Kiểm soát cải biến xe để ngăn chặn “xe dù, bến cóc”

Tác giả: Lê Minh

saosaosaosaosao
Cải chính 24/12/2017 16:20

Khoảng 2 năm trở lại đây, lượng xe hợp đồng trá hình với cách gọi quen thuộc là xe Limousine tăng chóng mặt và chưa có dấu hiệu dừng lại khiến dư luận bức xúc. Các xe hợp đồng trá hình dưới 10 chỗ này thực chất là xe 16 chỗ hoán cải để lách luật, len lỏi mọi ngõ ngách của các thành phố lớn, đưa đón khách, gây không ít thiệt hại cho các doanh nghiệp vận tải hành khách tuyến cố định tại các bến xe, làm lộn xộn tình hình TTATGT. Các lực lượng chức năng phải đóng giả xe ôm để phát hiện, bắt giữ, xử lý nhưng cũng không xuể.

 

IMG_4561
 


Lách luật

Theo rà soát của Cục Đăng kiểm Việt Nam, khoảng 2 năm trở lại đây, lượng xe hợp đồng trá hình, chủ yếu là xe 16 chỗ lách luật hoán cải thành xe 10 chỗ (xe Limousine, xe VIP, xe Dcar, xe Vcar) tăng chóng mặt. Lợi dụng diện tích xe nhỏ, loại xe này có thể len lỏi vào mọi ngõ ngách trong nội đô để đón khách liên tỉnh như tuyến cố định. Tình trạng này gây áp lực nặng nề lên các tuyến phố và tạo môi trường cạnh tranh không lành mạnh, gây thất thu thuế, đồng thời phát sinh tình trạng “xe dù, bến cóc”.

Theo số liệu thống kê của Sở GTVT Hà Nội, trong 2 năm qua đơn vị này đã cấp phù hiệu cho khoảng 10 nghìn xe hợp đồng dưới 10 chỗ. Trong số này, phần lớn sử dụng xe hợp đồng để chạy trá hình. Biết là vậy, nhưng theo quy định hiện hành, khi doanh nghiệp có đủ hồ sơ thì cơ quan quản lý vẫn phải cấp phép.

Một bất cập khác là trong quá trình hoạt động rất khó để xử lý vi phạm, do loại hình vận tải này không thuộc diện bị cấm vào nội thành (hiện chỉ cấm xe trên 16 chỗ hoặc trên 24 chỗ). Những loại xe này chạy gần như xe khách tuyến cố định nhưng núp bóng danh nghĩa là xe hợp đồng, vì theo quy định, xe dưới 10 chỗ không phải thông tin về hợp đồng trước chuyến đi.

Chỉ tính từ đầu năm đến nay, lực lượng CSGT Hà Nội đã hóa trang đóng giả xe ôm để mật phục, phát hiện, bắt giữ và xử lý hàng nghìn trường hợp xe hợp đồng trá hình dừng, đỗ, đón, trả khách sai quy định, trong đó chủ yếu là xe từ 16 chỗ trở xuống.

Theo tiết lộ của các cơ quan chức năng, để có thể hoạt động, các nhà xe này thường thuê xe ôm theo dõi lực lượng CSGT, TTGT, khi thấy vắng bóng lực lượng chức năng tuần tra là thông báo cho lái xe hoạt động ngang nhiên. Mặc dù đã xử phạt rất nhiều trường hợp vi phạm nhưng đại diện Phòng CSGT Hà Nội thừa nhận, việc xử lý xe hợp đồng trá hình hoạt động chui nếu chỉ riêng lực lượng CSGT thì rất khó xử lý, mà cần sự vào cuộc, phối hợp tích cực của các lực lượng chức năng khác và chính quyền địa phương.

Ông Khúc Hữu Thanh Hải - Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại dịch vụ Đất Cảng cho rằng, thời gian qua nhiều doanh nghiệp vận tải rầm rộ sắm xe 16 chỗ, sau đó cải tạo thành xe dưới 10 chỗ. Để lách luật, các xe này “thửa” sẵn cả tập hợp đồng trang bị cho tài xế rồi ung dung vận chuyển hành khách trên tuyến cố định. Đặc điểm chung của loại xe này là bề ngoài nhìn như xe 16 chỗ, mang phù hiệu “xe hợp đồng”, nhưng bên trong chỉ có 10 ghế.

Lãnh đạo một doanh nghiệp chuyên chạy tuyến cố định Hà Nội - Nghệ An (xin được giấu tên) cho rằng, việc cải tạo xe 16 ghế thành xe 9 ghế về bản chất là lách luật, gây nên bất bình đẳng trong hoạt động vận tải. Hiện nay, nhiều xe dưới 10 chỗ hoạt động đón khách tại nhà và “né” được nhiều loại thuế phí. “Các cơ quan quản lý nhà nước cần phải kiểm soát chặt, đặc biệt phải có quy định giữ nguyên thủy xe theo thiết kế mới ngăn được các xe này hoạt động trá hình”, lãnh đạo doanh nghiệp này hiến kế.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh, loại xe hợp đồng trá hình này lợi dụng những quy định chưa chặt chẽ trong Thông tư số 63/TT-BGTVT của Bộ GTVT quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ để hoạt động.

Cụ thể, Thông tư 63 chỉ yêu cầu các “xe hợp đồng” từ 10 chỗ trở lên, trước khi thực hiện hợp đồng phải thông báo bằng văn bản hoặc qua thư điện tử tới sở GTVT địa phương về điểm khởi hành, lộ trình, điểm đón, trả khách, điểm kết thúc hành trình, thời gian thực hiện hợp đồng và số lượng khách. “Lách luật” kiểu này, xe Limousine 10 chỗ không bị áp các quy định chặt chẽ về kinh doanh vận tải, đồng nghĩa với việc loại xe này được đặt ngoài vòng kiểm soát khi thực hiện những hợp đồng vận tải khách.

Ông Đào Việt Long - Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT Hà Nội cho rằng, loại hình xe này nằm ngoài khung quy định, lại không thuộc diện bị cấm vào nội thành (hiện chỉ cấm xe trên 16 hoặc trên 24 chỗ). Họ chạy gần như xe khách tuyến cố định, nhưng lại núp bóng hợp đồng. Vì theo quy định, xe dưới 10 chỗ không phải thông tin về hợp đồng trước chuyến đi, muốn xử phạt mà không biết quy chiếu vào đâu để bắt lỗi vi phạm.

 Kiểm soát cải biến xe để ngăn “xe dù, bến cóc”

Nhiều chuyên gia giao thông đồng quan điểm cần chặn xe hợp đồng lách luật bằng cách đưa loại xe từ 8 chỗ trở lên vào diện bắt buộc phải thông báo về hai đầu bến thông tin trước mỗi chuyến đi, đồng thời phải quy định cụ thể kích thước xe theo thiết kế nguyên thủy của phương tiện vì thiết kế nguyên thủy đã quy định rõ chiều dài, chiều rộng cơ sở, kích thước các trục.

Theo ông Đào Việt Long, nếu kích thước xe nguyên thủy là xe 16 chỗ thì không thể biến thành xe dưới 10 chỗ, đây là điều kiện bắt buộc phải được đưa vào giấy chứng nhận đăng kiểm xe khi đi đăng kiểm.

Ông Nguyễn Văn Thanh cũng đề xuất, các địa phương cần quy định rõ, xe thiết kế nguyên thủy 16 chỗ mà hoán cải xuống dưới 10 chỗ sẽ cấm hoạt động đón, trả khách. Vấn đề này cần gắn chặt trách nhiệm của các sở GTVT khi cấp phù hiệu xe hợp đồng, trong quá trình lắp thiết bị giám sát hành trình và thông báo công khai danh sách xe hợp đồng được phép hoạt động. Rõ ràng, việc quy định giữ nguyên thủy xe theo thiết kế mới có thể ngăn được hoạt động trá hình.

Theo tìm hiểu của PV Tạp chí GTVT, trên giấy chứng nhận đăng kiểm hiện nay chỉ thể hiện số khách mà xe được phép chở khi tham gia giao thông, không thể hiện số lượng khách theo thiết kế xe nguyên thủy. Trường hợp cần điều chỉnh, bổ sung vào giấy chứng nhận thông số kỹ thuật nguyên thủy không khó, nhưng phải sửa các quy định, mẫu giấy chứng nhận đăng kiểm.

Ở góc độ quản lý, đại diện Vụ Vận tải (Tổng cục ĐBVN - Bộ GTVT) khẳng định, Dự thảo thay thế Nghị định 86/CP tới đây sẽ quy định cụ thể, chặt chẽ các nội dung hợp đồng doanh nghiệp phải thông báo, tránh chung chung như Nghị định trước, trong đó hợp đồng vận tải phải thể hiện chi tiết lộ trình, địa chỉ khởi hành, nơi kết thúc chuyến đi. Khi thực hiện sẽ xây dựng phần mềm để kiểm soát việc thực hiện của doanh nghiệp

Ý kiến của bạn

Bình luận