Khai mạc Hội nghị Trung ương 9, khoá XII

Chính trị 25/12/2018 10:20

Hội nghị lần này làm việc trong 3 ngày và sẽ lấy phiếu tín nhiệm uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư.


 

Khai mạc Hội nghị Trung ương 9, khoá XII
Đại biểu tham dự Hội nghị Trung ương Đảng. Ảnh: TTX.

Theo chương trình dự kiến, Hội nghị Ban chấp hành Trung ương 9, khoá XII khai mạc trong sáng nay thứ ba 25/12 và họp đến 27/12.

Trong 3 ngày làm việc, hội nghị sẽ xem xét tờ trình Quy hoạch Ban chấp hành Trung ương nhiệm kỳ 2021-2026; lấy phiếu tín nhiệm các Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư; thảo luận việc chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và nội dung quan trọng khác.

Về quy hoạch Ban chấp hành Trung ương khoá mới, công việc này đã được tiến hành trước đó với bốn bước từ cơ sở theo kế hoạch của Bộ Chính trị.

Bước đầu tiên là tập thể lãnh đạo (ở địa phương là Ban Thường vụ, ở các Bộ ngành là Đảng đoàn, Ban cán sự Đảng) tiến hành rà soát, đánh giá từng trường hợp đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo hướng dẫn và thông qua danh sách dự kiến những người được giới thiệu quy hoạch.

Ở các bước tiếp theo, hội nghị cán bộ chủ chốt, tập thể lãnh đạo và mở rộng sẽ lần lượt góp ý, bỏ phiếu kín... để chốt danh sách. 

Ông Nguyễn Thanh Bình - Phó trưởng ban thường trực Ban Tổ chức Trung ương cho biết, một trong những điểm mới của quy trình lần này so với trước đây là xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm trực tiếp của các cấp uỷ, tổ chức Đảng và người đứng đầu các cấp trong việc xem xét, phát hiện, giới thiệu nhân sự của địa phương, cơ quan, đơn vị mình vào quy hoạch cấp chiến lược.

Ba độ tuổi được quy hoạch là dưới 55, dưới 50 và dưới 45. Trong đó với độ tuổi dưới 55, người được xem xét đưa vào quy hoạch là bí thư, phó bí thư các tỉnh, thành, thứ trưởng và tương đương... Còn nhân sự dưới 50 tuổi thì chức vụ hiện hành có thể thấp hơn so với nhóm trên, cụ thể như Bí thư huyện ủy, giám đốc sở, ngành và tương đương, thường trực HĐND, thường trực UBND...

Nhóm dưới 45 tuổi thì không yêu cầu phải giữ chức vụ hiện hành như hai nhóm trên, nhưng cũng phải nằm trong diện được giới thiệu, quy hoạch vào các chức danh do Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý (phó bí thư tỉnh ủy, thứ trưởng và tương đương). Đây là diện cán bộ tạo nguồn cho các khóa tiếp theo, có thể tham gia làm nhân sự dự khuyết Trung ương.

Sau 4 bước nêu trên, khâu quan trọng nhất sẽ được thực hiện ở Trung ương với quy trình 5 bước. Đầu tiên, tổ giúp việc của Ban chỉ đạo xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ tổng hợp nhân sự giới thiệu của địa phương, bộ, ban ngành; phân tích xem đã đúng đối tượng hay chưa, có đảm bảo tiêu chuẩn, tiêu chí không?

Trên cơ sở đó, Ban chỉ đạo sẽ tiến hành các bước thẩm định, khám sức khoẻ nhân sự được giới thiệu theo quy định của Ban bảo vệ chăm sóc sức khoẻ Trung ương; lấy ý kiến thẩm định về công tác bảo vệ chính trị nội bộ, vấn đề liên quan đến công tác kiểm tra Đảng.

Sau khi tổng hợp, bước thứ hai là báo cáo Bộ Chính trị xem xét rồi mới trình Trung ương. Tại Hội nghị Ban chấp hành Trung ương, các đại biểu sẽ nghiên cứu tờ trình và các văn bản liên quan và giới thiệu bằng phiếu. Đây là phiếu giới thiệu, không phải phiếu bầu cử, tỷ lệ tính trên tổng số người có mặt. Uỷ viên Trung ương chính thức và dự khuyết đều được quyền giới thiệu.

Từ giới thiệu này, Ban chỉ đạo tiếp tục tổng hợp lại và báo cáo Bộ Chính trị tiến hành phê duyệt. Sau bước này, các nhân sự được phê duyệt chính thức được nằm trong quy hoạch vào Ban chấp hành Trung ương lần đầu.

"Quy hoạch cán bộ cấp chiến lược khác với công tác nhân sự cụ thể. Nếu như quy hoạch chỉ gồm những người lần đầu được giới thiệu vào Trung ương, công tác nhân sự cụ thể còn có các Uỷ viên Trung ương tái cử", một lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương giải thích thêm.

Về lấy phiếu tín nhiệm, theo quy định thì việc này được tiến hành định kỳ vào năm thứ 3 (năm giữa nhiệm kỳ đại hội đảng bộ các cấp). 

Trên phiếu sẽ ghi rõ họ tên, chức vụ của người được lấy phiếu tín nhiệm kèm theo các ô tương ứng với các mức độ: "tín nhiệm cao", "tín nhiệm", "tín nhiệm thấp".

Hai nhóm nội dung lấy phiếu tín nhiệm là phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và năng lực thực tiễn.

Ban Tổ chức Trung ương sẽ chuẩn bị phiếu tín nhiệm; trên phiếu có danh sách Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư; tiêu chí lấy tín nhiệm và có đóng dấu treo của Ban Chấp hành Trung ương; đề xuất thành phần nhân sự Ban kiểm phiếu.

Việc lấy phiếu tín nhiệm do Bộ Chính trị chủ trì. Sau khi các Ủy viên Trung ương ghi phiếu, bỏ phiếu, Ban kiểm phiếu sẽ làm việc và báo cáo kết quả với Ban Chấp hành Trung ương.

Theo quy định, kết quả phiếu tín nhiệm được sử dụng để tham khảo trong đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu người ứng cử, miễn nhiệm và thực hiện chế độ, chính sách khác liên quan.

Điều lệ Đảng quy định Ban chấp hành Trung ương họp thường lệ 6 tháng một lần, họp bất thường khi cần. Trong năm 2018, Trung ương khoá XII đã tiến hành hai kỳ họp lần thứ 7 (tháng 5) và lần thứ 8 (tháng 10).

Ý kiến của bạn

Bình luận