“Khó trăm bề” ngành vận tải mùa dịch Covid-19

Tác giả: Minh Lê

saosaosaosaosao

Nhiều “ông lớn” ngành vận tải thuộc các lĩnh vực như hàng không, đường bộ, đường sắt đang phải vật lộn để tồn tại trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tiếp tục kéo dài. Nhiều doanh nghiệp phải vay lãi ngày để duy trì bộ máy, một số khác phải giảm lương lãnh đạo, cho nhân viên nghỉ luân phiên, thậm chí là nợ lương người người lao động vì chưa biết bấu víu vào đâu.

 

anh 1
Khoảng 1.000 đầu xe taxi, xe khách tuyến cố định của Công ty Đất Cảng nằm dầm mưa dãi nắng chưa có ngày hoạt động trở lại do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19

Chủ doanh nghiệp đi vay lãi ngày để cầm cự 

Tuyến vận tải hành khách Hà Nội - Hải Phòng vốn được xem là “màu mỡ”, tuy nhiên từ khi xuất hiện dịch Covid-19 đến nay, doanh thu tuyến này sụt giảm thê thảm. Theo ông Khúc Hữu Thanh Hải - Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại vận tải Anh Huy - Đất Cảng, kể từ 0h ngày 01/4, hàng nghìn đầu xe khách tuyến cố định và xe taxi của Công ty buộc phải ngừng hoạt theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ. “Nhiều ngày nay, Ban lãnh đạo Công ty như ngồi trên lửa, hiện chúng tôi đang phải đi vay lãi ngày để duy trì bộ máy, trả tiền phí bến bãi và tiền lương cho người lao động”, ông Hải cho biết.

Đối với lĩnh vực vận tải hàng hóa, ông Trần Quang Trường - Giám đốc Công ty Thương mại vận tải T.H (Hải Phòng) chuyên chạy hàng biên giới cho biết, thông thường mỗi tháng sau Tết chúng tôi chạy được 10 - 15 chuyến đi biên giới nhưng từ đầu năm 2020 đến nay, hơn 30 xe phải nằm đắp chiếu. Hàng nội địa không có, nếu có thì khách hàng cũng đã có những mối cố định từ trước. Nếu tình hình dịch bệnh kéo dài đến hết tháng 4, không chỉ công ty chúng tôi mà hàng loạt doanh nghiệp vận tải hàng hóa trên địa bàn TP. Hải Phòng điêu đứng.

Theo Sở GTVT TP. Hải Phòng, tính đến ngày 31/12/2019, Hải Phòng có 270 xe sơ-mi rơ-mooc xin tạm dừng lưu hành (trả phù hiệu). Tuy nhiên, theo nhiều doanh nghiệp vận tải, đây chỉ là số rất ít trong tổng số hơn chục nghìn xe sơ-mi rơ-mooc trên địa bàn đang nằm đắp chiếu. Thế nhưng, đắp chiếu vẫn không xong khi các xe vẫn phải “ngốn” cả chục triệu đồng mỗi tháng cho các chi phí như gửi xe, phí bảo trì đường bộ, lãi suất ngân hàng, bảo hiểm xã hội cho người lao động…

Trước tình thế cấp bách này, đại diện Hiệp hội Vận tải Hàng hóa đường bộ TP. Hải Phòng cho rằng: “Có đến 90% doanh nghiệp vận tải vay vốn ngân hàng để đầu tư phương tiện. Để cứu các doanh nghiệp vận tải, các ngân hàng cần có chính sách giảm lãi suất cho vay. Hiện các ngân hàng chỉ mới dừng lại việc giãn nợ thì không giải quyết được khó khăn lúc này”.

Hàng không cắt giảm lương lãnh đạo, nhân viên nghỉ không lương

 

Trong khi vận tải đường bộ “thở ô-xy” thì ngành Hàng không cũng khó khăn chồng chất khó khăn. Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ của Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh thì Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) là doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19.

Theo đó, trong 3 tháng đầu năm 2020, doanh thu hợp nhất của Vietnam Airlines ước đạt 19.212 tỷ đồng, giảm 6.712 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019; lỗ 2.383 tỷ đồng. Dự kiến cả năm 2020, nếu dịch kéo dài và kết thúc trong quý IV, tổng doanh thu của Vietnam Airlines ước đạt 38.140 tỷ đồng, giảm 72.411 tỷ đồng so với kế hoạch, ước lỗ 19.651 tỷ đồng.

Báo cáo gửi Thủ tướng nêu rõ, vào đầu năm 2020, Vietnam Airlines có lượng tiền dự trữ khoảng 3.500 tỷ đồng nhưng đến nay đã cạn kiệt, doanh nghiệp đang phải gia tăng vay ngắn hạn để đáp ứng nhu cầu thanh toán. Tuy nhiên, dư nợ vay ngắn hạn của doanh nghiệp này tính đến ngày 20/3 đã lên tới 3.568 tỷ đồng, trong khi nhiều khoản đến hạn thanh toán đang bị tạm dừng. Dòng tiền của Vietnam Airlines dự kiến sẽ thiếu hụt lũy kế xấp xỉ 15.000 tỷ đồng trong năm 2020.

Trước tình hình sụt giảm doanh thu, Vietnam Airlines cũng vừa công bố kế hoạch cắt giảm nhân sự, bao gồm cả phi công, đồng thời triển khai giảm lương toàn bộ nhân sự của doanh nghiệp. 

Theo đó, Vietnam Airlines phải đưa nhân viên tại các văn phòng đại diện ở nước ngoài về nước và chỉ duy trì số lượng nhân viên tối thiểu đảm bảo cho việc khai thác. Đối với một số đường bay quốc tế trước đây khai thác bằng máy bay lớn Boeing 787 và Airbus 350, nay do lượng khách ít nên chỉ sử dụng máy bay tầm trung là Airbus 321.

Về chế độ chính sách, Vietnam Airlines cho phi công người nước ngoài nghỉ không lương khoảng 02 tuần. Đối với người lao động Việt Nam tại nước ngoài nghỉ khoảng 02 tuần đến 01 tháng.

Đối với lãnh đạo cấp cao trong HĐQT, lãnh đạo Tổng công ty sẽ giảm lương 40%; giám đốc các chi nhánh giảm 30%; cấp trưởng phòng giảm 20%, riêng đối với nhân viên chưa áp dụng giảm lương nhưng sẽ nghỉ luân phiên. Ông Dương Trí Thành - Tổng Giám đốc Vietnam Airlines cho biết, mục tiêu của hãng bây giờ không phải là lợi nhuận mà làm sao để tồn tại được trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài.

Cùng chung số phận như Vietnam Airlines, hãng Jetstar Pacific cũng thực hiện giảm lương 40% đối với tổng giám đốc, các phó tổng giám đốc và kế toán trưởng giảm 30% lương, thời gian áp dụng từ tháng 3 đến tháng 5/2020.

Còn hãng bay tư nhân Vietjet  Air cũng điều chỉnh kế hoạch khai thác các đường bay với quy mô lớn. Doanh nghiệp này cũng tạm thời giảm lương của giám đốc 25%, phó giám đốc giảm 20%, trưởng phòng giảm 10%.

Một hãng bay tư nhân khác là Bamboo Airways cũng buộc phải dừng đường bay nhánh tới các địa phương, chỉ giữ các đường bay trục chính, cắt giảm số máy bay đang hoạt động, đồng thời hạn chế những kế hoạch tiêu tốn ngân sách lớn. Hãng cũng đưa ra quyết định để một số CB, NV nghỉ không lương và nghỉ luân phiên.

11.000 nhân viên ngành Đường sắt bị nợ lương 

anh 3

Hàng nghìn công nhân ngành Đường sắt đang phải nghỉ việc hoặc chia ca luân phiên với các khoản hỗ trợ ít ỏi từ Tổng công ty ĐSVN

Cùng chung cảnh ngộ như ngành Hàng không, ngành Đường sắt cũng lao đao và chật vật để tồn tại. Từ ngày 01/4, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) ra thông báo dừng toàn bộ tàu khách địa phương, chỉ duy trì 01 đôi tàu khách Thống Nhất chạy trên tuyến Bắc - Nam.

Ông Vũ Thanh Bình - Giám đốc Chi nhánh Đoàn tiếp viên đường sắt Hà Nội (Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội) cho biết, sau ngày 01/4, đường sắt chỉ còn duy trì 02 mác tàu SE3, SE4 chạy tuyến Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh và ngược lại, trong đó đường sắt Hà Nội đảm nhiệm tàu SE3, đường sắt Sài Gòn chạy tàu SE4. Số lượng tiếp viên toàn đoàn là hơn 800 người nhưng đã phải cho nghỉ hơn 650 người theo nhiều hình thức như tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc luân phiên…

Đây cũng là tình cảnh chung của tất cả công ty con thuộc Tổng công ty ĐSVN. Chưa kể, ĐSVN đang rơi vào tình trạng căng thẳng, khi hơn 11.000 nhân viên tuần đường, gác chắn, bảo đảm ATGT... chưa có lương từ đầu năm 2020 do doanh nghiệp này chưa được giao dự toán ngân sách.

Để lưu thông hàng hóa phục vụ kinh tế - xã hội, khai thác tận dụng năng lực thông qua do cắt giảm tàu khách, ĐSVN chủ trương tăng cường chạy tàu hàng trên các tuyến đường sắt, trong đó đặc biệt sẽ tổ chức chạy thêm tàu hàng nhanh tuyến Hà Nội đi TP. Hồ Chí Minh với thời gian hành trình gần như tàu khách.

Mặt khác, để tồn tại trong thời kỳ dịch bệnh, ngành ĐSVN đang nghiên cứu phương án giảm cước vận tải hàng hóa để kích thích các đơn hàng, đồng thời tăng cường tìm các nguồn hàng mới như than, xi măng để vận chuyển nhằm bù đắp thiếu hụt doanh thu ở mảng vận tải hành khách

Ý kiến của bạn

Bình luận