Kinh nghiệm bảo đảm chất lượng nhìn từ ban quản lý dự án

Tác giả: Lệ Hà

saosaosaosaosao
Bạn đọc 12/03/2020 06:01

Mỗi công trình, dự án đều có những giải pháp, tổ chức thi công riêng, nhưng mục đích cuối cùng là đảm bảo chất lượng, tiến độ và hiệu quả của dự án, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Để thực hiện tốt điều này, vai trò lớn nhất chính là của đại diện cơ quan có thẩm quyền trong suốt quá trình chuẩn bị, thi công và bàn giao đưa vào khai thác.

 

IMG_2960
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ kiểm tra dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn 

Mặt bằng là mấu chốt 

Để có công trình đảm bảo chất lượng, bên cạnh việc các cơ quan, đơn vị quản lý nhà nước thực hiện đúng vai trò, trách nhiệm của mình theo quy định của pháp luật còn đòi hỏi phải tiếp tục nâng cao chất lượng các khâu từ thiết kế, chuẩn bị dự án đến công tác thi công. Ông Nguyễn Chung Khánh - Giám đốc Ban QLDA 7 cho biết: “Công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) luôn là nguyên nhân chính khiến cho nhiều dự án bị chậm trễ. Bởi theo quy định, công tác GPMB được tách ra thành tiểu dự án độc lập và giao cho địa phương làm chủ đầu tư. Mặc dù vậy, trong quá trình thực hiện, Ban QLDA 7 vẫn chủ động phối hợp, có trách nhiệm cung cấp đầy đủ hồ sơ, tài liệu có liên quan, lập kế hoạch vốn và chuyển cho địa phương đầy đủ, kịp thời.

Ban thường xuyên theo dõi, kiểm tra phối hợp chặt chẽ và cùng tham gia thực hiện GPMB với địa phương, kịp thời tháo gỡ vướng mắc khó khăn, tiếp nhận mặt bằng giao cho nhà đầu tư, đơn vị thi công; nắm bắt tình hình thực hiện công tác GPMB để kịp thời đề xuất với địa phương, Bộ GTVT tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Trong công tác thực hiện đầu tư, Ban QLDA 7 cũng tập trung chỉ đạo thực hiện khởi công các dự án trọng điểm như: Dự án Cầu Mỹ Thuận 2; Dự án Cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết; Dự án QL53 đoạn Trà Vinh - Long Toàn; Dự án tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp theo đúng kế hoạch đã đăng ký với Bộ GTVT. Ban chủ động nắm bắt và lường trước mọi khúc mắc, phát sinh (nếu có) để báo cáo Bộ GTVT xin chủ trương giải quyết, tuyệt đối không thụ động để ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện, đồng thời tập trung chỉ đạo thực hiện hoàn thành các dự án dở dang như: Nâng cấp, mở rộng QL1, tuyến tránh TP. Tân An (TPCP); Dự án xây dựng các cầu tỉnh Tiền Giang; Dự án khôi phục, cải tạo QL20 (BT) (hạng mục bổ sung); Dự án cải tạo luồng sông Sài Gòn đoạn từ cầu Bình Lợi đến cảng Bến Súc (BOT) theo đúng kế hoạch đã đăng ký (hoặc điều chỉnh) với Bộ GTVT.

Thông qua quá trình quản lý các dự án lớn, dự án trọng điểm, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Ban không ngừng được nâng cao trình độ quản lý, nâng cao năng lực điều hành dự án. Ông Khánh cho biết thêm, năm 2020 là năm có nhiều khó khăn, thách thức đối với Ban như: Triển khai các dự án lớn, trọng điểm có yêu cầu cao về kỹ thuật, chất lượng, có sự giám sát chặt chẽ của Quốc hội, nhân dân cả nước, đòi hỏi tập thể Ban phải có sự nỗ lực, đoàn kết cao trong thực hiện nhiệm vụ được giao.

Thời gian tới, Ban tiếp tục làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, xây dựng, điều chỉnh kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021 - 2026 trên cơ sở bám sát quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch ngành, bám sát ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và tranh thủ sự đồng thuận của các bộ, ngành Trung ương và các địa phương. Việc đăng ký và có giải pháp cụ thể, kịp thời để đảm bảo giải ngân 100% kế hoạch cũng là một thế mạnh giúp các dự án đạt hiệu quả tốt. 

Ngoài ra, đơn vị cũng tiếp tục đẩy mạnh công tác quyết toán vốn đầu tư làm cơ sở để báo cáo chuẩn xác tình hình sử dụng vốn đầu tư của các dự án hoàn thành, đề xuất tham mưu cho Bộ GTVT hướng sử dụng vốn một cách hiệu quả và chặt chẽ nhất. Đồng thời, Ban tiếp tục củng cố và nâng cao trình độ, năng lực đội ngũ (nhất là trình độ ngoại ngữ) để nghiên cứu đề xuất và tiếp cận các dự án sử dụng vốn ODA...; chủ động và tích cực hoàn tất các thủ tục cho các dự án mới, rà soát hoàn thành thủ tục các dự án đang điều chỉnh; thường xuyên bám sát các cơ quan chức năng của Bộ GTVT để giải quyết kịp thời các thủ tục, đảm bảo tiến độ theo yêu cầu.

Chuyên nghiệp trong quản lý dự án

Trong 20 năm qua, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh đã ghi những dấu ấn trên nhiều công trình trải dài từ Cao Bằng đến Cà Mau. Để có được uy tín, thương hiệu như ngày hôm nay và đặc biệt là hướng phát triển của Ban mang tính chuyên nghiệp trong quản lý điều hành dự án là do được lãnh đạo Bộ GTVT quan tâm định hướng, đồng thời các thế hệ của Ban luôn tìm tòi và có hướng đi đúng đắn.

Với kinh nghiệm quản lý các dự án lớn, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh trong giai đoạn vừa qua luôn được Bộ GTVT “chọn mặt gửi vàng”. Đối với Dự án cao tốc Bắc - Nam nhánh Đông, Ban được giao quản lý hai dự án là Cam Lộ - La Sơn và Nha Trang - Cam Lâm. Tính đến thời điểm hiện tại đã có 02 dự án thành phần được khởi công. Tính đến trung tuần tháng 2, Ban đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu của 5 gói thầu, trong đó 02 gói đang triển khai thi công, còn lại 7 gói thầu đã trình Bộ GTVT và tổ công tác liên ngành, phấn đấu khởi công tất cả các gói thầu trong quý I/2020.

Ông Lâm Văn Hoàng - Giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cho biết, ngay từ khi bắt đầu triển khai, chúng tôi đã xác định đặt yếu tố chất lượng lên hàng đầu và quán triệt đến các chủ thể tham gia dự án từ tư vấn thiết kế, nhà thầu thi công và tư vấn giám sát thực hiện nghiêm túc yêu cầu: Không vì bất cứ lý do gì đánh đổi chất lượng lấy tiến độ công trình. Tất cả các khâu trong quá trình triển khai đều được theo dõi, kiểm tra và giám sát chặt chẽ theo đúng quy trình, quy định.

Qua kinh nghiệm quản lý các dự án, để dự án đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng cũng như các yếu tố kỹ, mỹ thuật, đầu tiên phải là sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các vấn đề như: nguồn vốn, GPMB, ATGT, tiến độ, chất lượng công trình, khoa học công nghệ... Bên cạnh đó là sự phối hợp chặt chẽ, tích cực của các bộ, ngành, địa phương trong việc tháo gỡ các khó khăn về đền bù GPMB, bảo đảm ATGT trong quá trình tổ chức thi công. Tiếp đến là sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt xuyên suốt của Bộ GTVT, trong đó Bộ rà soát, loại bỏ các quy định bất hợp lý; duy trì sự chỉ đạo quyết liệt, xuyên suốt đối với các cơ quan trực thuộc Bộ có liên quan đến dự án. Điều không thể thiếu là năng lực điều hành của đơn vị quản lý - phải là một đơn vị quản lý chuyên nghiệp, kiên quyết xử lý, thay thế các chủ thể tham gia dự án kém năng lực. Cùng với đó là công tác chỉ đạo, điều hành được kiểm điểm định kỳ hàng tháng tại các công trường xây dựng, kịp thời uốn nắn tất cả các công việc của dự án từ GPMB, tiến độ, chất lượng công trình và ATGT...

Ý kiến của bạn

Bình luận