Không thừa nhận chuyển giới, đặt tên không được quá 25 chữ cái

Chính trị 26/06/2015 11:00

Dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) trình Quốc hội thảo luận chiều 25/6 đưa ra quy định “Nhà nước không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính”.

tranngocvinh-haiphong-1435230840
Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) phát biểu tại buổi thảo luận chiều 25/6

Chuyển đổi giới tính: không thừa nhận sao lại chấp nhận?

Tuy nhiên, cũng tại điều luật này lại quy định “trường hợp cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền yêu cầu các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thay đổi hộ tịch và các quyền nhân thân khác”. Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng quy định như vậy là rất mâu thuẫn, không hợp lý.

“Về nguyên tắc, nếu Nhà nước đã không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính thì đương nhiên các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ không cho phép thay đổi hộ tịch và các quyền nhân thân khác. Do đó, quy định như trên là thừa và không khả thi” - đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) bình luận.

Theo ông Vinh, có bốn vấn đề cần được làm rõ:

Một, dưới góc độ quyền con người, nếu không thừa nhận chuyển đổi giới tính thì chúng ta có vi phạm không?

Hai, thực tiễn xã hội hiện nay đã tồn tại người chuyển đổi giới tính, nếu Nhà nước không thừa nhận tức là họ phải tiếp tục phải sống ở ngoài vùng "phủ sóng" về pháp luật, vậy họ sẽ tham gia và hòa nhập hoạt động của xã hội như thế nào, các chính sách về y tế và an sinh xã hội có tác động đến họ hay không?

Ba, việc thực thi pháp luật tố tụng hình sự đối với những người chuyển đổi giới tính sẽ được thực hiện thế nào như trong tạm giam, tạm giữ, thi hành án phạt tù?

Bốn, tác động đến kinh tế - xã hội, truyền thống, văn hóa, đạo đức như thế nào nếu công nhận cho phép chuyển đổi giới tính?

Theo ĐB Bùi Mạnh Hùng (Thái Nguyên) dự luật nên tách làm 2 điều luật là xác định lại giới tính và chuyển đổi giới tính. Vì quyền xác định lại giới tính và chuyển đổi giới tính là 2 vấn đề khác nhau. Trong thực tế có nhiều trường hợp bị bệnh, bị khuyết tật bẩm sinh về giới tính, sau đó họ phải nhờ sự can thiệp của y học.

Trong khi đó, đại biểu Bùi Ngọc Chương (Cà Mau) lại cho rằng quy định như dự thảo luật là hợp lý trong điều kiện của nước ta, đồng thời tạo điều kiện cho những người đã chuyển đổi giới tính hòa nhập xã hội và đảm bảo quyền công dân của họ.

Người thân không thể nhớ vì tên quá dài

Cho ý kiến về quy định đặt tên con, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) đồng thuận với quy định không đặt tên số, ký tự, họ tên của một người không quá 25 chữ cái. Theo đại biểu, nếu tên quá dài, dẫn đến các giấy tờ liên quan đến thủ tục hành chính, giao dịch dân sự không thể ghi đầy đủ, phải viết tắt. Điều đó dễ dẫn đến nhầm lẫn đáng tiếc, gây phiền hà cho các bên.

nguyenvancanh-c37ca
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh cho ý kiến liên quan đến Bộ luật Dân sự sửa đổi

Tuy nhiên, đại biểu đoàn Bình Định cũng lưu ý cơ quan soạn thảo cần làm rõ tại sao giới hạn 25 chứ cái mà không giới hạn ở mức độ khác. Bên cạnh đó cũng cần có quy định để đáp ứng nhu cầu đặt họ tên của người dân theo hướng không hạn chế số chữ cái trong trường hợp cái tên đó thể hiện tâm nguyện chính đáng của người dân.

Theo đại biểu Trần Ngọc Vinh (TP Hải Phòng) việc đặt tên ngoài việc bảo đảm không ảnh hưởng an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội còn phải đảm bảo bản sắc văn hoá, đạo đức truyền thống của dân tộc. Ngoài ra, tất cả các văn bản hiện nay đều thống nhất quan điểm, ngôn ngữ văn bản phải là tiếng Việt, dễ hiểu.

“Nhìn xa ra thế giới chúng ta thấy mọi dân tộc đều có tiếng nói, chữ viết riêng của mình và họ đều ra sức bảo tồn, phát huy. Vậy tại sao chúng ta lại tự hoà tan, lai căng, đánh mất bản sắc văn hoá truyền thống của dân tộc trong việc đặt tên. Nếu bỏ quy định này, vô tình chúng ta sẽ cổ suý cho trào lưu lai căng, làm xói mòn bản sắc văn hoá dân tộc mà cha ông ta đã xây dựng”, đại biểu TP Hải Phòng nêu quan điểm.

Ý kiến của bạn

Bình luận