IPO DN vận tải đường sắt: Hà Nội đìu hiu, Sài Gòn cháy hàng

Doanh nghiệp 08/12/2015 06:23

Sáng 7/12, Railway Sài gòn đã chào bán thành công toàn bộ lượng cổ phiếu chào bán. Trong khi đó, phiên IPO của Railway Hà Nội dự kiến không mấy sôi động khi số lượng đặt mua chỉ tương đương 2,17% lượng chào bán.

 

IPO DN vận tải đường sắt- Hà Nội đìu h
IPO DN vận tải đường sắt: Hà Nội đìu hiu, Sài Gòn cháy hàng

Cụ thể, tại phiên IPO của Công ty TNHH Một thành viên Vận tải Đường sắt Sài Gòn (Railway Sài Gòn) diễn ra sáng ngày 07/12/2015, 100% số cổ phần đấu giá được chào bán thành công.

Tổng cộng đã có 20 nhà đầu tư cá nhân tham gia phiên đấu giá với khối lượng đặt mua 7,83 triệu cổ phiếu, vượt 8,6% so với lượng cổ phần chào bán. Đáng chú ý, trong phiên đấu giá này, đã có một nhà đầu tư cá nhân đăng ký mua vào toàn bộ lượng cổ phiếu phát hành.

Kết quả là, 20 NĐT đã trở thành cổ đông của Railway Sài Gòn với giá bình quân 10.016 đồng/cổ phiếu, tương đương lượng tiền thu về 72,2 tỷ đồng.

Cùng ngày, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội cũng vừa thông báo kết quả đăng ký mua cổ phần của Công ty TNHH MTV Vận tải đường sắt Hà Nội (Railway Hà Nội). Khối lượng cổ phiếu được đăng ký mua lại gây thất vọng, tương đương 2,17% lượng chào bán.

Cụ thể, đã có 10 NĐT nộp đơn đăng ký mua cổ phần với khối lượng chỉ vỏn vẹn 247.000 cổ phần, trong khi lượng cổ phần đấu giá lên tới 11,38 triệu đơn vị. Phiên IPO doanh nghiệp vận tải đường sắt này sẽ được diễn ra vào 10/12/2015.

Dự kiến sau cổ phần hóa, Railway Sài Gòn sẽ vốn điều lệ 503 tỷ đồng, trong khi đó vốn điều lệ tại Railway Hà Nội là hơn 800 tỷ đồng. Theo kế hoạch, Bộ GTVT sẽ cùng nắm giữ 60% vốn điều lệ của hai DN này sau cổ phần hóa. Ngoài ra, hai DN sẽ bán cho NĐT hơn 14% cổ phần, bán ra công chúng hơn 14% vốn.

Công ty TNHH MTV Vận tải đường sắt Hà No
Cơ cấu cổ đông dự kiến sau cổ phần hóa của Railway SG - Railway HN

Với quy mô vốn điều lệ thấp hơn, doanh thu và lợi nhuận của Railway Sài Gòn đều thấp hơn Railway Hà Nội. Trong năm 2014, trong khi Railway Hà Nội lãi 165 tỷ đồng thì Railway Sài Gòn lỗ hơn 7 tỷ đồng dù doanh thu tăng.

Các tuyến đường sắt Railway Hà Nội tổ chức chạy tàu gồm tuyến địa phương (từ Hà Nội tới Hải Phòng, Đồng Đăng, Lào Cai, Quán Triều, Hạ Long) và tuyến thống nhất xuất phát từ Hà Nội. Trong khi Railway Sài Gòn chạy tuyến thống nhất từ Tp.HCM.

Sau cổ phần hóa, Railway Sài Gòn được sử dụng quỹ đất có diện tích hơn 40.341,2 (16 khu đất). Railway Hà Nội sử dụng 18 khu đất với diện tích 60.274m2. Các khu đất này chủ yếu là văn phòng, chi nhánh, nhà lưu trú, nhà để xe.

Railway Sài gòn cũng đang quản lý khu đất 5.625 m2 Khách sạn FaiFo - Đà Nẵng (số 200 đường Hải Phòng, P.Tân Chính) theo hình thức thuê đất trả tiền hàng năm. Thời hạn thuê đất đến hết ngày 6/8/2018 và có được gia hạn thời gian sử dụng.

Ý kiến của bạn

Bình luận