Kon Tum: Mong lắm những cây cầu dân sinh trong mùa mưa lũ

Tác giả: PV

saosaosaosaosao
Ý kiến 04/09/2017 11:17

Thời điểm này, việc đi lại của người dân sống trên một số địa bàn tuyến huyện của tỉnh Kon Tum càng vất vả hơn do cầu treo dân sinh bị xuống cấp nghiêm trọng, nhiều cầu phải dừng khai thác để đảm bảo an toàn.

 

12
Cầu treo ở thôn 13, xã Đak Pxi đã xuống cấp nghiêm trọng

Theo báo cáo từ Sở GTVT Kon Tum, toàn tỉnh có 279 cầu treo. Trong đó, huyện Kon Rẫy có 24 cầu treo, trong đó 14 cầu đang xuống cấp, cần được duy tu, sửa chữa. Huyện Đak Glei có 76 cầu treo, nhưng có tới 47 cầu không đảm bảo an toàn (trong đó 6 cầu đã dừng sử dụng). Huyện Kon Plông có 70 cầu treo, 17 cầu không đảm bảo an toàn và 12 cầu đã dừng sử dụng. Huyện Đak Tô có 20 cầu treo, trong đó có 5 cầu đã hư hỏng, xuống cấp, 2 cầu dừng sử dụng. Huyện Ngọc Hồi có 19 cầu treo, trong đó có 12 cầu đang duy tu sửa chữa, 3 cầu hư hỏng, xuống cấp. Huyện Sa Thầy có 18 cầu treo, trong đó có 6 cầu treo hư hỏng, xuống cấp. Huyện Đak Hà có 13 cầu treo, trong đó có 2 cầu hư hỏng, xuống cấp.

Ông Vương Văn Mười - Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết, hiện trên địa bàn có 36 cây cầu treo, trong đó có 9 cầu không đảm bảo an toàn. Trước tình hình đó, huyện đã chỉ đạo các xã có cầu cần tuyên truyền, vận động dân không đi từng đoàn người trên cầu, không dắt súc vật cùng qua cầu để tránh sự cố xảy ra, đặc biệt là vào mùa mưa lũ. Hiện nay, với tác động mạnh của thời tiết càng khiến các cây cầu treo ngày càng hư hỏng nặng thêm, nhiều đoạn, những tấm ván bắc ngang đã bị gãy rơi xuống sông. “Để khắc phục tình trạng trên và tránh trường hợp những người đi qua cầu, đặc biệt là trẻ em bị rơi xuống sông, các hộ dân sống gần khu vực cầu cực chẳng đã tự đan mành, ghép những cây củi, cây gỗ để đi, nhưng đây cũng chỉ là giải pháp tạm bợ. Về lâu dài thì phải làm chắc chắn hơn song do nguồn ngân sách của huyện còn hạn hẹp nên chưa thể ngay lập tức khắc phục hết số lượng cầu hư hỏng trên địa bàn”, ông Mười chia sẻ. 

Qua tìm hiểu, hệ thống cầu tại thôn 13, xã Đak Pxi, huyện Đak Hà, một số đã được xây dựng từ lâu nên chỉ cần một hay hai người bước qua là nó rung lắc rất mạnh. Ốc vít, dây cáp treo thì đã gỉ sét nặng, được cuộn tạm bợ, sơ sài, có thể bị đứt bất cứ lúc nào. Đó là chưa kể mặt cầu là những tấm ván mục, thân tre nhỏ có thể gãy, vỡ gây nguy hiểm cho tính mạng con người khi qua đây. Chị Y Thoan (thôn 13) cho biết, trên địa bàn xã mình nhiều cây cầu treo được làm từ rất lâu, nay đã hư hỏng nặng. “Mỗi lần có người đi qua, những chiếc cầu cũ rung lắc ghê lắm, ván cầu và dây cáp đã hư hỏng lâu rồi. Bà con mong sao Nhà nước sớm sửa chữa cầu để yên tâm qua lại, đặc biệt là trẻ em sẽ không còn nguy hiểm khi đến trường”, chị Y Thoan tâm sự.

Nhu cầu về cầu dân sinh của nhân dân tại các xã là rất lớn do đặc thù có nhiều suối và khe cạn. Tuy nhiên, để đáp ứng được mong mỏi, nguyện vọng của bà con rất cần có sự hỗ trợ từ các chương trình, dự án về xây dựng cầu nói riêng, công trình giao thông đường bộ nói chung.   

Ông Vũ Tiến Dũng - Chánh Văn phòng Sở GTVT Kon Tum chia sẻ: “Hàng năm, các địa phương vẫn báo cáo tình hình hệ thống cầu treo về Sở nắm bắt, còn việc xây mới hay sửa chữa thì địa phương tự xuất ngân sách, Sở có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, hướng dẫn về mặt kỹ thuật”.

Ước mơ có những cây cầu kiên cố để thay thế những cây cầu cũ, cầu tạm đã xuống cấp của người dân trên một số tuyến huyện, xã của tỉnh Kon Tum là hoàn toàn chính đáng. Qua đó, không chỉ đáp ứng nhu cầu phục vụ đi lại, sinh hoạt hàng ngày của bà con được thuận tiện hơn mà nó còn góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương

Ý kiến của bạn

Bình luận