Khởi động dự án đổi mới giáo dục phổ thông

22/01/2017 14:57

Dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông vừa chính thức được Bộ GD-ĐT khởi động và sẽ kết thúc vào tháng 12/2020. Kinh phí đầu tư thực hiện dự án là 80 triệu USD, trong đó phần lớn là vốn vay ODA ưu đãi từ Hiệp hội Phát triển quốc tế (IDA) - Ngân hàng Thế giới (77 triệu USD) và 3 triệu còn lại là vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.


4857_GS_NguyYn_Minh_ThuyYt-_TYng_chY_bien_chYYng__
Ảnh: GS Nguyễn Minh Thuyết- Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới

Đại diện Bộ GD-ĐT cho biết, mục tiêu dự án là nhằm nâng cao kết quả học tập của học sinh thông qua chương trình giáo dục phổ thông mới; nâng cao hiệu quả giảng dạy bằng việc biên soạn sách giáo khoa phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới và đổi mới đánh giá giáo dục học sinh.

Theo GS.TS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới, chương trình này sẽ hướng đến xây dựng chân dung của người công dân Việt Nam mới.Dự án đề ra 7 kết quả cần đạt được, trong đó nổi bật là học sinh có hoàn cảnh khó khăn được mượn sách giáo khoa mới, sách giáo khoa một số môn học cấp tiểu học được biên soạn song ngữ (tiếng Việt và tiếng dân tộc thiểu số có chữ viết) hay hệ thống đánh giá định kỳ năng lực giáo dục quốc gia được xây dựng và đưa vào hoạt động.

Theo đó, học sinh Việt Nam sau khi tốt nghiệp phổ thông sẽ đạt được những phẩm chất (Nhân ái, khoan dung, chuyên cần, tiết kiệm, trách nhiệm, kỷ luật, trung thực, dũng cảm) và năng lực cốt lõi (gồm năng lực chung như tự chủ, hợp tác, sáng tạo; năng lực đặc thù như sử dụng ngôn ngữ, tính toán, tin học, thẩm mỹ, thể chất; năng lực chuyên biệt thể hiện ở năng khiếu riêng của từng học sinh) để có thể sẵn sàng học tập ở trình độ cao hơn hoặc sẵn sàng cho các yêu cầu việc làm trong thế kỷ 21.

Được biết, khoản kinh phí trên được chia cho 4 thành phần: hỗ trợ phát triển chương trình (khoảng 20%), hỗ trợ biên soạn và thực hiện sách giáo khoa theo chương trình mới (khoảng 25%), hỗ trợ đánh giá và phân tích kết quả học tập để liên tục cải tiến chương trình và chính sách giáo dục phổ thông (gần 50%), và quản lý dự án (3%). Số còn lại được đưa vào chi phí dự phòng.

Ý kiến của bạn

Bình luận