Kế hoạch hành động Logistics Quốc gia

Tác giả: Nguyễn Tương

saosaosaosaosao
22/03/2017 15:03

Phát triển logistics thành một ngành dịch vụ đem lại giá trị gia tăng cao, gắn với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu và thương mại trong nước.

aduaneiro7_1

Quyết định số 200/QĐ-TTg, ngày 14/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch hành động (KHHĐ) nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 (gọi tắt là KHHĐ) là động lực cho việc phát triển dịch vụ logistics nước ta trong năm 2017 và những năm tới. Lần đầu tiên chúng ta có một KHHĐ quốc gia về dịch vụ logistics một cách toàn diện như vậy. Đây là bước đệm để nước ta xây dựng chiến lược phát triển dịch vụ logistics quốc gia nhằm đưa ngành Dịch vụ logistics - một ngành dịch vụ “giá trị gia tăng cao” như Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã nêu rõ trong Mục tiêu nhiệm vụ tổng quát phát triển đất nước 5 năm (2016 - 2020) lên một bước phát triển mới “hiện đại và mở rộng”.

KHHĐ đã khẳng định Logistics là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước cũng như từng địa phương, góp phần gia tăng giá trị hàng hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh của thương mại và nền kinh tế. Phát triển dịch vụ logistics thành một ngành dịch vụ đem lại giá trị gia tăng cao, gắn dịch vụ logistics với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu và thương mại trong nước. Quan điểm phát triển này thể hiện vai trò động lực của logistics trong dây chuyển quản lý chuỗi cung ứng hàng hóa, điều mà hiện nay chúng ta chưa thực hiện được. Phát huy tối đa lợi thế vị trí địa lý chiến lược, tăng cường kết nối để đưa Việt Nam trở thành một đầu mối logistics quan trọng trong khu vực. Hy vọng đến năm 2025, Việt Nam sẽ trở thành một trung tâm logistics của khu vực, ít ra là khu vực Tiểu vùng Mê Kông mở rộng.Để đạt được mục đích đó, KHHĐ đã đề ra mục tiêu đến năm 2025 là tỷ trọng đóng góp của ngành Dịch vụ logistics vào GDP đạt 8 - 10%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ đạt 15 - 20%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logostics đạt 50 - 60%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16 - 20% GDP, xếp hạng theo chỉ số năng lực quốc gia về logistics (LPI) trên thế giới đạt thứ 50 trở lên. Đây là những chỉ tiêu phải phấn đấu rất cao thì toàn ngành Logistics mới đạt được.

Về nhiệm vụ, KHHĐ đã đề ra 6 nhóm nhiệm vụ chủ yếu, đó là: Hoàn thiện chính sách, pháp luật về dịch vụ logistics; hoàn thiện kết cấu hạ tầng logistics; nâng cao năng lực doanh nghiệp và chất lượng dịch vụ; phát triển thị trường dịch vụ logistics; đào tạo, nâng cao nhận thức và chất lượng nguồn nhân lực; các nhiệm vụ khác. Các nhóm nhiệm vụ chủ yếu đó được chi tiết bằng 60 nhiệm vụ cụ thể cho tất cả 4 yếu tố cấu thành hệ thống logistics Việt Nam: Đường lối, chính sách phát triển dịch vụ logistics và pháp luật điều chỉnh hoạt động logistics; kết cấu hạ tầng logistics (hạ tầng cứng và hạ tầng mềm); doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics; doanh nghiệp sử dụng dịch vụ logistics.

KHHĐ cũng đề ra kết quả cụ thể cần đạt được, thời gian thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ và cơ quan thực hiện chính cho từng nhiệm vụ cụ thể. Nội dung này sẽ tạo thuận lợi cho việc kiểm điểm thực hiện KHHĐ sau này.

Về hoàn thiện kết cấu hạ tầng logistics (phần cứng) bao gồm 18 nhiệm vụ cụ thể, trong đó có các nhiệm vụ phù hợp với nhiệm vụ cơ cấu hoạt động vận tải mà Bộ GTVT đang xây dựng Đề án tái cơ cấu vận tải giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025, nhằm tăng cường kết nối, phát triển hợp lý các phương thức vận tải, vận tải đa phương thức (xương sống của hoạt động logistics) vàdịch vụlogistics, phát triển vận tải qua biên giới qua việc đầu tư “xây dựng công trình giao thông, kho bãi, trung tâm logistics trên các tuyến đường hành lang kết nối các cảng của Việt Nam với Lào, Campuchia, Thái Lan và Nam Trung Quốc”. KHHĐ nhấn mạnh việc hình thành các trung tâm logistics, đóng vai trò kết nối Việt Nam với quốc tế và “các trung tâm logistics kết nối các khu vực kinh tế trọng điểm của Việt Nam”. Ngoài ra, hình thành các trung tâm logistics ở nước ngoài làm đầu tầu, tập kết và phân phối hàng hóa Việt Nam đến các thị trường quốc tế như ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hà Lan, Bỉ, Nga, Ấn Độ, Nam Phi... Đây là một điểm mới, nổi bật của KHHĐ.

KHHĐ nhấn mạnh đến nội dung đào tạo, nâng cao nhận thức và chất lượng nguồn nhân lực cho ngành Dịch vụ logistics với 7 nhiệm vụ cụ thể, qua đó coi phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động logistics là một nhiệm vụ rất quan trọng trong việc phát triển ”kết cấu hạ tầng mềm”.

Về các nhiệm vụ khác, KHHĐ đề ra nhiệm vụ ”Kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước” với việc nghiên cứu khả năng thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về logistics, thành lập bộ phận tham mưu về logistics ở một số bộ, ngành để giúp Chính phủ điều phối các hoạt động logistics”. Đây là việc làm cần thiết nhằm nâng cao năng lực quản lý nhà nước, thúc đẩy hoạt động logistics. KHHĐ cũng đề cao vai trò của các hiệp hội trong lĩnh vực logistics, làm cầu nối giữa Nhà nước với các doanh nghiệp và hỗ trợ cho các doanh nghiệp về hoạt động logistics.

Đầu tháng 3/2017, Bộ Công thương đã họp với các bộ, ngành, UBND một số tỉnh, thành phố, các hiệp hội và tổ chức liên quan đến KHHĐ này, trong đó có Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) để bàn kế hoạch triển khai thực hiện KHHĐ. Sắp tới đây, các bộ, ngành, địa phương và các hiệp hội sẽ có các hội nghị triển khai thực hiện KHHĐ một cách hiệu quả. VLA đã chuyển tới các hội viên bản KHHĐ và sẽ ấn hành Sổ tay nghiệp vụ logistics, trong đó có KHHĐ ban hành theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. KHHĐ này được thực hiện tốt chắc chắn sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam một cách hiệu quả

Ý kiến của bạn

Bình luận