Học sinh Nhật bị trừ điểm vì không dùng thước kẻ phân số

30/04/2019 15:55

Bức ảnh chụp bài kiểm tra môn Toán của học sinh Nhật Bản và lời phê của cô giáo đã gây ý kiến trái chiều.

buc-anh-8484-1556445706
Bức ảnh chụp bài kiểm tra gây tranh cãi. Ảnh: sashishi_EN

Một ông bố người Nhật chia sẻ hình ảnh bài kiểm tra môn Toán của con gái trên mạng xã hội Twitter ngày 25/4 kèm bình luận: "Có phải cô giáo đang đùa? Con gái tôi cần cẩn trọng gì vậy?". Bức ảnh nhận được hơn 68.000 lượt like và gần 40.000 lượt tweet.

Bức ảnh cho thấy bài kiểm tra của con gái anh có nội dung như sau: "Chúng ta cần 2/8 lít sữa để làm bánh rán và 5/8 lít sữa để làm bánh pudding. Hỏi tổng số lít sữa cần dùng để làm cả hai loại bánh là bao nhiêu?".

Cô bé đã thực hiện phép tính là: 2/8 + 5/8 = 7/8. Ở phía dưới, em điền đáp án là 7/8. Dù kết quả chính xác, bài làm sạch sẽ, nhưng cô giáo vẫn đánh dấu bài làm, kèm lời nhắc nhở: "Hãy sử dụng thước kẻ".

Theo lời phê, cô giáo yêu cầu học sinh phải dùng thước để kẻ đường phân số. Cô bé bị trừ điểm vì dòng kẻ giữa phân số không thẳng. 

Bài đăng của ông bố Nhật Bản đã gây ý kiến trái chiều. Một số người không đồng tình với cách chấm điểm của cô giáo. Tài khoản @HPQ_Vega cho rằng đây rõ ràng là phương pháp giáo dục tồi. Học sinh sẽ phải dành nhiều thời gian vào việc kẻ đường thẳng thay vì tính toán. Việc mỗi lần viết một phân số lại phải dùng thước sẽ mất nhiều thời gian và cô bé có thể không kịp hoàn thành bài.

Có người khuyên cha cô bé nên gọi điện đến trường để phản ánh sự việc vì không muốn chứng kiến nỗ lực của con gái được đáp lại như vậy.

Ngược lại, một số người đứng về phía giáo viên, cho rằng đề bài không yêu cầu học sinh sử dụng thước kẻ, nhưng có thể cô giáo đã nhắc nhở từ trước. Tài khoản @Cauitie phân tích: "Bạn có thể thấy nhận xét này khá độc đoán nhưng thực tế cô giáo đang dạy cho trẻ tầm quan trọng của sự lắng nghe và làm theo chỉ dẫn".

Sau đó, bố của nữ sinh chỉ ra dòng chữ "hãy sử dụng thước kẻ" là lời phê của giáo viên, còn các phân số màu đỏ là do con gái anh làm lại. Điều này cho thấy cô bé đã biết rút kinh nghiệm và sửa chữa lỗi lầm của mình ngay cả khi mọi người cho rằng em không làm gì sai.

Ý kiến của bạn

Bình luận