Kinh nghiệm các nước phạt vi phạm giao thông Việt Nam nên học hỏi

Ý kiến phản biện 25/06/2020 06:17

Mỗi quốc gia có những phương pháp quản lý và xử phạt khác nhau nhưng đều chung một mục tiêu là nâng cao ý thức tham gia giao thông của người dân.

Screen Shot 2020-06-04 at 9.29.39 PM
Cảnh sát giao thông ở TP. Coronado, bang California, Mỹ Ảnh: coronado.ca.us

Minh bạch trong xử lý vi phạm giao thông tại Pháp

Tại Pháp, việc xử lý vi phạm giao thông được hỗ trợ tối đa bởi công nghệ và được phân chia rõ ràng giữa chức năng xử phạt vi phạm với chức năng thu tiền phạt. Đây là điểm mấu chốt giúp cho hoạt động giao thông được kiểm soát an toàn và buộc người tham gia giao thông tuân thủ luật pháp mọi lúc, mọi nơi.

Theo đó, lực lượng cảnh sát không có thẩm quyền thu nhận tiền phạt đối với tất cả trường hợp vi phạm luật giao thông (kể cả giao thông tĩnh). Việc thu tiền phạt được giao cho một cơ quan chuyên trách (trung tâm tài chính công hoặc kho bạc) có vị trí pháp lý độc lập với cơ quan cảnh sát. Vì vậy, Chính phủ về cơ bản đảm bảo tiền phạt vi phạm giao thông luôn được thu về ngân sách.

Ngoài việc phải nộp tiền phạt theo thông báo, người vi phạm có thể còn bị phạt điểm đánh vào giấy phép lái xe. Theo Luật Giao thông đường bộ của Pháp, các giấy phép lái xe đều được “gán” 12 điểm là số điểm nhất định. Mỗi lần người điều khiển phương tiện giao thông phạm lỗi, tùy vào mức độ, bằng lái của họ sẽ bị trừ từ 1 đến 8 điểm và được ghi vào hệ thống dữ liệu. Nếu bị trừ 8 điểm hoặc vi phạm các lỗi nghiêm trọng, giấy phép lái xe sẽ tự động không còn giá trị. Cảnh sát có thể kiểm tra bằng lái còn giá trị hay không thông qua thiết bị kết nối mạng không dây cầm tay và người vi phạm sẽ phải trải qua một khóa đào tạo lại để thi lấy giấy phép lái xe mới.

Bên cạnh hệ thống máy móc tự động, hoạt động giao thông ở Pháp cũng được tăng cường kiểm soát bởi hệ thống cảnh sát xa lộ và các đơn vị cảnh sát giao thông khác. Các lực lượng này có thể mở chiến dịch tuần tra, kiểm tra đột xuất đối với các phương tiện giao thông tùy yêu cầu nhiệm vụ. Các tổ công tác giao thông có thể đặt chốt chặn tại bất cứ thời điểm nào, địa điểm nào, kể cả chỗ khuất tầm mắt để thực hiện nhiệm vụ và người tham gia giao thông không có quyền khiếu nại, khiếu kiện vấn đề này. Trách nhiệm của người tham gia giao thông là tuyệt đối tuân thủ pháp luật bất kể cảnh sát triển khai nhiệm vụ tại địa điểm nào.

Răn đe tài xế phạm luật “kiểu” Mỹ

Ở Mỹ, chính quyền hầu hết các bang theo dõi và quản lý tài xế bằng hệ thống tính điểm, mục đích chính là để đơn giản hóa quy trình và thủ tục pháp luật; phát hiện, ngăn chặn và trừng phạt những người tái phạm nhiều lần. Theo đó, mỗi bang sử dụng cách cộng điểm cho mỗi vi phạm riêng, tùy mức độ nghiêm trọng. Nếu số điểm phạt đạt ngưỡng pháp luật đặt ra, lái xe sẽ bị tước một phần hoặc toàn bộ quyền cầm lái.

Chẳng hạn ở New York, khi bị cộng đủ 11 điểm hoặc hơn trong vòng 18 tháng, tài xế có thể bị treo bằng, thời hạn tịch thu tính từ ngày vi phạm. Sau 18 tháng, số điểm phạt vi phạm trước đó vẫn được ghi lại trong hồ sơ bằng lái nhưng không tính vào số điểm hiện tại. Bên cạnh tiền phạt vi phạm, người nào bị cộng đủ 6 điểm trong vòng 18 tháng có thể sẽ buộc phải trả 100 USD phí “đánh giá trách nhiệm tài xế” hàng năm trong vòng ba năm. Lái xe sẽ phải trả thêm 25 USD cho mỗi điểm phạt tích lũy trên 6. Ví dụ: bị 7 điểm phạt sẽ phải trả (100 + 25) x 3 = 375 USD, 8 điểm phạt là (100 + 50) x 3 = 450 USD.

Đối với một số lỗi, lái xe sẽ bị treo hoặc hủy bằng lái ngay lập tức, ví dụ như lái xe khi say hoặc sử dụng ma túy, không nộp tiền phạt vi phạm giao thông, không báo cáo TNGT, không trả đủ thuế, không có bảo hiểm trách nhiệm cho phương tiện hoặc lái xe gây tai nạn chết người.

Ngoài hậu quả pháp lý, các cơ quan chức năng còn chuyển thông tin về vi phạm của lái xe tới công ty bảo hiểm. Người phạm nhiều lỗi giao thông có nguy cơ cao gây tai nạn và sẽ yêu cầu công ty bảo hiểm thanh toán nhiều hơn. Vì thế, số tiền mà công ty bảo hiểm yêu cầu thanh toán sẽ cao với người lái xe không an toàn. Đồng thời, khi bị phạt vi phạm giao thông, người điều khiển phải có trách nhiệm trả tiền theo quy định về thời gian, chậm hơn 30 ngày sẽ tăng gấp đôi, chậm hơn nữa sẽ phạt gấp ba, gấp bốn và cuối cùng là triệu ra tòa và phải chịu mọi án phí. Người vi phạm có quyền khiếu kiện nếu nhận thấy không vi phạm.

Hệ thống xử phạt nghiêm minh của Hàn Quốc

Khi tham gia giao thông tại Hàn Quốc, tài xế sẽ hiếm khi nhìn thấy sự có mặt của lực lượng CSGT nhưng các phương tiện đều di chuyển một cách tự giác, đúng trật tự. Bởi lẽ ở Hàn Quốc, hệ thống camera được bố trí dày đặc có thể giám sát mọi tình huống giao thông. Các camera hoạt động với Internet tốc độ cao, sẵn sàng ghi lại mọi tình huống vi phạm giao thông để xử lí “phạt nguội”. Khi có vi phạm, hệ thống sẽ ghi lại thông tin về chiếc xe. Từ những thông tin sơ bộ, ngay lập tức có thể tra ra thông tin về chủ sở hữu chiếc xe, sau đó gửi thông báo nộp phạt tới nhà của chủ xe.

Hầu hết các giao dịch tài chính Hàn Quốc đều dùng dịch vụ ngân hàng và thanh toán trực tuyến. Cảnh sát chỉ cần nhập tên, số thẻ căn cước là có thể xác định tài khoản của chủ phương tiện, nếu không nộp phạt, tài khoản ngân hàng của chủ xe sẽ bị phong tỏa, không thể chi tiêu. CSGT Hàn Quốc cũng được trao quyền xử lí mạnh tay với những hành vi cố tình chống đối.

 

 

Ý kiến của bạn

Bình luận