Hyundai muốn biến công nhân sản xuất xe trong nhà máy thành siêu nhân robot!

Tác giả: zing

saosaosaosaosao
Ứng dụng 08/09/2019 17:14

Khi mặc bộ thiết bị lao động có tên gọi Vest EXoskeleton (VEX) do tập đoàn Hyundai phát triển, các công nhân trong dây chuyền sản xuất xe sẽ mất ít sức lực hơn.

xedoisong_hyundai_robotics_vex_1_zadv

Tập đoàn Hyundai mới đây đã giới thiệu một thiết bị lao động có tên gọi Vest EXoskeleton (VEX). Giống như bao thiết bị hỗ trợ lao động khác, VEX cũng được tạo ra để giảm bớt các gánh nặng về sức mạnh cũng như hạn chế thao tác và di chuyển. Nhờ đó, sự mệt mỏi của người lao động cũng vì thế mà giảm đi đáng kể. Với kiểu dáng như một chiếc balo đeo sau lưng, thiết bị này có trọng lượng chỉ 2,5kg. Theo tuyên bố từ nhà sản xuất, VEX nhẹ hơn 22-41% so với các sản phẩm cùng loại. 

Cách sử dụng VEX cũng rất dễ dàng. Người dùng chỉ việc khoác lên lưng và luồn tay qua phần quai, sau đó thắt chặt nút ở trên ngực và eo lại để cố định. Không những vậy, phần phía sau cho phép điều chỉnh độ cao, tối đa 18cm. Vì vậy, thiết bị này có thể được sử dụng bởi nhiều người có sự khác biệt lớn về kích thước cơ thể. Tất nhiên, họ cũng có thể thay đổi mức trợ lực với 6 cấp độ khác nhau, tối đa 54 Newton. DongJin Hyun – người đứng đầu bộ phận Robotics của Hyundai Motor Group cho biết VEX được thiết kế để chuyên hỗ trợ người lao động với các thao tác chủ yếu được thực hiện ở trên đầu. Ví dụ như những người phụ trách công việc bắt vít bề mặt bên dưới của một chiếc xe, lắp đặt các ống dây phanh hay hệ thống ống xả. Và với trọng lượng chỉ 2,5kg, gánh nặng mà họ mang trên mình khi đeo VEX cũng không quá lớn.

xedoisong_hyundai_robotics_vex_2_mmnr

 Được biết, VEX đã trải qua một đợt thử nghiệm tại hai nhà máy của Hyundai ở Mỹ. Kết quả đem lại là rất khả quan khi năng suất làm việc của các công nhân cũng như toàn bộ nhà máy đều được cải thiện. Thế nên, không ngạc nhiên khi Hyundai đang cân nhắc kế hoạch sử dụng đại trà VEX tại mọi nhà máy của tập đoàn này trên toàn thế giới. 

VEX có thể được thương mại hóa kể từ tháng 12 năm nay với giá thành thấp hơn 30% so với các sản phẩm hiện hành. Hyundai cho biết, một thiết bị như vậy thường có giá lên tới 5000 USD (khoảng 116 triệu đồng). Như vậy, chi phí cho một bộ VEX vào khoảng 3500 USD (hơn 80 triệu đồng).

 Cũng theo tiết lộ từ tập đoàn xe hơi Hàn Quốc, VEX sẽ không phải là công cụ trợ năng duy nhất được thương mại hóa. Bởi ngoài VEX, Hyundai sẽ tung ra một loạt hệ thống tương tự dựa trên công nghệ rô-bốt và trọng lượng nhẹ. Trong đó có Chairless EXoskeleton (CEX) – một công cụ cho phép các công nhân duy trì tư thế ngồi mà không cần tới ghế. Không chỉ sở hữu cân nặng cực thấp (1,6kg), CEX còn có sức mạnh vô song khi có thể chịu được trọng lượng lên tới 150kg. 

Giống như VEX, các dây đai ở eo, đùi và đầu gối của CEX cũng có thể được điều chỉnh để tương thích với nhiều khổ người. Ngoài ra, người dùng có thể thay đổi CEX theo ba góc nghiêng, cụ thể là 85, 70 và 55 độ. Với việc giảm thiểu được tới 40% các hoạt động ở vùng lưng và thân dưới, những công nhân được hỗ trợ bởi thiết bị này chắc chắn sẽ vơi đi đáng kể sự mệt mỏi. Cùng với đó, hiệu quả làm việc cũng sẽ tăng lên.  

Cùng với VEX và CEX, Hyundai còn đang dành nguồn lực cho các các chương trình khác có liên quan đến công nghệ rô-bốt. Đó là Hotel Service Robot, Sales Service Robot hay Electric Vehicle Charging Manipulator. Tất cả đều hướng đến một tương lai, nơi mà con người không còn phải trực tiếp động tay vào quá nhiều thứ như trước nữa.  

Theo số liệu từ Liên đoàn Rô-bốt quốc tế IFR, ngành công nghiệp thiết bị đeo rô-bốt đạt mức tăng trưởng hàng năm khoảng 14%. Con số này được cho là sẽ tăng lên trong thời gian tới. Đến năm 2021, sẽ khoảng 630.000 thiết bị rô-bốt được bán ra trên toàn cầu. Trong đó, nhu cầu chủ yếu đến từ lĩnh vực sản xuất ô tô. Còn trong năm 2017, đã có khoảng 126.000 thiết bị được cung cấp cho khu vực này, chiếm 33% tổng số rô-bốt được thương mại hóa. 

Những con số chỉ ra rằng đây là một lĩnh vực rất giàu tiềm năng. Vì vậy, không ngạc nhiên khi tập đoàn Hyundai đang đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ rô-bốt. 

Ý kiến của bạn

Bình luận