, chỉ đạo có nơi chưa thực sự quyết liệt, bộ máy giúp việc ban chỉ đạo các cấp hoạt động chưa mạnh, đa số là kiêm nhiệm; năng lực quản lý điều hành của một số cán bộ, đảng viên trong triển khai thực hiện Chương trình chưa đáp ứng được yêu cầu. Công tác tuyên truyền, vận động mặc dù được quan tâm thực hiện nhưng ở một số nơi người dân còn biểu hiện trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước; ý thức tự giác, chủ động tham gia xây dựng nông thôn mới chưa cao. Bộ máy quản lý chỉ đạo chương trình chưa thực sự tinh gọn, hiệu quả; công tác ban hành văn bản hướng dẫn của Trung ương ở một số nội dung thực hiện chương trình chưa được ban hành kịp thời.

Việc áp dụng cơ chế đặc thù trong đầu tư xây dựng các chương trình mục tiêu quốc gia còn khó khăn, lúng túng; một số cơ chế, chính sách, hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương ban hành chậm và thiếu đồng bộ nên địa phương gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện. Việc huy động các nguồn lực nhất là nguồn lực xã hội hóa trên địa bàn tỉnh Lai Châu còn khó khăn do đại bộ phận nhân dân là dân tộc thiểu số thuộc vùng khó khăn, sản xuất thuần nông là chủ yếu, tỷ lệ hộ nghèo còn cao…Việc duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới tại các xã đạt chuẩn còn hạn chế, một số tiêu chí đã đạt nhưng chưa bền vững, nhất là các tiêu chí về thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo, môi trường…

Trong năm 2018, tỉnh sẽ cố gắng khắc phục những khó khăn để duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí về nông thôn mới của 24 xã đạt chuẩn đã được công nhận các năm 2014, 2015, 2016 và 2017; phấn đấu hoàn thành thêm 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới được công nhận năm 2018, đưa số xã hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới lên 30 xã. Bình quân, tiêu chí/xã toàn tỉnh đạt 13,67 tiêu chí, trong đó TP. Lai Châu đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; phấn đấu mức giảm tỷ lệ hộ nghèo đạt 4,19%, đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 25,64%

Ý kiến của bạn

Bình luận