Hơn nghìn tàu cá ở Bà Rịa - Vũng Tàu nằm bờ vì thua lỗ

Doanh nghiệp 25/10/2018 14:44

Giá dầu tăng cao, thiếu người làm công, hải sản bắt được giảm khiến các tàu cá xa bờ phải nằm bờ dù đang vào vụ cá cuối năm.

 

Hơn nghìn tàu cá ở Bà Rịa - Vũng Tàu nằm bờ vì thu
Đôi tàu lưới kéo hơn 800 CV của ông Nguyễn Văn Minh ở cảng Phước Tỉnh. Ảnh: Nguyễn Khoa.

Ngày 24/10, tàu cá của ông Nguyễn Văn Minh (huyện Long Điền, Bà Rịa - Vũng Tàu) cập cảng Phước Tỉnh sau chuyến đánh bắt kéo dài hơn 3 tháng. Ông thở dài thườn thượt khi số tôm, cá, ghẹ, mực bắt được bán chỉ hơn 1,7 tỷ đồng, nhẩm tính sơ sơ chuyến này ông lỗ mấy chục triệu đồng tiền nước đá.

Tàu ông có 12 người. Trước khi xuất bến, họ phải được ứng trước tiền công, đó là luật bất thành văn. Ông Minh phải vay ngân hàng 300 triệu đồng để trang trải ban đầu cho chuyến đi. 

"Nặng nhất vẫn là tiền dầu, riêng chuyến này tiêu tốn hết 93.000 lít và từ đầu năm đến giờ dầu đã tăng hơn 3.000 đồng mỗi lít khiến chi phí đội lên quá cao", ông nói và cho biết, hải sản bắt được giá bán không tăng.

Ông bỏ ngỏ câu trả lời tiếp tục ra khơi đánh bắt chuyến biển cuối cùng của năm vì khả năng tiếp tục bị thua lỗ rất lớn. "Tàu nằm bờ đồng nghĩa gia đình các bạn ghe sẽ rất khó khăn", ông Minh chia sẻ.

Ở cảng cá Phước Tỉnh, hàng trăm tàu xa bờ xếp hàng dài dọc theo các ụ tàu dài hơn một km. Ông Phan Văn Long để đôi tàu lưới kéo nằm bờ sau nhiều chuyến đi thua lỗ hàng trăm triệu đồng. 

"Năm nay sản lượng đánh bắt suy giảm dẫn đến tiền chia cho bạn ghe rất thấp. Mỗi chuyến đi ròng rã 3 tháng, mỗi người được chia chưa tới 10 triệu đồng. Họ lên bờ chuyển sang làm công việc khác đỡ vất vả, thu nhập ổn định", ông Long cho hay.

Xã Phước Tỉnh có gần 1.000 tàu đánh bắt xa bờ và hiện có gần 200 tàu lưới kéo đang nằm bờ. Còn ở thành phố Vũng Tàu và các địa phương khác trong tỉnh, hàng trăm chủ tàu đang nghe ngóng tình hình đánh bắt của các tàu ngoài khơi.  

Ông Lê Tòng Văn, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, ngoài giá nhiên liệu, tỷ lệ cơ giới hóa trên các tàu cá trong tỉnh rất thấp nên phải cần nhiều lao động. Người làm bây giờ tìm đã khó còn phải ứng tiền công trước, nhiều chủ tàu sẽ không kham nổi, buộc phải nằm bờ.  

"Bà con ngư dân nên cơ giới hóa để giảm sức lao động và chú trọng bảo quản sau đánh bắt để hải sản bán được giá, đắp đổi chi phí chuyến đi. Đồng thời, bà con phải trang bị những thiết bị dò tìm nguồn cá để tránh tình trạng đánh bắt hên xui, rủi ro rất cao như hiện nay", ông Văn nói.

Ý kiến của bạn

Bình luận