Kinh nghiệm đảm bảo ATGT tại một số quốc gia châu Á

Ý kiến phản biện 27/09/2016 15:19

Cải thiện hệ thống giao thông công cộng, hạn chế xe cá nhân, giáo dục ý thức cho người tham gia giao thông… là những biện pháp đảm bảo ATGT phổ biến, được nhiều quốc gia châu Á áp dụng hiệu quả.

2

Hạn chế xe cá nhân

Tại một số quốc gia có mật độ dân số cao với diện tích giới hạn, hạn chế phương tiện cá nhân lưu thông được coi là chiến lược hàng đầu nhằm giảm TNGT, trong đó có Singapore - một trong những quốc gia có diện tích nhỏ nhất thế giới với chỉ vẻn vẹn 719km2. Với dân số hiện tại đã vượt quá 5 triệu người, cơ sở hạ tầng giao thông của đảo quốc sư tử đang phải đối mặt với số lượng phương tiện di chuyển cá nhân gia tăng với tốc độ chóng mặt. Để giảm thiểu nguy cơ UTGT  vốn là vấn nạn đối với các quốc gia láng giềng, các nhà làm luật của Singapore đã đưa ra chính sách kiểm soát chặt chẽ số lượng xe hơi được cấp mới, với mức tăng không được phép quá 3%/năm và hiện tại là 0,25% đối với giai đoạn 2015 - 2018.

Singapore đã tiến hành áp dụng chứng nhận hạn ngạch lưu hành (Vehicle Quota System - VQS), thuế đường (Road Tax), phí lưu hành (Electronic Road Pricing), ngoài ra còn phải đăng ký tại Cục Quản lý Giao thông đường bộ Singapore. Đặc biệt, hệ thống chứng nhận sở hữu xe (Certificate of Entitlement - COE) có thời hạn trong 10 năm được áp dụng bắt buộc đối với các phương tiện lưu thông trên đường. Chứng nhận COE được cấp ra với số lượng hạn chế và còn phụ thuộc vào các chỉ số như số lượng xe bị đưa ra khỏi diện cấp phép, tốc độ gia tăng xe cá nhân tại thời điểm cấp, lượng xe taxi hoạt động.

Cải thiện hệ thống giao thông công cộng

Song hành cùng với các biện pháp kiểm soát phương tiện cá nhân, nhiều quốc gia châu Á còn áp dụng các biện pháp nhằm gia tăng khả năng vận hành của hệ thống giao thông công cộng.

Tại Thái Lan, nhờ vào hệ thống giao thông công cộng phát triển nên việc đi lại của du khách cũng như của người dân tại Bangkok khá dễ dàng. Hiện nay, Thái Lan có rất nhiều phương tiện tiện ích, nhanh, rẻ và tiện lợi, trong số đó phải kể đến Skytrain là phương tiện đi lại phổ biến nhất. Các chuyến Skytrain chạy cách nhau 3 - 6 phút và đi qua hầu hết các điểm tham quan tại Bangkok. Tiếp theo là xe điện ngầm - MRT (Mass Rapid Transport). Xe điện ngầm cùng với Skytrain nhanh và hiệu quả đã mang lại rất nhiều lợi ích cho người dân Bangkok và góp phần đáng kể trong việc giảm tải tình trạng tắc đường tại Bangkok. Ngoài ra, tại một số thành phố có nhiều sông hồ như Bangkok, phương tiện đường sông (tàu, thuyền) cũng được sử dụng đa dạng, từ những con tàu lớn sang trọng cho đến những chiếc thuyền nhỏ.

Tại Singapore, hệ thống MRT Singapore bao gồm 84 ga đang hoạt động, đưa tổng chiều dài toàn hệ thống đường sắt đô thị lên tới 130km. Hệ thống MRT Singapore hiện đang được quản lý bởi Tập đoàn SBS Transit và SMRT. Hiện 2 tập đoàn này cũng đang vận hành hệ thống taxi và xe bus lớn nhất Singapore. Tương tự tại Hồng Kông, xung quang các nhà ga lớn và trạm trung chuyển là các chuỗi cửa hàng, trung tâm thương mại lớn nhằm gia tăng nhu cầu mua sắm và mang lại sự thuận tiện cho khách hàng sử dụng MRT. Do được quản lý chung bởi cùng tập đoàn, các điểm chờ xe bus và taxi cũng được đặt gần các nhà ga nhằm tạo ra một hệ thống giao thông công cộng xuyên suốt.

Hệ thống hạ tầng giao thông đã được Nhật Bản chú trọng phát triển từ những năm đầu thế kỷ 20, với hệ thống xe điện đưa vào hoạt động vào những năm 1927 và đường cao tốc vào năm 1963. Bên cạnh đó, Chính phủ Nhật Bản cũng rất coi trọng việc phân chia hệ thống giao thông đường bộ. Các tuyến đường phần lớn được phân chia theo làn, trong đó xe buýt luôn có làn ưu tiên, cùng với ý thức tốt của những người tham gia giao thông nên việc chen làn, vượt làn hầu như không xảy ra. Do đó, việc tắc đường ở Nhật Bản hầu như rất hiếm, nếu có xảy ra thì cũng không quá 30 phút và các phương tiện vẫn có lối thoát. Tàu điện đô thị là phương tiện giao thông có mật độ sử dụng cao nhất tại các đô thị lớn của Nhật Bản.

1
Hệ thống đường sắt trên cao Thái Lan

Giáo dục ý thức cho người tham gia giao thông

Nhật Bản được mệnh danh là quốc gia có hệ thống giao thông an toàn nhất trên thế giới và người dân có ý thức cao khi tham gia giao thông. Để làm được như vậy, một trong những giải pháp được Nhật Bản rất chú trọng là giáo dục ATGT cho trẻ em để xây dựng cho các em ý thức ngay từ nhỏ. Nhờ vậy, tình trạng giao thông của Nhật Bản đã thay đổi theo hướng tích cực và trở thành một trong những quốc gia có hệ thống giao thông an toàn nhất trên thế giới.

Không chỉ có Nhật Bản, Chính phủ đảo quốc Singapore cũng đã ban hành Kế hoạch An toàn hơn đường phố Singapore. Kế hoạch này bao gồm 3 hướng chiến lược là: Giáo dục, Tham gia và Thực thi với tầm quan trọng ngang bằng nhau trong mục tiêu hình thành các chuẩn mực về hành vi giao thông, gây dựng nên một văn hóa giao thông an toàn và lịch sự. Mục tiêu cuối cùng là tạo nên đường phố an toàn cho tất cả mọi người. Biện pháp đầu tiên là siết chặt hơn việc cấp phép cho người đi xe máy, bắt buộc người đi xe máy phải theo khóa học làm quen với đường cao tốc nhằm giảm thiểu số lượng vụ tai nạn do phương tiện này gây ra.

Ý kiến của bạn

Bình luận