Khẩn trương hoàn thiện Dự án BOT Hàng hải đầu tiên

Tác giả: Vũ Thành Vũ

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 11/11/2015 06:00

Dự án đầu tư xây dựng tuyến luồng tàu biển Cái Mép – Thị Vải là Dự án BOT Hàng hải đầu tiên của Việt Nam và sẽ tập trung mang lại nhiều thuận lợi về Kinh tế xã hội.

Chiều 11/10, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công đã chủ trì buổi làm việc về “Đề xuất Dự án đầu xây dựng tuyến luồng tàu biển Cái Mép – Thị Vải từ phao số “0” đến Cảng CMIT theo hình thức BOT” cùng Công ty Cổ phần Dịch vụ Hàng hải Dầu khi Hưng Thái (HMOSC) cùng các cơ quan chức năng liên quan.

vantaibien-vnl-anh-dep
Dự án BOT Hàng hải sẽ mang lại nhiều thuận lợi về Kinh tế xã hội

Báo cáo về công tác xây dựng Đề xuất Dự án, đại diện HMOSC cho biết, mục tiêu của dự án là nghiên cứu đầu tư nâng cấp tuyến luồng Cái Mép – Thị Vải (từ phao số “0” đến khu cảng CMIT) theo hình thức BOT, phù hợp với nghiên cứu tổng thể toàn diện tuyến luồng (từ phao số 0 đến khu cảng Gò Dầu) nhằm làm cơ sở phát triển hệ thống cảng Cái Mép – Thị Vải theo quy hoạch và đề xuất các giải pháp khai thác an toàn, góp phần nâng cao hiệu quả khai thác gắn liền với việc phát triển bền vững môi trường trên tuyến luồng Cái Mép – Thị Vải.

Theo phân tích hiện trạng tuyến luồng đầu tư, hiện nay, đoạn luồng từ phao số “0” đến cảng Thị Vải được nạo vét và đưa vào khai thác từ tháng 3/2011, với chiều dài khoảng 41km, đáy luồng hàng hải được thiết kế rộng 310m đối với đoạn từ phao số “0” đến thượng lưu Sông Gò Gia, rộng 260m đối với đoạn từ thượng lưu sông Gò Gia đến cảng quốc tế SP-PSA, rộng 220m đối với đoạn luồng từ thượng lưu cảng SP-SPA đến cảng SITV, độ sâu trung bình từ 12-14m, ngoài ra còn tồn tại 1 số điểm có độ sâu 11.5m, 11.9m, 12.3m và các điểm cạn ở phía trong có độ sâu từ 6.5 – 9m.

Đoạn luồng từ cảng Thị Vải đến cảng Gò Dầu chưa được nạo vét, có chiều dài khoảng 10km, đáy luồng thiết kế rộng 90m, độ sâu nhỏ nhất 6,7m và hiện khai thác tàu trọng tải đến 15.000DWT.

Đoạn luồng từ phao số “0” đến cặp phao “8”, “9” là đoạn luồng cửa ngõ phục vụ cho 3 khu cảng lớn của nhóm 5 là cảng Tp. Hồ Chí Minh, cảng Đồng Nai và cảng Vũng Tàu bao gồm cả khu cảng Cái Mép – Thị Vải. Đây là đoạn luồng có mật độ phương tiện rất lớn, đã từng xảy ra các taii nạn va chạm và mắc cạn.

Tuyến luồng tàu biển Cái Mép – Thị Vải đoạn từ phao số “0” đến Cảng CMIT có chiều dài khoảng 30km thuộc phạm vi đoạn luồng đã được nạo vét và đưa vào khai thác từ tháng 3/2011 bằng nguồn vốn ODA. Hiện nay, đoạn luồng này đang khai thác 2 chiều cho tàu có trọng tải đến 80.000DWT.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công cho rằng, Dự án đầu xây dựng tuyến luồng tàu biển có nhiều khác biệt so các dự án xã hội hóa trong lĩnh vực đường bộ. Đặc biệt hiện nay, Nhà nước đang thu nhiều khoản phí trong quá trình khai thác tuyến hàng hải để phục vụ cho công tác quản lý, đáp ứng yêu cầu về hạ tầng hàng hải. Bên cạnh đó, chi phí duy tu tuyến luồng hàng năm khá lớn do sự bồi lấp cũng là sự khác biệt chính cần nghiên cứu kỹ lưỡng.

Trên cơ sở đề xuất của HMOSC cùng ý kiến đóng góp của các cơ quan liên quan, Thứ trưởng đề nghị nhà đầu tư tiếp tục nghiên cứu và đề xuất thêm một số phương án tài chính, mức thu, phương án thu tất hay một phần với những tàu được hưởng lợi khi ta triển khai dự án này với độ sâu từ 14m đến 15,5m. Đồng thời đảm bảo lợi ích của Nhà đầu tư và hài hòa lợi ích của Nhà nước.

Về mặt kỹ thuật, Thứ trưởng đề nghị các cơ quan, đơn vị nghiên cứu và đưa ra phương án duy tu tuyến luồng cụ thể, chi tiết. Đặc biệt, là những yếu tố tác động khi triển khai đầu tư nạo, vét đến độ sâu -15,5m như sự ảnh hưởng về môi trường, sa bồi, công tác duy tu nạo vét, khu vực xung quanh, nguy cơ sạt lở…. Bên cạnh đó, Thứ trưởng nhấn mạnh về những thuận lợi về Kinh tế xã hội khi triển khai Dự án.

“Đây là Dự án BOT Hàng hải đầu tiên có Nhà đầu tư đề xuất và cũng là lần đầu triển khai nên còn nhiều khó khăn và mới mẻ. Vì vậy, tôi đề nghị các cơ quan của Bộ GTVT tích cực hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho Nhà đầu tư triển khai Dự án đảm bảo khả thi” – Thứ trưởng đề nghị.

Ngoài ra, Thứ trưởng đề nghị Cục Hàng hải Việt Nam chỉ đạo HMOSC khẩn trương hoàn thiện báo cáo cuối kỳ trình Bộ xem xét.

Tại khu vực phía Nam, Bà Rịa – Vũng Tàu được xác định là khu vực hội nhập, giao thương với thế giới bằng đường biển. Tại khu vực này, quy hoạch đã xác định hệ thống cảng biển sẽ đóng vai trò Cảng tổng hợp quốc gia, cửa ngõ quốc tế loại IA, là nơi sẽ tiếp nhận đội tàu viễn dương có trọng tải trên 100,000 DWT ra vào làm hàng và thực hiện chức năng trung chuyển quốc tế.

Nơi đây sẽ là đầu mối quốc tế cho cả khu vực phía Nam và đặc biệt là Vùng Kinh tế động lực phía Nam, đồng thời giữ vai trò đặc biệt quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam, hàng năm đóng góp 60% ngân sách quốc gia và trên 70% kim ngạch xuất khẩu của cả nước, chủ yếu là hàng hóa thông qua bằng đường biển.

Dự báo trong những năm tới, nhu cầu hàng hóa thông qua các cảng biển của vùng KTĐLPN là rất lớn: giai đoạn 2020 từ 238 đến 248 triệu tấn; giai đoạn 2030 từ 358,5 đến 411,5 triệu tấn. Do đó việc đẩy mạnh đầu tư hạ tầng cảng biển đồng bộ với luồng hàng hải và hạ tầng kết nối sau cảng để đảm bảo thông qua toàn bộ lượng hàng trên đang đặt ra rất bức thiết.

Ý kiến của bạn

Bình luận