Khoa học công nghệ sẽ là động lực then chốt thúc đẩy phát triển ngành GTVT

Giao thông 24h 28/05/2014 18:01

Tại Hội nghị lấy ý kiến lần thứ 3 về nội dung Chiến lược phát triển KHCN ngành GTVT giai đoạn 2014 – 2020 và định hướng đến năm 2030 do Viện Chiến lược và Phát triển GTVT soạn thảo vào sáng ngày 28/5/2014, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông yêu cầu Viện tập trung bám sát Chiến lược của Ngành và phải thể hiện được tầm của Chiến lược một ngành kinh tế quan trọng của đất nước.


Chiến lược phát triển KHCN ngành GTVT giai đoạn 2014 – 2020 và định hướng đến năm 2030 xác định: Phát triển và ứng dụng KHCN là động lực then chốt để phát triển nhanh và bền vững ngành GTVT, phục vụ sự nghiệp hóa CNH – HĐH ngành GTVT, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội. Phát triển KHCN ngành GTVT phải phù hợp với Chiến lược phát triển KHCN quốc gia, góp phần thực hiện thành công Chiến lược phát triển GTVT Việt Nam, quy hoạch GTVT các chuyên ngành, vùng lãnh thổ. Trong đó, ưu tiên tập trung nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ, chủ động tiếp nhận và chuyển giao công nghệ, khuyến khích nghiên cứu khoa học cơ bản. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ về tổ chức, cơ chế quản lý và hoạt động KHCN của ngành GTVT. Đặc biệt, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực trong xã hội, đặc biệt là các doanh nghiệp để đầu tư phát triển KHCN ngành GTVT; hình thành và từng bước xây dựng thị trường KHCN ngành GTVT; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế về KHCN, tiếp thu và ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ kỹ thuật và công nghệ tiên tiến của thế giới phục vụ phát triển ngành GTVT.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT báo cáo một số nội dung được các đại biểu quan tâm và nêu câu hỏi

Ông Nguyễn Thanh Phong, Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT báo cáo một số nội dung được các đại biểu quan tâm và nêu câu hỏi

Đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý và hoạt động KHCN

Đến năm 2020, KHCN ngành GTVT đạt trình độ cao trong nhóm Asean, một số lĩnh vực tiếp cận trình độ thế giới, có đủ tiềm lực và trình độ tạo ra các sản phẩm có hàm lượng khoa học cao, làm chủ các công nghệ tiên tiến, hiện đại, góp phần phát triển nhanh và bền vững ngành GTVT.

Giai đoạn đến năm 2020 sẽ đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý và hoạt động KHCN ngành GTVT; hoàn thành việc chuyển đổi các tổ chức KHCN theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm, hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp dịch vụ KHCN theo định hướng của Chính phủ.

Giai đoạn này sẽ tập trung nâng cao hiệu quả thiết thực của hoạt động KHCN đối với thực tế sản xuất của ngành GTVT; chủ động tiếp nhận, chuyển giao, ứng dụng các công nghệ tiên tiến, các vật liệu mới trong xây dựng, quản lý, khai thác bảo trì công trình giao thông; xây dựng chiến lược và lộ trình đổi mới công nghệ của các đơn vị trong ngành GTVT, phấn đấu tốc độ đổi mới công nghệ, trang thiết bị đạt 10 – 15%/năm.

Từng bước ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong tổ chức, quản lý và khai thác vận tải nhằm phát triển hệ thống GTVT an toàn, thông minh, thân thiện môi trường và có chi phí hợp lý; tăng cường năng lực hoạt động KHCN của các đơn vị trong ngành GTVT, phấn đấu nhân lực phục vụ phát triển KHCN của ngành tăng trung bình 5%/năm; phấn đấu đầu tư cho KHCN chiếm 1,5% – 2% đầu tư ngành GTVT.

Về chiến lược định hướng đến năm 2030, KHCN ngành GTVT sẽ đạt mức hiện đại, thực sự trở thành động lực then chốt, đóng vai trò chủ đạo thúc đẩy ngành GTVT theo hướng tiên tiến và hiện đại, đáp ứng tiến trình hội nhập. Sản phẩm KHCN trong lĩnh vực GTVT đạt trình độ khu vực và một số sản phẩm đạt trình độ quốc tế, có khả năng cạnh tranh cao. Theo đó, phấn đấu giá trị sản phẩm KHCN đạt khoảng 30-35% giá trị tổng sản phẩm của Ngành, tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị đạt khoảng 20%/năm; làm chủ công nghệ tiên tiến trong tổ chức, quản lý và khai thác vận tải nhằm phát triển bền vững hệ thống GTVT, góp phần tăng khả năng cạnh tranh của nền kinh tế; đẩy mạnh nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu phát triển các công nghệ mới, làm chủ các công nghệ tiên tiến nhằm tăng khả năng và hiệu quả ứng dụng vật liệu mới, kết cấu mới trong xây dựng, quản lý, khai thác, bảo trì công trình giao thông, sản xuất, lắp ráp các sản phẩm công nghiệp của Ngành. Đặc biệt, sẽ phấn đấu có từ 3 – 5 tổ chức KHCN về GTVT có thương hiệu trong khu vực và trên thế giới…

Dự thảo báo cáo cũng trình bày rõ định hướng nghiệm vụ phát triển KHCN ngành GTVT về tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về hoạt động KHCN, đổi mới đồng bộ cơ chế quản lý hoạt động KHCN, đổi mới cơ chế tài chính thực hiện các nhiệm vụ KHCN ngành GTVT. Bên cạnh đó, dự thảo cũng đưa ra định hướng phát triển KHCN đối với từng lĩnh vực vận tải: Vận tải đường bộ, vận tải đường sắt, vận tải thủy nội địa, vận tải biển, vận tải hàng không. Đồng thời, dự thảo cũng trình bày định hướng phát triển KHCN trong các lĩnh vực công nghiệp GTVT như: Công nghiệp ô tô, công nghiệp đường sắt, công nghiệp hàng hải, công nghiệp hàng không, chế tạo thiết bị thi công và các sản phẩm điện – điện tử và một số vấn đề khác.

Chiến lược cần cụ thể và logic hơn

Cho rằng Dự thảo Chiến lược phát triển KHCN ngành GTVT giai đoạn 2014 – 2020 và định hướng đến năm 2030 còn nhiều điểm chưa hợp lý, cần phải bổ sung và chỉnh sửa, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông chỉ rõ nội dung dự thảo cần phải gắn với quy hoạch Ngành, gắn với chiến lược phát triển của từng lĩnh vực GTVT. Mặt khác, dự thảo chưa toát lên được cơ chế, chính sách để các doanh nghiệp đầu tư vào KHCN, trong khi đây được xác định là nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển KHCN của Ngành. Hơn nữa, cần xem xét tính logic, lập luận, luận chứng luận cứ rõ ràng để tăng tính thuyết phục cho nội dung Chiến lược.

Đồng quan điểm với Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, Vụ trưởng Vụ KHCN Hoàng Hà cũng băn khoăn ở một số nội dung của dự thảo Chiến lược. Ông Hoàng Hà cho rằng, Viện Chiến lược và Phát triển GTVT có thời gian chuẩn bị, xây dựng nội dung công phu, trách nhiệm và khá toàn diện. Viện đã bám sát vào các văn bản QPPL của Chính phủ về KHCN, đặc biệt là QĐ số 418/QĐ-TTg ngày 11/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011 – 2020. Tuy nhiên, nhiều vấn đề dự thảo đưa ra thiếu tính chi tiết, cụ thể, một số nội dung quan trọng mới chỉ dừng lại ở phần ngọn, chưa giải quyết được phần gốc.

Nhận thấy nhiều đề tài nghiên cứu thiếu tính ứng dụng, ông Trần Bảo Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ đề nghị, trong Chiến lược cũng cần hoạch định để quy định chất lượng công trình nghiên cứu khoa học để sát với thực tiễn, tăng cường các hoạt động nghiên cứu để phát minh, sáng chế ra các sản phẩm mới đáp ứng các tiêu chuẩn KHCN mới.

Trên cơ sở cần cụ thể hóa một số nội dung và bổ sung một số vấn đề còn thiếu sót, các ý kiến của Vụ Tài chính, Cục Hàng không, Vụ Vận tải, Tổng cục ĐBVN… đã đưa ra nhiều đóng góp để bản dự thảo Chiến lược được đầy đủ và hoàn thiện.

Đề nghị tiếp thu những ý kiến tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông yêu cầu Viện Chiến lược và Phát triển GTVT cần bố cục và trình bày logic, thuyết phục hơn, chú ý các chỉ tiêu đưa vào phải có sự chắt lọc. Trong phần Quan điểm về công nghiệp của Ngành phải hướng tới mục tiêu tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu.

Thứ trưởng lưu ý, phần Mục tiêu cụ thể, đối với Ngành cần đưa ra 2 đến 3 chỉ tiêu có thể đo, đếm được, còn lại sẽ bám sát theo các chỉ tiêu Chiến lược KHCN đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tổ chức, cơ chế quản lý và hoạt động KHCN của ngành GTVT sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, có trọng tâm, trọng điểm trong từng giai đoạn.

Thứ trưởng đề nghị Viện Chiến lược và Phát triển GTVT hoàn thiện nội dung Chiến lược phát triển KHCN ngành GTVT giai đoạn 2014 – 2020 và định hướng đến năm 2030 trong 1 tuần, lấy ý kiến các cục, vụ và các đơn vị liên quan, trình Bộ trước ngày 25/6/2014.

Việt Cường

Ý kiến của bạn

Bình luận