Kết quả triển khai chăm sóc chấn thương trước viện tại 3 địa phương Hà Nội, Thừa Thiên - Huế, TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2012 – 2013

02/01/2016 18:10

Chăm sóc chấn thương trước viện là một giải pháp nhằm giảm thiểu tỷ lệ tử vong do tai nạn thương tích (TNTT).

ª TS. Lương Mai Anh

ª PGS. TS. Trần Thị Ngọc Lan

ª ThS. Nguyễn Thị Thu Huyền

Cục Quản lý môi trường y tế - Bộ Y tế

Người phản biện: TS. Nguyễn Đức Chính

Tóm tắt: Chăm sóc chấn thương trước viện là một giải pháp nhằm giảm thiểu tỷ lệ tử vong do tai nạn thương tích (TNTT). Vì vậy, mô hình tăng cường hệ thống chăm sóc chấn thương trước viện (CSCTTV) được tiếp tục thực hiện với mục tiêu: (i) nâng cao năng lực cho TNV, cán bộ y tế (CBYT) các tuyến về CSCTTV và (ii) đánh giá chất lượng hoạt động sơ cấp cứu (SCC) trước viện của tình nguyện viên (TNV) và nhân viên y tế thôn bản.

Nghiên cứu sử dụng phương pháp cắt ngang mô tả sau tập huấn SCC TNTT trên 180 TNV y tế và toàn bộ bệnh nhân bị TNTT tại 36 xã thuộc 9 quận huyện tại 3 địa phương Hà Nội, Thừa Thiên - Huế, TP. Hồ Chí Minh năm 2012 - 2013.

Kết quả cho thấy: Chương trình tập huấn nâng cao năng lực 630 cho TNV qua 18 lớp tập huấn về CSCTTV trong 3 ngày. Đối tượng tham gia đánh giá là 180 TNV y tế bao gồm TNV Hội CTĐ (32%), cán bộ y tế thôn bản (24,44%), cán bộ y tế xã 18,89%. Hơn 90% TNV đánh giá chương trình tập huấn phù hợp giữa mục tiêu với nội dung lý thuyết và thực hành, chất lượng đào tạo, nội dung đào tạo thích hợp và nên mở rộng ra toàn quốc.

Tổng số trường hợp bị TNTT được TNV SCC là 3663. Nhóm tuổi 20 - 29 chiếm 30,2%, và nhóm tuổi 30 - 39 (19%). Chảy máu chiếm 67,0%, tổn thương phần mềm 75%, gãy xương 12%. 87,3% nạn nhân được băng bó và 82,3% được cầm máu; vận chuyển bằng xe máy chiếm 94,4%, xe cứu thương 1,6%; xử trí tốt các trường hợp tuần hoàn và cầm máu chiếm 95%, xử trí cố định tốt chiếm 74,9%.

Kết luận và khuyến nghị: Tài liệu hướng dẫn xử trí CSCTTV có thể dùng để tập huấn trong 3 ngày cho nhân viên và TNV y tế. Trên 90% học viện đánh giá cao về nội dung, sự cần thiết của khóa tập huấn về CSCTTV. Trong các chấn thương được SCC, chảy máu chiếm 67,0%, tổn thương phần mềm 75%, gãy xương 12%. Vận chuyển bằng xe máy chiếm 94,4%, xe cứu thương 1,6%. Xử trí tốt các trường hợp tuần hoàn và cầm máu chiếm 95%, xử trí tốt cố định 74,9%. Vì vậy, mô hình CSCTTV và mô hình trung tâm cấp cứu 115 nên được đầu tư, mở rộng.

Từ khóa: Chăm sóc chấn thương trước viện

Abstract:

Background: Pre-hospital trauma care is a solution to reduce the mortality relating to injury. Therefore, the model to develop pre-hospital trauma care (PHTC) to continue implementing with objectives: (i) Enhance first aid capacity of volunteers, health workers about PHTC and (ii) Evaluate the quality of first aid for injury victims pre-hospital by health volunteers (volunteers) and health workers.

Materials and methodology: The study used cross-sectional methods after training course on PHTC for 180 health volunteers and injury patients at 36 communes of 9 districts in 3 provinces of Hanoi, Hue and Ho Chi Minh city in 2012-2013.

Results: 630 volunteers were trained to enhance the PHTC capacity through18 training courses in 3 days. Among 180 evaluated health volunteers, 32% were Red Cross volunteers, village health workers 24,44%, health workers at health stations 18.89%. Over 90% of the volunteers evaluated the content, method of training program were appropriated with goals; training course with high quality and should be expanded nationwide.

Total cases of injuries provide PHCT services by volunteers was 3663. 20 - 29 age group was 30,2%, and age group 30 - 39 (19%). Bleeding rate was 67.0% of, skin and muscle injury 75%, 12% bone injury. Bandage rate was 87,3% and bleeding rate was 82,3%. Injury victims transferring by motorcycles was 94,4%, by ambulances car was 1,6%. Appropriated first aid on circulation and hemostasis was 95%, fixing the fracture of bone was 74,9%.

Conclusions and Recommendations: Guidelines on PHTC can be used for 3-day training courses for health workers and volunteers. Over 90% trainees evaluated the goals, method, and content of training course on PHTC was good, useful and should be expanded. Among injuries were cared by health workers and volunteers, 67,0% was bleeding, soft tissue injury 75%, 12% bone fracture. Transferring to health facility by motorcycles was 94,4%, by ambulances 1,6%. Good management on circulation and hemostasis was 95%, good fixing on bone fracture 74,9%. So PHTC models and 115 emergency centers should be invested and expanded.

Keywords: Pre-hospital trauma care.

1. Đặt vấn đề

TNTT là vấn đề toàn cầu, hiện đang là mối quan tâm của toàn thế giới cũng như của mỗi quốc gia. Nguyên nhân chủ yếu của các trường hợp bị TNTT và tử vong là TNGT, đặc biệt là tai nạn giao thông đường bộ (TNGTĐB).

Theo báo cáo của Cục Y tế GTVT giai đoạn 2007 - 2011, số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ ngày càng gia tăng. Trong khi đó, theo báo cáo của 48 bệnh viện năm 2012 của Bộ Y tế, nạn nhân TNGT đến cấp cứu tại bệnh viện chiếm 31,2% tổng số tai nạn thương tích (TNTT). Tuy nhiên, theo Bộ Y tế, năng lực cấp cứu TNGT chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế.

Về thực trạng cấp cứu tại hiện trường, theo nghiên cứu của Viện Quân y 103, 91,9% nạn nhân được cấp cứu do người đi đường, 3,2% được tự cấp cứu, và 4,9% được nhân viên y tế cấp cứu. Trong khi đó, đánh giá về thực trạng chất lượng sơ cấp cứu, tại Bệnh viện Việt Đức, 5,52% cố định xương và 7,16% cầm máu xử trí cấp cứu ban đầu chưa đúng kỹ thuật. Theo nghiên cứu của JICA 2009, băng vết thương đạt yêu cầu 61,2% (kín và không chảy máu) và 38,8% có băng nhưng không đạt yêu cầu (không kín và vẫn chảy máu), cố định gãy xương có 51,4% đạt yêu cầu (hai đầu xương gãy không di chuyển được) và không đạt yêu cầu là 48,6%. Bên cạnh đó, năng lực của hệ thống cấp cứu 115 cũng còn hạn chế về nguồn lực và trang thiết bị.

Có một số nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này. Thứ nhất là ở Việt Nam chỉ có một số tỉnh, thành phố lớn có trung tâm cấp cứu 115 và các trung tâm này hiện nay mới chỉ đáp ứng được 10% các cuộc gọi cấp cứu tai nạn. Thứ hai là mạng lưới TNV (TNV chữ thập đỏ, cựu chiến binh…), nhân viên y tế thôn bản, nhóm người có thể xuất hiện ngay tại hiện trường vụ tai nạn để tiến hành những kỹ năng cấp cứu cơ bản để cứu sống nạn nhân chưa được đào tạo về cấp cứu TNTT và không được trang bị dụng cụ và trang thiết bị cần thiết, không nắm được những kỹ thuật cấp cứu đúng để di chuyển, cố định hay vận chuyển nạn nhân. Tỷ lệ cán bộ y tế được đào tạo về cấp cứu chấn thương tại tuyến xã, phường là 22,2%.

Dự án tăng cường hệ thống chăm sóc chấn thương trước viện nhằm nâng cao kỹ năng sơ cấp cứu cho đội ngũ tình nguyện viên giai đoạn 2010 - 2011 cho thấy, trong 3.320 trường hợp, 61,1% các trường hợp được sơ cấp cứu đã được chuyển đến các cơ sở y tế; kết quả thực hiện sơ cấp cứu của TNV về cơ bản được đánh giá là tốt từ 91 - 99% các trường hợp. Do vậy, mô hình tiếp tục được thực hiện để tiếp tục hỗ trợ đánh giá hiệu quả sơ cấp cứu trước viện và duy trì mô hình chấn thương trước viện với các mục tiêu: (i) nâng cao năng cao năng lực cho TNV, cán bộ y tế các tuyến về chăm sóc chấn thương trước khi đến bệnh viện và (ii) đánh giá chất lượng hoạt động sơ cấp cứu trước viện của TNV và nhân viên y tế thôn bản.

2. Đối tượng và phương pháp

Mô tả cắt ngang sau tập huấn CSTTTV tại 36 xã thuộc 9 quận huyện tại 3 tỉnh Hà Nội, Thừa Thiên - Huế, TP. Hồ Chí Minh năm 2012 - 2013 trên 180 TNV y tế và toàn bộ bệnh nhân TNTT trên địa bàn trong giai đoạn 2012 - 2013.

3. Kết quả

3.1. Nâng cao năng lực cho tình nguyện viên, cán bộ y tế các tuyến về chăm sóc chấn thương trước khi đến bệnh viện

Xây dựng cuốn “Tài liệu hướng dẫn xử trí chăm sóc chấn thương trước khi đến bệnh viện” và tổ chức lớp tập huấn giảng viên cho 3 tỉnh dự án gồm 50 giảng viên, là những người có kinh nghiệm tại các bệnh viện chấn thương, khoa cấp cứu của các bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến huyện 18 lớp tập huấn cho 630 tình nguyện viên, nhân viên y tế thôn bản của 3 tỉnh/thành phố dự án đã được tổ chức. Đối tượng tập huấn là: Trưởng nhóm tổ cấp cứu, những TNV tích cực tham gia, hay những đối tượng có nhu cầu được tập huấn bổ sung, hay TNV mới được bổ sung thay thế (nếu có), những đối tượng chưa thông thạo những kỹ năng cần thiết. 

Thời lượng phân bổ trong 3 ngày tập huấn của mỗi lớp gồm 1 ngày lý thuyết, 1,5 ngày thực hành những kỹ thuật cơ bản và xử lý các tình huống cụ thể, 0,5 ngày còn lại rà soát chỉnh sửa các kỹ năng của từng cá nhân/đội.

Đối tượng TNV tham gia đánh giá bao gồm 180 TNV, trong đó TNV Hội CTĐ (32,22%), cán bộ y tế thôn bản (24,44%), cán bộ y tế xã 18,89%, ngoài ra còn có lái xe, đội dân phòng, xe ôm, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh, đoàn thanh niên, y tế trường học và người dân tại cộng đồng.

Hơn 98% TNV cho rằng nội dung bài giảng tập huấn kỹ năng sơ cấp cứu rõ ràng phù hợp với mục tiêu của bài giảng. 97% TNV đánh giá nội dung chi tiết trong bài giảng là thích hợp; 92% TNV cho rằng mức độ khó của bài giảng là thích hợp; 95% TNV cho rằng khối lượng bài giảng là thích hợp; 94% TNV đánh giá nội dung của những bài giảng này được trình bày với tốc độ phù hợp; 95% TNV đánh giá nội dung tập huấn phù hợp với trình độ học vấn; 97% TNV cho rằng những bài tập thực hành là phần cần thiết bổ sung cho lý thuyết; 97% TNV đồng ý là chương trình tập huấn đã trang bị cho tôi những kiến thức và kỹ năng thích hợp để chăm sóc cho những người bị tai nạn thương tích

Đánh giá về mức độ đồng ý của TNV với lợi ích của tài kết quả cho thấy, 94% cho rằng tài liệu tập huấn là bổ ích, 95% TNV đánh giá tài liệu hướng dẫn chi tiết từng bước một, có hình ảnh minh họa và có bài tập thực hành là hiệu quả,

Đánh giá về nội dung hữu dụng nhất từ bài giảng trong 102 TNV, kết quả cho thấy 29,41% cho rằng, sơ cấp cứu ngừng thở, ngừng tim là hữu dụng, 28% quan tâm đến sơ cấp cứu chấn thương đầu, cột sống cổ, 21% quan tâm đến cấp cứu điện giật, 6% quan tâm đến sơ cấp cứu gãy xương và tai nạn giao thông.

Sau khóa tập huấn, 34% đề nghị cần được tập huấn định kỳ, 29% đánh giá tập huấn giúp TNV thực hành tốt hơn, 17% cho rằng các giảng viên dạy dễ hiểu, phù hợp với thực tế và nên mở rộng ra toàn quốc.

3.2. Đánh giá chất lượng hoạt động sơ cấp cứu trước viện của TNV và nhân viên y tế thôn bản

Tổng số trường hợp TNTT được tình nguyện viện thực hiện sơ cấp cứu trong vòng 1 năm là 3.663 trường hợp tại 3 tỉnh, trong đó trung bình trong 1 tháng TNV Hà Nội sơ cấp cứu được 110, Thừa Thiên - Huế là 109, TP. Hồ Chí Minh là 104. Trong số các trường hợp TNTT được ghi chép tại các cơ sở y tế theo sổ A1, TNV đã sơ cấp cứu được 70,5% TNTT ở Hà Nội, 78,2% ở Thừa Thiên - Huế, 24,5% ở TP. Hồ Chí Minh.

Trong số những trường hợp TNTT, trường hợp TNGT được sơ cấp cứu chiếm tới 99% ở Hà Nội, 71,3% ở Thừa Thiên - Huế, 22,5% ở TP. Hồ Chí Minh, tỉ lệ chung là 38,4%.

Trong số những trường hợp được sơ cấp cứu, có tới 65,2% trường hợp được chuyển đến cơ sở y tế ở Hà Nội, 96,9% ở Thừa Thiên - Huế, 78,3% ở TP. Hồ Chí Minh. Thừa Thiên - Huế là tỉnh có số trường hợp TNTT được cộng tác viên cấp cứu nhiều nhất, tiếp đến là TP. Hồ Chí Minh. 

hinh31
Hình 3.1: Biểu đồ - Phân bố loại hình TNTT được sơ cấp cứu (n = 3663)

 

Trong 1 năm, TNV đã hỗ trợ sơ cấp cứu được 34,2% trường hợp TNGT, 31,1% ngã và 22,3% tai nạn lao động.

hinh32
Hình 3.2: Phân bố nạn nhân TNGT theo nhóm tuổi

 

Có 4 loại hình tai nạn phổ biến gồm TNGT, tai nạn lao động, ngã và bạo hành. TNGT, nhóm tuổi gặp tai nạn và được sơ cứu chủ yếu từ 20 - 29 (chiếm 30,2%) và nhóm tuổi 30 - 39 (19%). Ngã tập trung nhiều ở nhóm dưới 15 tuổi (38,4%). Bạo hành tập trung ở nhóm 20 - 29, chiếm 39,6% so với các nhóm tuổi khác). Tai nạn lao động ở nhóm 30 - 39 chiếm 27% và 20 - 29 chiếm 24,3%.        

Phần lớn các trường hợp TNTT là chảy máu với tần suất là 67,0%, tiếp theo là tổn thương phần mềm với tần suất 75%, gãy xương chiếm 12%.

87,3% nạn nhân được băng bó và 82,3% được cầm máu là tần suất được xử trí sơ cấp cứu cao nhất.

hinh33
Hình 3.3: Phương tiện vận chuyển cấp cứu

 

Phương tiện vận chuyển bằng xe máy chiếm nhiều nhất với 94,4%, trong khi đó xe cứu thương chỉ chiếm 1,6%.

3.3. Đánh giá kết quả sơ cấp cứu của tình nguyện viên

Trong số 3.663 nạn nhân được sơ cấp cứu, có tới 2.216 nạn nhân được đánh giá bởi cán bộ y tế tại các trạm y tế xã, trung tâm y tế huyện và các bệnh viện tỉnh; 36,1% được tiếp nhận bởi điều dưỡng, 26,4% được tiếp nhận bởi bác sĩ và 4,7% được tiếp nhận bởi y tá.

hinh34
Hình 3.4: Người tiếp nhận tại cơ sở y tế

 

Bảng 3.1. Đánh giá của cơ sở y tế về chất lượng sơ cấp cứu TNTT của tình nguyện viên

bang31

 

Theo đánh giá của các cơ sở y tế về chất lượng sơ cấp cứu TNTT của TNV, tần suất xử trí tốt các trường hợp tuần hoàn và cầm máu chiếm từ 94,9% đến 95,3%, còn tỉ lệ xử trí cố định thấp nhất với 74,9%. Như vậy, đa số các trường hợp đều xử trí tốt, kỹ thuật đúng, chỉ có một số trường hợp băng bó vết thương chưa đạt yêu cầu chiếm 2,2%.

4. Kết luận và kiến nghị

4.1. Kết luận

Để nâng cao năng lực cho TNV và cán bộ y tế các tuyến về CSTTTV, tài liệu hướng dẫn xử trí CSTTTV khi đến viện đã được xây dựng; 18 lớp tập huấn cho 630 TNV và nhân viên y tế tại 3 địa phương đã được tổ chức trong 3 ngày; trên 90% học viện đánh giá cao về nội dung, sự cần thiết của khóa tập huấn về sơ cấp cứu trước khi đến viện và các lớp tập huấn lại về nội dung này; chất lượng và số lượng sơ cấp cứu TNTT và TNGT tốt hơn trước. Phần lớn các trường hợp TNTT là chảy máu với tần suất là 67,0%, tiếp theo là tổn thương phần mềm với tần suất 75%, gãy xương chiếm 12%. Phương tiện vận chuyển bằng xe máy chiếm nhiều nhất với 94,4%, trong khi đó xe cứu thương chỉ chiếm 1,6%. Tần suất xử trí tốt các trường hợp tuần hoàn và cầm máu chiếm từ 94,9% đến 95,3%, còn tỉ lệ xử trí cố định thấp nhất với 74,9%. Đa số các trường hợp sơ cấp cứu TNTT đều được xử trí tốt, kỹ thuật đúng. Mô hình bước đầu đạt được kết quả tốt và có nhu cầu được nhân rộng và đào tạo lại.

4.2. Kiến nghị

Mô hình CSTTTV nên được hoàn thiện và mở rộng đến các đối tượng như lái xe taxi, lái xe ô tô, đặc biệt là lái xe trong ngành Y tế để biết cách sơ cứu cho nạn nhân khi gặp tai nạn trên đường... Hệ thống cấp cứu trước viện, trung tâm cấp cứu và vận chuyển 115 và phủ rộng tới các huyện, xã. Cơ sở vật chất và trang thiết bị, đào tạo nhân lực cho CSCTTV đối với TNTT nói chung và TNGT nói riêng nên được đầu tư và nâng cấp; cần phổ biến và đào tạo rộng rãi các tài liệu đào tạo, hướng dẫn CSCCTTV cho YTTB/TNV/cộng đồng để có thể xử lý các tình huống cấp cứu kịp thời cho các đối tượng như TNV, nhân viên y tế thôn bản, lái xe taxi; nên lồng ghép chương trình CSCTTV với quân dân y, phối hợp hoạt động của Hội chữ thập đo; nên có quy chế phối hợp cấp cứu và VCCC, CSCTTV trên địa bàn tỉnh; ban hành các quy định cấp cứu cho YTTB, TNV trong đó quy định về địa điểm hoạt động, đơn vị đầu mối, biểu mẫu báo cáo, đánh giá, tiếp nhận và vận chuyển nạn nhân, kinh phí hỗ trợ thay thế các TTB đã sử dụng, gọi xe cấp cứu… hệ thống điều hành, xử lý thông tin về cấp cứu đảm bảo tiếp cận nạn nhân nhanh nhất nên được xây dựng. Kinh phí cho hệ thống CSTTTV nên đầu tư.

Tài liệu tham khảo

[1]. Bệnh viện Việt Đức (2009), Đánh giá thực trạng chất lượng sơ cấp cứu.

[2]. Brunn F et al. (2001), Effectiveness of prehospital trauma care, Cochrane Injuries Group, (http://www.cochrane-injuries.lshtm.ac.uk/Pre-HospFINALReport2.pdf, accessed 11 March 2005).

[3]. Bộ Y tế (2012), Thực trạng cấp cứu tại bệnh viện.

[4]. Cục Quản lý môi trường y tế (2011), Báo cáo kết quả triển khai hệ thống chăm sóc chấn thương trước viện giai đoạn 2009 - 2011.

[5]. Cục Y tế giao thông vận tải (2011), Báo cáo thực trạng TNGT đường bộ tại Việt Nam.

[6]. JICA (2009), Báo cáo thực trạng hệ thống sơ cấp cứu tại Việt Nam giai đoạn 2007 - 2009.

[7]. Mock CN et al. (2002), Improvements in prehospital trauma care in an African country with no formal emergency medical services, Journal of Trauma, 53:90-7.

[8]. Tổ chức Y tế thế giới (2004), Gánh nặng bệnh tật toàn cầu, Geneva, Thụy Sỹ.

[9]. Viện Quân y 103 (2009), Thực trạng sơ cấp cứu trước viện.

[10]. Tổ chức Y tế thế giới (2005), Hệ thống chăm sóc chấn thương trước viện, Geneva, Thụy Sỹ.

 

Ý kiến của bạn

Bình luận