Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC 2017:Ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng

Chính trị 22/10/2017 06:57

Đầu tư dài hạn cho cơ sở hạ tầng là một trong bốn ưu tiên được các đại biểu APEC tập trung thảo luận tại Hội nghị Bộ trưởng tài chính APEC 2017 diễn ra tại TP Hội An (Quảng Nam) ngày 21/10

apec 1
Bộ trưởng Tài chính VN Đinh Tiến Dũng cùng 21 Bộ trưởng các nước thành viên họp báo thông báo kết quả hội nghị Bộ trưởng Tài chính (FMM) APEC 2017 tại Hội An ngày 21/10

Trước thực tế các nền kinh tế đang nỗ lực củng cố tài khóa, tiết kiệm chi tiêu nhằm cắt giảm thâm hụt ngân sách, việc tìm kiếm các giải pháp tài chính cho cơ sở hạ tầng là vấn đề cốt lõi để giải quyết "nút thắt" trong bài toán cơ sở hạ tầng. Chính vì lẽ đó, việc phát triển cơ sở hạ tầng tiếp tục là chủ đề được đặc biệt quan tâm trong hợp tác APEC, không chỉ đối với các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi với nhu cầu rất cao về phát triển cơ sở hạ tầng mà cả những nền kinh tế lớn trên thế giới và các tổ chức tài chính quốc tế như: Ngân hàng thế giới (WB), Ngân hàng phát triển châu Á (ADB)... 

Theo các đại biểu tham dự Hội nghị Bộ trưởng tài chính APEC, đầu tư cơ sở hạ tầng là chủ đề đặc biệt quan trọng được các nền kinh tế thành viên APEC theo đuổi từ năm 2013 đến nay với những đề xuất, sáng kiến. Tuy nhiên, việc đầu tư cũng đặt ra nhiều thách thức, phát sinh rủi ro. Nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương được dự báo là rất lớn. Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) dự kiến trong giai đoạn 2015 – 2020, tổng nhu cầu cơ sở hạ tầng của khu vực có thể lên tới 8.000 tỷ USD.

Tại hội nghị, Bộ trưởng của 21 nước thành viên đã họp bàn và đi đến thống nhất, việc quản lý nguồn lực của nhà nước (tài chính công) một cách có hiệu quả, phân bổ một cách hợp lý thì vấn đề phát huy nguồn lực của khu vực tư nhân, đặc biệt là các Quỹ đầu tư, bảo hiểm .. đối với tài chính dài hạn cho cơ sở hạ tầng cũng là một nội dung quan trọng. Ông David Malpass, Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ cũng cho rằng cần phải đầu tư nhiều hơn cho cơ sở hạ tầng và có sự tham gia của nhà nước và tư nhân. Có rất nhiều dự án cơ sở hạ tầng chỉ được khối tư nhân xây dựng, nhưng đã góp phần đem lại hiệu quả kinh tế cho nhà nước và người dân cũng được hưởng lợi. 

Tại Việt Nam, các dự án PPP chủ yếu là giao thông đường bộ và nhà máy nhiệt điện theo hình thức hợp đồng BOT. Hầu hết các dự án áp dụng cơ chế chỉ định nhà đầu tư thực hiện dự án. Theo thống kê thì tính đến tháng 5/2016, Bộ Giao thông Vận tải đã ký 58 hợp đồng BOT với tổng mức đầu tư khoảng 170.355 tỷ đồng, tổng chiều dài khoảng 1.700 Km; hoàn thành và đưa vào vận hành 23 dự án với tổng mức đầu tư là 69.987 tỷ đồng; 35 dự án đang trong giai đoạn thực hiện đầu tư. Chính phủ ban hành danh mục 19 dự án nhà máy nhiệt điện đầu tư theo hình thức BOT với tổng công suất khoảng 25.000 MW. 

Bộ Tài chính đánh giá, hình thức hợp đồng BOT đã được áp dụng khá lâu ở Việt Nam, song xây dựng một cơ chế chia sẻ rủi ro hợp lý trong các hợp đồng BOT chưa được các cơ quan quản lý nhà nước chú trọng, ngoại trừ các dự án BOT nhiệt điện. Về phía cơ quan nhà nước có thẩm quyền vẫn có tư tưởng đẩy rủi ro cho nhà đầu tư... 

Theo ông Angel Gurria, Tổng thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), trong lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng và tài trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, việc các Chính phủ đầu tư vào lĩnh vực này với cách thức đầu tư phù hợp chính là chìa khóa để thúc đẩy tăng trưởng trong tương lai bởi đầu tư chính là yếu tố quyết định mức tăng trưởng, tăng cường năng suất nhằm nâng cao tính cạnh tranh. Do đó, việc phát triển cơ sở vật chất rất cần sự chú trọng đặc biệt. Ông Angel Gurria cũng cho rằng không nên chỉ chú trọng vào phát triển cơ sở vật chất “hữu hình” như cầu đường, cao tốc, cầu cảng và sân bay mà còn phải tập trung vào những loại hình cơ sở vật chất “vô hình” như giáo dục, nâng cao kỹ năng và tạo một môi trường pháp lý tốt, linh hoạt hơn. Như vậy, có thể nói rằng khía cạnh cơ sở vật chất “hữu hình” và “vô hình” là quan trọng ngang nhau. Ngoài việc tập trung vào phát triển cơ sở vật chất “vô hình”, sự trao đổi kinh nghiệm giữa các quốc gia cũng đang được tích cực triển khai, đi kèm với sự trao đổi về mặt chính sách trong vấn đề quản lý cũng như tài trợ đầu tư vào cơ sở vật chất…

 Thời gian qua, nhiều nhà đầu tư nước ngoài cho rằng thị trường PPP ở Việt Nam chưa phát triển, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vì vậy, họ đề nghị Chính phủ nghiên cứu, cho phép áp dụng nhiều hình thức bảo lãnh để chia sẻ rủi ro cho các nhà đầu tư như: cơ chế bảo lãnh doanh thu tối thiểu, bảo lãnh tỷ giá hối đoái, bảo đảm chuyển đổi ngoại tệ. 

Tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2017 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2017, Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương và địa phương sửa đổi, bổ sung các Nghị định liên quan đến công tác đấu thầu và PPP, nghiên cứu trình Quốc hội Luật đầu tư theo hình thức PPP. Đề cập vấn đề này, Bộ Tài chính cho rằng, việc nghiên cứu xây dựng cơ chế chia sẻ rủi ro hợp lý giữa nhà nước và tư nhân để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên, phù hợp với bối cảnh của Việt Nam thì cần sửa đổi Nghị định số 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức PPP. 

Cụ thể, khu vực nhà nước chịu trách nhiệm giải quyết 4 rủi ro, đó là rủi ro liên quan đến thay đổi chính sách, chính trị; rủi ro liên quan đến giải phóng mặt bằng, tái định cư; rủi ro bất khả kháng liên quan đến thiên tai, địch họa; rủi ro liên quan đến bảo đảm chuyển đổi ngoại tệ (bảo đảm chuyển đổi ngoại tệ là đòi hỏi chính đáng của nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài). Khu vực tư nhân chịu trách nhiệm giải quyết các rủi ro về thiết kế, xây dựng, huy động nguồn vốn đầu tư cũng như rủi ro liên quan đến doanh thu và tỷ giá hối đoái.

Hội nghị Bộ trưởng Tài chính (FMM) APEC 2017 lần này đã đưa ra những giải pháp khắc phục này là tiếp nối từ năm 2015, Philippines cũng đã đưa chủ đề phát triển cơ sở hạ tầng thành một trong bốn trụ cột của Kế hoạch hành động Cebu, tập trung vào các mục tiêu thu hút nguồn vốn đầu tư của khu vực tư nhân thông qua các dự án theo hình thức hợp tác công tư (PPP), huy động nguồn tài trợ dài hạn dành cho cơ sở hạ tầng, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng và khởi động các công cụ dài hạn hỗ trợ cho đầu tư dài hạn và tăng cường cơ sở hạ tầng toàn diện cho Phát triển đô thị và Kết nối khu vực. Trong năm 2016, Peru cũng đã đưa chủ đề phát triển cơ sở hạ tầng vào chương trình ưu tiên thảo luận APEC. Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, tại Hội nghị lần này, đầu tư cơ sở hạ tầng là chủ đề được các nền kinh tế rất quan tâm. Các đại biểu từ các nền kinh tế thành viên đã nhấn mạnh yêu cầu phải phát triển cơ sở hạ tầng theo tinh thần chất lượng cao và bền vững. Đồng thời, phải đa dạng hóa nguồn lực để đảm bảo nhu cầu tài chính dài hạn cho cơ sở hạ tầng.

Ý kiến của bạn

Bình luận