Kinh nghiệm chuẩn bị tương lai việc làm của New Zealand

07/11/2019 06:22

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính New Zealand, nền giáo dục cần liên tục thay đổi và linh hoạt để mỗi người đều có thể hoà chung với dòng chảy tương lai.

DSC-0307-5503-1573009100
ông Grant Robertson - Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thể thao và Giải trí New Zealand.

Mới đây, trong chuyến đến thăm và làm việc tại Việt Nam, ông Grant Robertson - Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thể thao và Giải trí New Zealand và ông John Laxon, Giám đốc khu vực châu Á, Cơ quan Giáo dục New Zealand (ENZ) đã có những chia sẻ về việc quốc gia này làm gì để đáp ứng sự thay đổi "Tương lai của Việc làm" (The Future of Work) và các kỹ năng sinh viên cần chuẩn bị cho tương lai.

- Thưa ông, ông có thể chia sẻ cách tiếp cận của New Zealand đối với tương lai của việc làm?

- Ông Grant Robertson: Chúng tôi tập trung vào giáo dục. Chúng ta không thể dự đoán tương lai chính xác, nhưng điều chúng ta biết chắc chắn là mỗi cá thể đều phải liên tục nâng cao khả năng và kiến thức của bản thân trong suốt cuộc đời của họ. Chúng tôi luôn đề cao phương châm "học, học nữa, học mãi", và mỗi người dân New Zealand đều có cơ hội được mài dũa và nâng cao kiến thức từ trường học và ngay cả trong công việc. Thêm vào đó, tôi muốn nhấn mạnh về tầm quan trọng của công nghệ. Nếu chúng ta để công nghệ dẫn dắt tương lai, chúng ta phải đảm bảo rằng mỗi người dân phải có cơ hội để sử dụng, hiểu, và phát triển công nghệ. 

Một điều quan trọng khác là chúng ta sẽ phải cùng các doanh nghiệp lập ra kế hoạch cho tương lai. Chúng tôi đang thực hiện một loạt đề án thay đổi ngành công nghiệp, rà soát từng ngành nghề để tìm hiểu xem thị trường lao động sẽ thay đổi ra sao với họ trong tương lai. Đó là phương pháp rất quan trọng để lập ra kế hoạch lâu dài nhằm phát triển nguồn nhân lực trong các ngành nghề khác nhau và chuẩn bị cho từng cá thể để mỗi người đều có khả năng hoà chung với dòng chảy của tương lai.

- Như vậy, hệ thống giáo dục vận hành như thế nào trong việc chuẩn bị cho học sinh, sinh viên đáp ứng tốt công việc của tương lai, thưa ông?

- Ông Grant Robertson: Tôi nghĩ rằng điều quan trọng nhất là cần có một nền giáo dục liên tục thay đổi và linh hoạt. Tại New Zealand, chúng tôi thường xuyên cập nhật các chương trình đào tạo nghề để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường việc làm và của các doanh nghiệp, kịp thời ứng phó với những sự thay đổi và giúp các cá nhân thích nghi với những hoàn cảnh khác nhau. Sự linh hoạt này được thực hiện trên toàn quốc, trong khắp các trường và cơ sở đào tạo. 

Trong hệ thống trường học, chúng tôi khuyến khích khả năng thích ứng cao của học sinh và sinh viên. Các bạn cần phát triển đồng đều nhiều kỹ năng để hướng đến sự sáng tạo. Các bạn cũng được khuyến khích để biết cách phối hợp và làm việc theo nhóm. 

- Cụ thể, sinh viên cần trang bị những kỹ năng nào cho nghề nghiệp tương lai?

- Ông John Laxon: Hai kỹ năng quan trọng nhất sinh viên cần trang bị theo tôi là tư duy sáng tạo và kỹ năng hợp tác. Tại New Zealand, học sinh được học cách phát triển tư duy phản biện, để có thể tự tin phá vỡ những định kiến từ đó thúc đẩy khả năng sáng tạo, tư duy linh hoạt. Các em được tự chọn các môn học mình yêu thích để đưa ra giải pháp mới, sáng tạo cho những vấn đề có thể còn chưa tồn tại ở thì hiện tại.

Với kỹ năng hợp tác, nền giáo dục New Zealand chú trọng phương pháp giảng dạy mà học sinh được học tập và làm việc theo nhóm. Bạn sẽ không thấy hình ảnh giáo viên giảng bài và tất cả học sinh ngồi nghe. Mọi người sẽ cùng nhau làm việc, đưa ra quan điểm, giúp các em giao tiếp tốt hơn, phát triển kỹ năng mềm, tư duy trí tuệ cảm xúc - điều rất quan trọng cho sự thành công của các em trong tương lai.

- Thông qua sự hợp tác giáo dục giữa Việt Nam và New Zealand, học sinh, sinh viên Việt Nam sẽ được hưởng lợi như thế nào?

- Ông John Laxon: Năm nay lần đầu tiên Chính phủ New Zealand có chương trình hỗ trợ Học bổng Chính phủ dành riêng cho học sinh Việt Nam bậc Trung học. Ngoài ra, hai bên đang xem xét việc mời các học giả tại các trường hàng đầu New Zealand đến Việt Nam để trao đổi cùng đại diện các trường tại Việt Nam về giáo dục, bao gồm việc tư vấn cách hướng nghiệp cũng như kinh nghiệm quản lý.

DSC-0317-9651-1573009100
ông John Laxon, Giám đốc khu vực châu Á, Cơ quan giáo dục New Zealand (ENZ).

Chúng tôi cũng sẽ thường xuyên tổ chức các hoạt động như hội thảo, giao lưu văn hóa, cuộc thi học thuật - kỹ năng. Sắp tới đây ENZ sẽ tổ chức hội thảo chia sẻ về Kinh doanh Bền vững và Kỹ năng cần thiết để thành công trong tương lai, trong đó có kỹ năng làm việc và học tập trong môi trường đa văn hóa. Mục tiêu của buổi giao lưu, hội thảo này là trang bị cho học sinh thành những công dân toàn cầu, sẵn sàng cho công việc đa quốc gia. Các diễn giả là đại diện Cơ quan Chính phủ New Zealand, cùng các cựu du học sinh New Zealand - những người có kinh nghiệm học tập và làm việc tại doanh nghiệp trong và ngoài nước.

-  Ông đánh giá thế nào về mối quan hệ hợp tác giáo dục của Việt Nam và New Zealand?

- Ông John Laxon: Tôi thấy hứng khởi với những bước tiến lớn trong những năm gần đây. Năm 2018 Thủ tướng hai nước đã ký kết chiến lược hợp tác giáo dục giữa hai nước với mục tiêu trong 3 năm sẽ tăng số lượng du học sinh lên 30%, và hiện tại chúng ta đã đạt được con số đó.

Một điểm nhấn nữa là ngày càng nhiều trường New Zealand đến và hợp tác với các trường Việt Nam. Tôi tin rằng sự hợp tác này sẽ mang lại lợi ích cho số lượng lớn học sinh của cả hai quốc gia.

- Mới đây, giáo dục New Zealand triển khai chiến dịch "I am New". Ông chia sẻ gì về điều này?

- Ông John Laxon: Đây không chỉ là chiến dịch mà còn là sự thay đổi hình ảnh, thương hiệu như một lời cam kết các em sẽ được khuyến khích để không ngừng học hỏi, sáng tạo - kỹ năng mà New Zealand đánh giá cao. Với sự thay đổi này, học sinh sẽ luôn được khuyến khích để bước ra khỏi vùng an toàn, để khám phá, sáng tạo không ngừng. Hy vọng tương lai sẽ có nhiều học sinh sang New Zealand học và có sự thay đổi rõ rệt để minh chứng cho hình ảnh "I am New".

Ý kiến của bạn

Bình luận