Kè, cọc WB6 bị “uy hiếp”, thêm TNGT tại “điểm đen” trên sông Kinh Thầy

Tác giả: Vũ Thành Vũ

saosaosaosaosao
Ý kiến 20/11/2018 06:29

Tiếp tục xảy ra vụ TNGT thủy thứ 5 tại Ngã ba Kèo (sông Kinh Thầy) trong 1 năm khiến hệ thống kè, cọc của Dự án WB6 bị thiệt hại rất lớn. Hồi chuông báo động mất ATGT trên sông Kinh Thầy tiếp tục được gióng lên.

45221848_354673025279363_4083656743282802688_n
Cần làm rõ tình trạng khai thác cát tại khu vực Ngã ba Kèo vì đây có thể là một nguyên nhân gây nên tình trạng sạt lở.

“Điểm đen” liên tục xảy ra tai nạn: Nguyên nhân do đâu?

Tạp chí GTVT đã phản ánh về tình trạng mất ATGT đường thủy tại Ngã ba Kèo (km 25+000) trên sông Kinh Thầy, tính đến tháng 9 vừa qua, chỉ trong chưa đầy 1 năm đã xảy ra liên tiếp 4 vụ tai nạn giữa phương tiện thủy nội địa và hệ thống kè cọc khung vây (công trình đường thủy – Dự án WB6).

Trong khi các giải pháp bảo đảm ATGT đường thủy, đảm bảo kết cấu hạ tầng GTVT Dự án WB6 tại Ngã ba Kèo “chưa kịp” triển khai, thì “điểm đen” này lại tiếp tục xảy ra thêm TNGT.

Theo Đội Thanh tra – An toàn số 2 thuộc Chi cục ĐTNĐ phía Bắc (Cục ĐTNĐ Việt Nam), vào hồi 12h ngày 30/10, tại khu vực Ngã ba Kèo, phương tiện Hoàng Trường 03 HP-4524 có trọng tải toàn phần là 1.099 tấn chở đá dăm đi từ hạ lưu sông Kinh Thầy về hướng sông Kinh Môn đã đâm va vào công trình kè vây thuộc Dự án WB6.

Nguyên nhân vụ tai nạn được xác định là do thuyền trưởng thiếu quan sát hệ thống báo hiệu ĐTNĐ dẫn đến đi sai luồng, phương tiện đã đâm va vào công trình kè vây làm vỡ hỏng khoảng 15m phía thượng lưu và 15m phía hạ lưu.

Trong cả 5 vụ TNGT đường thủy tại Ngã ba Kèo, nguyên nhân dẫn tới tai nạn được cơ quan chức năng chỉ ra đều do người điều khiển phương tiện thiếu quan sát, vi phạm các quy tắc giao thông dẫn tới va chạm.

Mặt khác, theo ghi nhận của PV Tạp chí GTVT, nhiều thuyền trưởng thường điều khiển phương tiện thủy lưu thông qua khu vực này thì cho rằng, dòng chảy tại Ngã ba Kèo vừa xiên, vừa xiết, đặc biệt là hệ thống kè cọc chìm dưới nước khiến người điều khiển phương tiện rất khó quan sát thấy để tránh.

Ngã ba Kèo là khu vực giao cắt giữa sông Kinh Thầy và sông Kinh Môn, cách ngã ba Kèo khoảng 200m về phía thượng lưu. Đây là kênh tắt do thực hiện Dự án WB6 nên tạo thêm 2 ngã ba và đảo nổi tại khu vực. Luồng chạy tàu qua kênh tắt cong cua, hạn chế tầm nhìn, đặc biệt là trong mùa mưa, lũ và ban đêm. Cùng với đó, dòng nước tại Ngã ba Kèo xiên, xiết, lưu tốc lớn nên phương tiện tránh nhau ở vùng nước này vốn đã khó, lại thêm hệ thống kè, cọc nên càng tăng nguy cơ xảy ra tai nạn.

Một trong những yếu tố quan trọng tiềm ẩn nguy cơ tai nạn là hai bên phía bờ là hệ thống cọc vây xung quanh đảo nổi và 5 kè mỏ hàn thấp nên thường xuyên bị ngập hoàn toàn nên phương tiện dễ vị đâm, va khi lưu thông qua đây.

z1147395196089_0fdf609b790e0e1c2b32c702402b7e21
Phương tiện khai thác cát, sỏi được cho là trong quá trình thi công cảng thủy nội địa dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Hải Dương tại Km24+500 trên sông Kinh Thầy.

Hệ thống kè, cọc WB6 có bị “uy hiếp”?

Trao đổi với Tạp chí GTVT, ông Vũ Cao Khải – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Quản lý - Bảo trì ĐTNĐ số 7 cho biết, sau 5 vụ tai nạn trong năm qua, hệ thống kè, cọc của Dự án WB6 đã bị thiệt hại rất lớn. Hệ thống cảnh báo tại khu vực này đang cho thấy sự chưa hợp lý, thậm chí là thiếu cảnh báo nên mới dẫn tới những sự việc đáng tiếc liên tục xảy ra.

z1041776057741_42a13154c109120b7b7d4d94ed1b0383
Hệ thống kè cọc khung vây bị thiệt hại sau va chạm với phương tiện.

Trung tuần tháng 10 vừa qua đã xảy ra sạt lở kè tại đảo nổi và mất phao báo hiệu hai luồng tại khu vực Ngã ba Kèo. Cụ thể, tại đảo nổi sạt lở 1 đoạn kè ốp bờ có chiều dài 40m, chiều rộng sạt lở vào phần đất phía trong đảo khoảng 5m; mất 1 phao báo hiệu 2 luồng và 1 đèn năng lượng trên phao.

Theo Công ty Quản lý - Bảo trì ĐTNĐ số 7, nguyên nhân gây sạt lở là do phương tiện tập trung khai thác cát. Đơn vị đã đề nghị các cơ quan chức năng kiểm tra, làm rõ tình trạng khai thác cát tại khu vực này. Nếu để các phương tiện tiếp tục khai thác cát như hiện nay sẽ mất TTATGT và hư hỏng công trình kè, báo hiệu tại khu vực.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, qua quá trình thanh, kiểm tra, Đội Thanh tra – An toàn số 2 thuộc Chi cục ĐTNĐ phía Bắc cho rằng, nguyên nhân gây sạt lở có thể là do cụm kè mỏ hàn phía thượng lưu bờ đối diện với khu vực lở làm thay đổi dòng chảy (cụm kè mỏ hàn thuộc địa phận xã Cộng Hòa, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương). Hoặc cũng có thể do việc nạo vét thu hồi khoáng sản (cát, sỏi) trong quá trình thi công cảng thủy nội địa dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Hải Dương tại Km24+500 sông Kinh Thầy gây ra.

z1147395230069_8b5a294429cb6e522c58ccbcf59f4639

Trong khoảng 1 năm đã xảy ra liên tiếp 5 vụ tai nạn giữa phương tiện thủy nội địa và hệ thống kè cọc khung vây (công trình đường thủy – Dự án WB6).

Đã có giải pháp nhưng chưa được triển khai

Ngã ba Kèo thực sự là một “điểm đen” TNGT đường thủy, thực tế từ đầu năm đến nay đã liên tiếp xảy ra 5 vụ TNGT đường thủy tại đây, gây thiệt hại nặng nề cho phương tiện, tài sản, tạo sự hoang mang trong quần chúng, người lái phương tiện. Đặc biệt là gây thiệt hại rất lớn đối với hệ thống kè, cọc thuộc Dự án WB6.

Với đặc thù tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn này, trong thời gian tới, rất cần sớm triển khai những giải pháp đảm bảo ATGT để kịp thời ngăn chặn những hậu quả khó lường có thể xảy ra.

Theo ông Nguyễn Văn Báu – Phó Chi cục trưởng Chi cục ĐTNĐ phía Bắc, căn cứ theo những quy định pháp luật hiện hành, thì Ngã ba Kèo đã vượt cả tiêu chí xác định điểm đen TNGT đường thủy. Vì theo quy định tại Thông tư 50/2017/TT-BGTVT thì khu vực có đồng thời từ 2 tiêu chí của điểm tiềm ẩn TNGT trở lên và xảy ra 01 vụ TNGT trở lên được xác định là điểm đen. Tức là, Ngã ba Kèo cần phải được xác định là “điểm đen” TNGT đường thủy.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Báu, với đặc thù rất khó khăn trong lưu thông đường thủy, thì Ngã ba Kèo cần được bố trí trạm điều tiết khống chế kết hợp chống va trôi trong mùa lũ, bão. Giải pháp này phù hợp theo đúng các quy định pháp luật hiện hành. Chi cục ĐTNĐ phía Bắc cũng đã đề nghị phương án đảm bảo giao thông thủy tại "điểm đen" này để Cục ĐTNĐ Việt Nam xem xét, quyết định.

Ý kiến của bạn

Bình luận