Kinh nghiệm quản lý, khai thác đường bộ cao tốc có thu phí của một số nước

Tác giả: Nguyễn Tuấn Phong

saosaosaosaosao
28/07/2015 03:19

Nghiên cứu quản lý mô hình hợp tác công tư (PPP) trong việc phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc có thu phí của một số nước nhằm rút ra bài học áp dụng cho Việt Nam.

 

ThS. Nguyễn Tuấn Phong

Viện Chiến lược và Phát triển GTVT

Người phản biện:

ThS. Phạm Hoài Chung.

Tóm tắt: Nghiên cứu quản lý mô hình hợp tác công tư (PPP) trong việc phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc có thu phí của một số nước nhằm rút ra bài học áp dụng cho Việt Nam.

Từ khóa: Đường bộ cao tốc, có thu phí, mô hình quản lý ĐBCT, bài học áp dụng, Việt Nam.

Abstract: Research model of toll expressway management and operation of foreign countries to draw lessons applicable in Vietnam.

Keywords: Expressway, toll, model of expressway management, draw lessons, Viet Nam.

Theo Quyết định số 1734 QĐ-TTg ngày 01/12/2008 của Thủ tướng Chính Phủ về việc phê duyệt quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020, mạng lưới đường bộ cao tốc tại Việt Nam sẽ bao gồm 22 tuyến với tổng chiều dài 5.873km phân bố tập trung trên 3 vùng kinh tế trọng điểm của đất nước. Thực hiện Quy hoạch đòi hỏi lượng vốn lớn cho các khâu xây dựng và quản lý khai thác. Trong khi đó, việc quản lý khai thác hệ thống đường bộ cao tốc ở nước ta còn mới mẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm. Các nghiên cứu cho thấy việc quản lý khai thác hệ thống đường bộ cao tốc khác hẳn với quản lý khai thác hệ thống các tuyến đường bộ thông thường, nó đòi hỏi công tác quản lý khai thác ở một tầm rất cao, đồng bộ và nghiêm ngặt như quản lý điều khiển một tổ hợp sản xuất công nghiệp hiện đại. Bài báo xin được trao đổi bước đầu về mô hình quản lý khai thác đường cao tốc từ góc độ nghiên cứu các quy định của các quốc gia có đường cao tốc trong khu vực, từ đó để từng bước nghiên cứu chọn lọc áp dụng vào điều kiện Việt Nam.

1. Kinh nghiệm từ nước ngoài

1.1. Mô hình cổ phần ở Trung Quốc 

Hình thức ưa thích áp dụng ở Trung Quốc là Chính phủ hợp tác với tư nhân thông qua các công ty cổ phần. Quan hệ hợp tác PPP thông qua các hợp đồng thường là các đơn thầu độc lập với quy mô khác nhau.

- Hệ thống đường cao tốc quốc gia này đều có thu phí với mục tiêu sử dụng số tiền phí thu được để chi cho các chi phí vận hành và trả nợ vốn vay xây dựng đường. Công tác quy hoạch chung cho toàn hệ thống đường cao tốc quốc gia do Bộ Xây dựng thực hiện song công tác xây dựng và vận hành đường lại thuộc trách nhiệm các tỉnh thông qua Sở Thông tin và Truyền thông của các tỉnh. Nguồn vốn tài trợ cho Hệ thống đường đường bộ quốc gia lấy từ số thu phí đăng ký xe trên toàn quốc phí bảo trì đường bộ tại tỉnh, vốn vay từ các tổ chức tài chính quốc tế (IFI), vay ngân hàng thương mại, chứng khoán hóa các công ty đường thu phí, đầu tư tư nhân, doanh thu phí đường; ngân sách bổ sung của Chính phủ.

- Hầu hết các tỉnh hiện có 1 Ban Quản lý đường cao tốc cấp tỉnh và một tập đoàn đường cao tốc tỉnh. Tập đoàn đường cao tốc tỉnh là công ty cổ phần của nhiều công ty vận hành đường khác nhau, trong đó có một số là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thuộc tỉnh, một số công ty liên doanh phần lớn vốn thuộc sở hữu nhà nước và một số công ty tư nhân trong đó tỉnh có tham gia sở hữu cổ phần nhỏ.

1.2. Mô hình quản lý ở Thái Lan

 Cục đường cao tốc là đơn vị chịu trách nhiệm thi công, sửa chữa và bảo dưỡng tất cả các tuyến cao tốc tại Thái Lan và 4.345km đường mô tô có thu phí.

  Các cơ quan Chính phủ chủ chốt và trách nhiệm của các cơ quan:

- Bộ Tài chính: Cung cấp hỗ trợ của Chính phủ (về đầu tư, bảo lãnh) cho các dự án;

- Ban Phát triển kinh tế và Xã hội quốc gia (NESDB): Trực thuộc Văn phòng Thủ tướng và chịu trách nhiệm quy hoạch hạ tầng chiến lược, không có thẩm quyền phê duyệt dự án;

- Vụ đường cao tốc (DOH) trực thuộc Bộ GTVT và phụ trách các tuyến đường cao tốc và đường mô to;

- Cơ quan chính quyền của Thái Lan về đường cao tốc và đường bộ khẩn cấp (Expressway and Rapid Transit Authority - ETA) là một doanh nghiệp thuộc Bộ Nội vụ phụ trách các tuyến đường cao tốc mới.

- Cục Đô thị Băng cốc (BMA): Phụ trách đường đô thị tại Băng cốc;

- Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường: Quy định yêu cầu đánh giá tác động môi trường cho các dự án lớn;

- Hai cơ quan có thẩm quyền cao nhất đối với dự án đường bộ thu phí là Cục đường bộ, trực thuộc Bộ GTVT và Cơ quan quản lý đường cao tốc và đường bộ khẩn cấp (Expressway and Rapid Transit Authority - ETA), trực thuộc Bộ Nội vụ.

2. Bài học cho Việt Nam

Theo kinh nghiệm, để thực hành biện pháp kiểm soát phát triển đường cao tốc có thu phí, các nước đều thành lập cơ quan chịu trách nhiệm trực tiếp về việc phát triển, giám sát và quản lý đường cao tốc và nắm giữ trách nhiệm pháp lý thông qua các văn bản pháp quy quy định quá trình thực hiện dự án. Đây chính là điểm còn thiếu rõ ràng và gây ảnh hưởng đến tiến độ phát triển đường cao tốc tại Việt Nam. Để đảm bảo sự thành công cho mô hình PPP nói chung và mô hình PPP trong phát triển đường bộ cao tốc có thu phí nói riêng, cần thiết phải:

- Phân loại, xác định nhanh:

+ Những đoạn cao tốc cần Nhà nước tham gia đầu tư;

+ Những đoạn cao tốc Nhà nước cùng với tư nhân hợp tác đầu tư;

+ Những đoạn kêu gọi tư nhân trực tiếp đầu tư.

 - Hình thành một tổ chức hoặc cơ quan phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc có thu phí, với chức năng chính như sau:

+ Thứnhất, tạo lập khuôn khổ pháp lý và chính sách thực thi luật định, đảm bảo sự thành công cho mô hình PPP nói chung và mô hình PPP trong phát triển đường cao tốc;

+ Thứ hai, thành lập cơ quan vận hành quản lý, khai thác đường bộ cao tốc:Vai trò cung cấp dịch vụ có thể do một công ty nhà nước đảm nhận như trường hợp Tổng công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), hay các công ty đường thu phí cấp tỉnh của Trung Quốc, hoặc có thể qua một dự án PPP hay một pháp nhân được nhượng quyền cho tư nhân nào đó;

+ Thứ ba, giám sát và đánh giá cung cấp dịch vụ: Cơ quan giám sát và đánh giá việc cung cấp dịch vụ với tư cách là cơ quan giám sát phụ trách mạng lưới đường bộ cao tốc, phải bao quát hai lĩnh vực: Lĩnh vực chức năng hoạt động hiệu quả của toàn bộ mạng lưới đường đảm bảo lợi ích của người sử dụng và lợi ích công và lĩnh vực giám sát các hạng mục/phần cụ thể trong mạng lưới đường do một tổ chức cụ thể vận hành khai thác - có thể là doanh nghiệp nhà nước hoặc là công ty tư nhân.

3. Kết luận

Việc xây dựng các tuyến đường bộ cao tốc có thu phí ở mỗi nước đều bắt đầu từ việc ra quyết định triển khai một chương trình phát triển đường cao tốc, sau đó là một số các nội dung xây dựng nhằm đưa quyết định đó vào thực tiễn. Một trong những hợp phần quan trọng của công tác xây dựng là thiết lập các thể chế phù hợp nhằm đảm bảo đủ khả năng phát triển, đủ tài chính, vận hành tốt và giám sát tốt chương trình phát triển đường cao tốc. Mỗi quốc gia đều đã xây dựng cho mình cơ cấu thể chế riêng nhằm hỗ trợ thực hiện các dịch vụ giao thông đường bộ.

Tài liệu tham khảo

[1]. Hội thảo quốc tế: Phát triển và quản lý đường cao tốc tại Việt Nam (7/2007), Hà Nội - Việt Nam.

[2]. Kỷ yếu hội thảo hợp tác công tư PPP (7 - 2007), Hà Nội.

Ý kiến của bạn

Bình luận