Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 1992

Tác giả: cafebiz

saosaosaosaosao
Doanh nghiệp 21/10/2019 06:55

Theo SCMP, nền kinh tế Trung Quốc ghi nhận mức tăng trưởng 6% trong quý III/2019, mức tăng trưởng thấp nhất kể từ tháng 3/1992.


Fortune
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong quý III/2019 chạm đáy 6%. Ảnh: SCMP.

Mức tăng trưởng thấp kỷ lục cho thấy cuộc suy thoái kéo dài và chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã ảnh hưởng trầm trọng vào sản xuất và xuất khẩu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Trong quý II/2019, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp kỷ lục 6,2%.

Tốc độ tăng trưởng trong quý III/2019 thậm chí còn thấp hơn dự đoán của các chuyên gia kinh tế là 6,1%.

Theo SCMP, chính phủ Trung Quốc đã đặt mục tiêu cho tốc độ tăng trưởng chung trong năm 2019 là từ 6% đến 6,5%.

Dữ liệu được công bố hôm 18/10 cho thấy nền kinh tế đang tăng trưởng ở mức thấp nhất trong phạm vi này.

Một loạt dữ liệu được Cục Thống kê Quốc gia (NBS) công bố hôm 18/10 cũng cho thế ngành công nghiệp của Trung Quốc đang tăng trưởng tốt hơn dự đoán. Sản xuất công nghiệp tháng 9, thước đo sản lượng trong các lĩnh vực như sản xuất và khai thác, tăng 5,8%, vượt trên mức dự đoán là 4,9% và tăng 1,4% so với tháng 8.

Sản lượng sản xuất tại Trung Quốc cũng tăng 5,6% trong tháng 9 trong khi khai thác tăng 8,1%.

Lĩnh vực công nghiệp tăng trưởng sau 3 tháng sụt giảm. Cuộc chiến tranh thương mại là một trong những yếu tố khiến lĩnh vực này lao dốc. Một loạt nhà sản xuất cho biết họ đã phải tìm thị trường thay thế vì nhu cầu từ Mỹ đang giảm nhanh.

Doanh số bán lẻ, chỉ số tiêu thụ chính trong quốc gia đông dân nhất thế giới, tăng 7,8% trong tháng 9 so với cùng kỳ năm ngoái. Hồi tháng 8, chỉ số này là 7,5%.

Ngoài ra, sản lượng hàng nhập khẩu cũng lao dốc 8,5%, điều này cho thấy mọi ngóc ngách của thị trường sản xuất và tiêu dùng Trung Quốc đều bị tổn thương.

Theo báo cáo công bố hôm 18/10, đầu tư tài sản trong tháng 9, thước đo chi tiêu cho các hạng mục bao gồm cơ sở hạ tầng, tài sản, máy móc và thiết bị, ở mức 5,4%, thấp hơn 0,1% so với dự đoán của giới phân tích.

Con số tăng trưởng 6,0% GDP trong quý III/2019 được công bố trong thời điểm nền kinh tế Trung Quốc đang chịu áp lực nặng nề. Vài ngày trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã dự đoán mức tăng trưởng của Trung Quốc là 6,1% trong năm 2019 và 5,8% vào năm 2020, cả hai đều thấp hơn dự báo trước đó.

Cuộc chiến thương mại với Mỹ đang ở tháng thứ 15. Các dữ liệu chính thức cho thấy cuộc chiến đang tiếp tục tác động đến hai nền kinh tế hàng đầu thế giới, dù cả hai đều bày tỏ kỳ vọng về một thỏa thuận giới hạn.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích phản bác rằng các vấn đề trong nước của Trung Quốc bắt nguồn từ nền kinh tế giảm tốc, thay vì cuộc chiến thuế bên ngoài.

Bắc Kinh đã kiểm soát tín dụng rủi ro và thắt chặt các kênh ngân hàng trong nỗ lực loại bỏ nợ trong nền kinh tế có đòn bẩy tài chính cao.

Điều này khiến các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp ở quy mô nhỏ, phải vật lộn để có quyền tiếp cận nguồn tài chính để đầu tư và mở rộng.

Người tiêu dùng cũng phải thắt chặt chi tiêu, khiến doanh thu các mặt hàng đắt đỏ như ôtô giảm mạnh.

Nền kinh tế giảm tốc cũng khiến sản lượng sản xuất của Trung Quốc giảm mạnh. Tuần này, IMF đã cắt giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu trong năm 2019 xuống còn 3%, mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 10 năm trước.

Chuyên gia kinh tế IMF Gita Gopinath cho rằng nguyên nhân là “rào cản thương mại và căng thẳng địa chính trị”.

Trong một cuộc họp báo ở Bắc Kinh, phát ngôn viên của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, Mao Shengyong, tuyên bố: “Chúng ta nên tập trung thực hiện công việc của mình, coi sự phát triển là ưu tiên hàng đầu, còn tăng trưởng ổn định và phạm vi phát triển kinh tế hợp lý là ưu tiên nổi bật hơn”.

Ý kiến của bạn

Bình luận