Học viện Hàng không Việt Nam phải xác định hướng đi cụ thể

Tác giả: Văn Quyết

saosaosaosaosao
Đào tạo 27/06/2016 14:41

Đó là ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa tại buổi làm việc với Học viện Hàng không Việt Nam, sáng 27/6.

h1
Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa phát biểu, chủ trì buổi làm việc.

Sáng 27/6, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa dẫn đầu đoàn công táccủa Bộ GTVT đến thăm và làm việc tại Học viện Hàng không Việt Nam. Báo cáo về tình hình hoạt động của học viện với Bộ trưởng, bà Nguyễn Thị Hải Hằng, Giám đốc Học viện Hàng không Việt Nam TP.HCM cho biết: “Hiện nay học viện đang tập trung toàn bộ nhân lực để đào tạo nghiệp vụ hàng không, sắp tới sẽ được phê chuẩn cơ sở đào tạo thợ kiểm soát tàu bay… Ngoài ra, Học viện cũng đang hợp tác với các doanh nghiệp để mở hướng đi mới. Công tác nghiên cứu khoa học còn nhiều hạn chế, bởi nguồn lực chưa thực sự mạnh, chưa có nhiều chuyên gia. Hầu như phụ thuộc vào các đề tài của Bộ GTVT và Bộ Tài nguyên và Môi trường. Hiện nhà trường đang manh nha đầu tư nghiên cứu về lĩnh vực này".

Cơ sở vật chất, trang thiết bị của học viên chưa phù hợp với sự phát triển, nhân lực hiện tại của nhà trường chỉ có 14 tiến sĩ, thiếu giảng viên, giáo viên chuyên ngành, thiếu cán bộ quản lý có chuyên môn, trình độ phù hợp, không có cơ chế thu hút, phát triển nhân lực chất lượng cao dẫn đến việc chương trình đào tạo chuyên sâu về hàng không, công tác xây dựng chương trình đào tạo gặp nhiều khó khăn.

h2
Bà Nguyễn Thị Hải Hằng, Giám đốc Học viện Hàng không Việt Nam TP.HCM báo cáo về tình hình hoạt động của hoc viện cho Bộ trưởng.

Bà Hằng kiến nghị Bộ GTVT sớm có chỉ đạo về định hướng mô hình hoạt động để Học viện sớm ổn định và phát triển. Cho phép các doanh nghiệp hỗ trợ, đầu tư kinh phí cho Học viện mua sắm trang thiết bị đào tạo, các chương trình đào tạo chuyên ngành và đào tạo lực lượng giảng viên, giáo viên chuyên ngành. Đưa nội dung tài trợ của các dự án đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực hàng không như một phần không tách rời của các dự án và tạo điều kiện để học viện được tiếp nhận một phần trong các khoản tài trợ này để tạo dựng năng lực đào tạo cơ bản lâu dài trong từng mảng chuyên môn tương ứng của các dự án.

Đồng thời, Bộ GTVT có ý kiến với Bộ Giáo dục và Đào tạo về cách xác định giảng viên, giáo viên cơ hữu với lực lượng giảng viên đang là chuyên gia công tác trong ngành hàng không. Bộ GTVT và Cục Hàng không Việt Nam hỗ trợ Học viện trong việc tham gia vào tổ chức đào tạo hàng không quốc tế Trainair Plus – ICAO.

Ông Đỗ Văn Quốc, Vụ trưởng Vụ Tài chính Bộ GTVT cho biết: “Việc gắn kết giữa học viện với các doanh nghiệp hàng không chưa được đẩy mạnh và chặt chẽ, Học viện phải xác định để gắn quyền lợi giữa Học viện với các doanh nghiệp. Sử dụng cơ sở của các doanh nghiệp hàng không để đào tạo bởi khoa học công nghệ thay đổi liên tục và vốn đầu tư rất lớn. Học viện cần phải phát huy thế mạnh bởi trường gắn bó với ngành hàng không, thị trường ngành hàng không ngày càng phát triển và tiềm năng. Học viện cần nâng cao chất lượng đào tạo để đáp ứng được thị trường yêu cầu”.

h3
Ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam: đào tạo gắn với doanh nghiệp

Đánh giá về chương trình đào tạo của Học viện Hàng không Việt Nam, ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết: “Học viện cần xác định chương trình đào tạo đúng chuyên ngành, không nhất thiết phải đào tạo Đại học, Cao đẳng về hàng không. Chỉ cần đào tạo nghề gắn chặt với các doanh nghiệp, học viện rất có thế mạnh nếu cổ phần hóa, bởi lợi thế về mặt thị trường rất lớn”.

Trước những kiến nghị của Học viện Hàng không Việt Nam, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa yêu cầu học viện tính toán, quyết định việc cổ phần hóa và có sự chuẩn bị phương án tiếp cận để có hướng đi đúng đắn và cụ thể; từ đó, nhà trường  đặt ra định hướng và bảo vệ hướng đi cho phù hợp. Học viện cần phải duy trì tốt việc đào tạo nghề và chuyên ngành về hàng không. Cục Hàng không Việt Nam cần quan tâm, nêu rõ yêu cầu tuyển chọn về nhu cầu thị trường lao động để Học viện định hướng, xác định được chương trình đào tạo.

h4
Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa yêu cầu Học viện Hàng không Việt Nam cần phải xác định hướng đi cụ thể.

Bộ trưởng đề nghị vẫn tiếp tục triển khai mô hình và tiến độ đang thực hiện nhưng cần lưu ý khi cổ phần hóa Học viện phải xác định nên làm gì và phải tiếp cận mô hình mới sao cho phù hợp. Chương trình đào tạo của học viện cần phải nâng cao chất lượng chuyên môn.

Nhà trường phải xác định rõ ràng việc cổ phần hóa không thể dừng được, cần phải tiếp tục triển khai trên cơ sở đánh giá, nhìn lại thực lực của Học viện. Nếu không đầu tư nâng cấp lên thì sẽ rất khó khăn cho việc phát triển và tiếp cận thị trường. Các đơn vị hàng không đều thuộc Bộ GTVT đây là thế mạnh để Học viện tiếp cận. Bộ sẽ giúp đỡ và hỗ trợ nhà trường tối đa để tiến hành cổ phần hóa, Bộ trưởng khẳng định.

h5
Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa chụp hình lưu niệm với Ban lãnh đạo Học viện Hàng không Việt Nam TP.HCM.
Ý kiến của bạn

Bình luận