Khoa học công nghệ - điểm tựa nâng cao chất lượng đăng kiểm

Tác giả: TRẦN KIM

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 23/07/2016 05:35

Trong giai đoạn 2011 - 2015, Cục Đăng kiểm Việt Nam (ĐKVN) đã đăng kiểm 8.785 lượt tàu biển; 76 dự án công trình biển đóng mới; 828 lượt kiểm định cho 247 công trình biển đang khai thác; 270.913 lượt phương tiện thủy nội địa; 10.624.920 lượt xe đang lưu hành vào kiểm định; kiểm tra chứng nhận chất lượng 15.383.635 mô tô, xe gắn máy và 703.623 ô tô sản xuất lắp ráp trong nước; 164.133 mô tô, xe gắn máy và 305.584 ô tô nhập khẩu; 93.373 xe gắn máy chuyên dùng; 169.911 xe đạp điện; đăng kiểm lần đầu trong chế tạo nhập khẩu và đăng kiểm theo chu kỳ trong quá trình hoạt động 14.724 phương tiện đường sắt.

xeoto

MẠNG LƯỚI ĐĂNG KIỂM BAO PHỦ KHẮP CẢ NƯỚC

Với sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ của Chính phủ và ngành GTVT, trong những năm gần đây, TNGT liên tục giảm cả về số vụ, số người chết và số người bị thương. Thành quả này có một phần đóng góp của công tác đăng kiểm với vai trò quản lý nhà nước và chức năng thực hiện, tổ chức, kiểm tra, giám sát, chứng nhận chất lượng, bảo đảm an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với các phương tiện giao thông, đồng thời là nhân tố quan trọng thúc đẩy việc tuân thủ các quy định của pháp luật giao thông đối với các cá nhân, đơn vị khai thác phương tiện giao thông.

Để đáp ứng yêu cầu thực tế ngày càng cao của nền kinh tế và ngành GTVT, Cục ĐKVN là đầu mối phát triển hệ thống mạng lưới đăng kiểm bao phủ khắp cả nước với các đơn vị chức năng chịu sự quản lý của Cục ĐKVN, gồm 2 Trung tâm Thử nghiệm An toàn và Môi trường xe cơ giới, 26 Chi cục Đăng kiểm phương tiện thủy, 134 Trung tâm và chi nhánh đăng kiểm xe cơ giới tại 63 tỉnh, thành phố. Công tác đăng kiểm đã bao hàm hầu hết các loại hình dịch vụ kỹ thuật, chứng nhận chất lượng từ thẩm định thiết kế, tư vấn giám sát, thử nghiệm, kiểm tra an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với các loại phương tiện và thiết bị GTVT.

Cùng với đó, giai đoạn 2011 - 2015, hoạt động khoa học công nghệ (KHCN) của Cục ĐKVN ngày càng được đẩy mạnh, với sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo Bộ GTVT, sự nỗ lực phấn đấu của đội ngũ cán bộ nhân viên và nhất là các chính sách mới của Chính phủ. Theo đó, công tác quản lý KHCN, nghiên cứu ứng dụng KHCN tại Cục ĐKVN được thúc đẩy, những kết quả đạt được cũng đáng khích lệ, đáp ứng các yêu cầu do thực tiễn đề ra trong hầu hết các mặt hoạt động của Cục ĐKVN, bao gồm công tác xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn, văn bản pháp lý kỹ thuật; nghiên cứu khoa học - công nghệ; ứng dụng công nghệ thông tin vào các mặt hoạt động của Cục ĐKVN; hoàn thiện cơ chế quản lý KHCN và môi trường tại Cục; tăng cường hợp tác với các đơn vị trong và ngoài nước trong việc nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ.

Hiện nay, Cục ĐKVN đang triển khai thực hiện 17 đề tài nghiên cứu khoa học, trong đó có 01 đề tài cấp Nhà nước và 16 đề tài cấp Bộ. Đến nay, các đề tài đều thực hiện đúng tiến độ, đảm bảo kinh phí và đều được Bộ GTVT đánh giá hoàn thành xuất sắc. Các đề tài nghiên cứu khoa học mang tính ứng dụng cao và đã được áp dụng vào công tác thực tế hiện nay của Cục ĐKVN, góp phần tăng cường năng lực nghiên cứu, thử nghiệm và đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật. Bên cạnh đó, Cục ĐKVN đã nghiên cứu chuyển giao, ứng dụng thành công nhiều kỹ thuật công nghệ kiểm tra, thử nghiệm của nước ngoài vào hoạt động của Cục, tiêu biểu là kỹ thuật công nghệ thử nghiệm khí thải xe cơ giới theo tiêu chuẩn châu Âu, góp phần ngăn chặn xe và động cơ có công nghệ cũ, lạc hậu vào Việt Nam.

LÀM CHỦ CÔNG NGHỆ, THIẾT BỊ HIỆN ĐẠI

Với đội ngũ hơn 1.300 CB, CNV, trong đó có 3 tiến sỹ, 1.030 thạc sỹ, kỹ sư trở lên. Nhiều cán bộ có khả năng tiếp thu kiến thức, làm chủ công nghệ, thiết bị hiện đại trong các hoạt động liên quan đến xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, thẩm định thiết kế, thử nghiệm, kiểm tra kỹ thuật các loại phương tiện giao thông. 266 dây chuyền kiểm định xe cơ giới đồng bộ và được nối mạng máy tính. Trung tâm Thử nghiệm Khí thải phương tiện giao thông cơ giới đường bộ có giá trị 10 triệu Euro đã đi vào hoạt động từ năm 2010, là nơi duy nhất của Việt Nam có khả năng thực hiện các phép thử khí thải đến mức Euro 5, thử bay hơi, thử công suất, thử tiêu thụ nhiên liệu đối với các loại mô tô, xe máy, ô tôhạngnhẹvàđộngcơôtôhạng nặng là công cụ quan trọng thực hiện chức năng quản lý nhà nước của Cục ĐKVN về môi trường, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi, giảm chi phí cho doanh nghiệp do không phải đưa mẫu thử ra nước ngoài.

Trung tâm Thử nghiệm An toàn xe cơ giới ngày càng được trang bị các thiết bị thử nghiệm hiện đại. Trung tâm Thử nghiệm An toàn và khí thải miền Nam, miền Trung, khu thử nghiệm Proving Ground 100ha dự kiến được xây dựng mới, đồng bộ và hiện đại sẽ là các cơ sở nghiên cứu thử nghiệm hàng đầu, góp phần nâng cao năng lực kiểm soát, quản lý an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ ngang tầm với các nước trong khu vực.

Cùng với tiềm lực KHCN hiện có, Cục thường xuyên đẩy mạnh hợp tác với các chuyên gia, nhà khoa học, các cơ quan, các trường đại học, viện nghiên cứu có liên quan thông qua các hoạt động phối hợp nghiên cứu khoa học, đào tạo, trao đổi thông tin. Bên cạnh đó, Cục cũng tích cực mở rộng hợp tác với các tổ chức quốc tế như: Tổ chức Hàng hải quốc tế IMO, Tổ chức Kiểm định xe cơ giới quốc tế CITA, Tổ chức Đăng kiểm OTHK, JASIC... để tăng cường giao lưu, học hỏi kinh nghiệm kỹ thuật của nước ngoài, đáp ứng yêu cầu đặt ra trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay.

Bên cạnh những mặt đã đạt được của hoạt động KHCN ngành Đăng kiểm vẫn còn gặp nhiều khó khăn như thiếu chuyên gia trình độ cao, cơ sở vật chất kỹ thuật đã được tăng cường một bước nhưng vẫn còn thiếu so với sự phát triển nhanh chóng của các loại hình phương tiện GTVT; công tác nghiên cứu, cập nhật, dự báo, quy hoạch còn hạn chế; số lượng đề tài do Cục chủ trì còn rất ít, kinh phí Nhà nước cấp từ nguồn sự nghiệp KHCN ngày càng hạn chế và thu hẹp, việc nghiên cứu để đưa vào áp dụng còn yếu, hợp tác nghiên cứu với các cơ quan trong và ngoài nước có được cải thiện song vẫn chưa mạnh mẽ. Hiện tượng tàu biển bị lưu giữ ở nước ngoài, phương tiện vận tải tự ý thay đổi kết cấu, kích thước không đúng tiêu chuẩn kỹ thuật để chở quá tải, việc quản lý thiết bị giám sát hành trình trên xe ô tô, quản lý xe đạp điện, xe vận chuyển cỡ nhỏ 4 bánh có gắn động cơ... đang là những thách thức lớn cần phải giải quyết đòi hỏi có sự đóng góp quan trọng của KHCN.

Do đó, để đáp ứng nhu cầu thực tiễn ngày càng cao, đặc biệt khi các hiệp định song phương, đa phương, thỏa thuận MRA ASEAN được ký kết, công tác KHCN của Cục ĐKVN thời gian tới sẽ tiếp tục được bổ sung, sửa đổi hoàn thiện công tác xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn, văn bản pháp lý kỹ thuật.

Thời gian tới, Cục ĐKVN tiếp tục đẩy mạnh triển khai và thúc đẩy hơn nữa hoạt động của Quỹ phát triển KHCN của Cục ĐKVN, đầu tư nguồn lực có chất lượng cao cho KHCN nhằm tăng cường kinh phí, nhân lực cho hoạt động KHCN, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật mang tính đồng bộ, hiện đại ngang tầm với các nước trong khu vực, đáp ứng công tác thử nghiệm khí thải mức Euro 4, 5 và thử nghiệm khí thải xe, động cơ đặc biệt; đầu tư xây dựng thêm các trung tâm thử nghiệm khí thải xe cơ giới, thúc đẩy dự án xây dựng Trung tâm Thử nghiệm ô tô tại Bắc Giang; đồng bộ, hiện đại hóa các dây chuyền thiết bị kiểm định xe cơ giới, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng thông tin vào công tác kiểm tra, thử nghiệm và công tác văn phòng để phục vụ cải cách thủ tục hành chính, tăng cường và mở rộng hoạt động hợp tác trong nước và quốc tế về KHCN.

Ý kiến của bạn

Bình luận