Không nhường đường xe ưu tiên - Cần tăng chế tài xử phạt

Tác giả: Minh Quốc

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 29/10/2019 06:32

Mặc dù pháp luật đã có quy định cấm các phương tiện cản trở xe ưu tiên nhưng tình trạng này vẫn liên tục xảy ra trong thời gian qua. Nhiều bạn đọc cho rằng, để công tác tuyên truyền đạt hiệu quả cao hơn thì tăng nặng chế tài xử phạt có lẽ là một biện pháp mà cơ quan hữu quan cần cân nhắc đến, để không còn hiện tượng những người tham gia giao thông coi thường pháp luật, coi thường tính mạng và sự an toàn của người khác - những người đang chờ đợi sự cứu trợ từ xe ưu tiên.

 

1
Xe Lexus cản trở xe cứu hỏa làm nhiệm vụ trên đường Quang Trung, TP. Vinh, tỉnh Nghệ An. Ảnh: VTC

Ngày 23/9, xe cứu hỏa đi làm nhiệm vụ tại chợ Tó, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội. Lúc đó, xe ô tô mang BKS 29D-07182T đi phía trước nhưng nhất quyết không chịu nhường đường cho xe cứu hỏa. Hành vi của lái xe Nguyễn Hồng Tâm (Hà Nội) đã bị xử phạt hành chính 2,5 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 02 tháng.  

Việc không nhường đường cho xe ưu tiên diễn ra phổ biến thời gian qua. Gần đây, ngày 5/10 tại tỉnh Nghệ An, ông Nguyễn Bắc Vĩnh (59 tuổi) bị phạt 2,5 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 02 tháng vì không nhường đường cho xe cứu hỏa đi làm nhiệm vụ. Mặc dù các chiến sỹ đã phát tín hiệu và còi báo động thông báo nhưng tài xế lại cho biết: “Tôi không nghe thấy tín hiệu xe ưu tiên chứ không hề cố ý vi phạm. Thời gian tôi lơ là khoảng 40 giây”.

Thực tế, việc không nhường đường cho xe ưu tiên, nhất là xe cứu hỏa, cứu thương có thể gây ra những hệ lụy lớn. Chị Lê Thị Mai Hương (trú tại quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội) bức xúc: “Cần phạt nặng hơn các hành vi này vì trong nhiều trường hợp có thể gây ảnh hưởng đến công tác cấp cứu, cứu nạn cứu hộ. Nhà cháy chờ xe đến dập lửa nhưng xe lại đến muộn vì bị chặn thì quá là hài hước”.

Còn rất nhiều sự việc tương tự từng diễn ra khiến dư luận bức xúc, cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc xử phạt hành chính các đối tượng vi phạm vì lỗi không nhường đường cho xe ưu tiên. Nhưng sau đó tất cả lại đâu vào đấy, người ta vẫn thấy những trường hợp cố tình cản trở, không nhường đường cho xe ưu tiên diễn ra như cơm bữa.

Nghị định số 46/2016/NĐ-CP quy định người điều khiển, người được chở trên xe ô tô và các loại xe tương tự ô tô có hành vi không nhường đường cho các loại xe ưu tiên khi đang đi làm nhiệm vụ sẽ bị phạt từ 02 - 3 triệu đồng. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 01 - 3 tháng.

2

Lãnh đạo Công an TP. Vinh, tỉnh Nghệ An và Phòng CSGT Công an tỉnh Nghệ Anlàm việc với tài xế Nguyễn Bắc Vĩnh

Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ - nguyên cán bộ Phòng CSGT (Công an TP. Hà Nội) cho biết, theo Luật Giao thông đường bộ năm 2008, khi nhận được tín hiệu của xe ưu tiên, các phương tiện tham gia giao thông trên đường phải nhanh chóng nhường đường cho phương tiện ưu tiên đó trong phạm vi có thể thực hiện được. Đặc biệt, xe cứu hỏa là một trong những phương tiện ưu tiên hàng đầu theo quy định. Bên cạnh việc xử lý nghiêm, chúng ta cần tăng nặng chế tài xử phạt đối với những người cố tình vi phạm để tạo sự răn đe với các trường hợp khác.

Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ nói: “Khi sửa đổi Nghị định số 46 thì nên có tình tiết tăng nặng đối với trường hợp cố tình vi phạm, cần tăng mức tước quyền sử dụng giấy phép lái xe.

Đồng tình với quan điểm này, PGS. TS. Nguyễn Thiện Tống - một chuyên gia giao thông phải kinh hãi về hành vi coi thường tính mạng người khác của nhiều tài xế hiện nay. Để rồi, ông đã thốt lên rằng cần phải yêu cầu tài xế ở Việt Nam một trình độ học vấn, văn hóa, ứng xử nhất định để họ có trách nhiệm hơn trong việc lái xe. Đồng thời, những trường hợp lái xe gây nguy hiểm cho người khác cần đưa ngay ra tòa để làm gương.

Không biết những tài xế cản trở xe ưu tiên sẽ cảm thấy như thế nào nếu rơi vào hoàn cảnh là thân nhân của người đang đi cấp cứu hay nạn nhân của một vụ cháy. Nhưng chắc chắn một điều, nếu có trường hợp đó thì thời điểm xảy ra sự cố, họ mong ngóng tiếng còi hụ đến thật nhanh hơn bao giờ hết.

Dưới góc nhìn pháp lý, một luật sư thuộc Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, khái niệm xe ưu tiên là để phục vụ những trường hợp khẩn cấp, với lợi ích chung của cộng đồng. Các biện pháp tuyên truyền đã được thực hiện nhiều trong thời gian qua nhưng chưa thực sự hiệu quả. Do đó, cần tăng nặng mức xử phạt với những trường hợp tái phạm hoặc cố tình vi phạm bởi mức xử phạt hành vi cản trở xe ưu tiên không tạo được tính răn đe, giáo dục hay làm cho các đối tượng phải e ngại. Sắp tới, có chăng cần xem xét tăng chế tài xử phạt cũng như chế tài liên quan áp dụng biện pháp hình phạt bổ sung với những người có hành vi tái phạm hoặc cố tình cản trở xe ưu tiên. Điều quan trọng nhất ở đây là ý thức tuân thủ pháp luật của một bộ phận người dân còn rất hạn chế. Nếu không được xử lý tốt sẽ trở nên “nhờn” luật, để lại hệ lụy rất lớn cho xã hội và tính nghiêm minh của pháp luật

Ý kiến của bạn

Bình luận