Hoạt động tín ngưỡng đang trở thành thị trường?

Tác giả: bizlive

saosaosaosaosao
Doanh nghiệp 18/02/2019 06:42

Việc tùy tiện quy định giá cả hay ồ ạt dâng sao giải hạn đều là biến tướng của tín ngưỡng

chua-phuc-khanh_crws

Biển người đổ về Chùa Phúc Khánh để dâng sao giải hạn.

Câu chuyện Chùa Phúc Khánh, Hà Nội từ chối làm lễ dâng sao giải hạn cho một người dân chỉ vì họ thiếu 50 nghìn đồng đang làm nóng dư luận.

Nhiều câu hỏi đặt ra, việc một cơ sở thờ tự như Chùa Phúc Khánh tự đưa ra mức tiền về lễ dâng sao giải hạn đã đúng với quy định của pháp luật? Cửa chùa là nơi cầu an, việc dâng sao giải hạn được “làm giá” đã vô tình biến chốn linh thiêng thành nơi “mua bán” tầm thường?

Về vấn đề này, trao đổi với báo chí, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam - cho rằng, Phật giáo có triết lý “Phật tại tâm”. Không có quy định cụ thể nào về việc đi lễ bao nhiêu tiền mà tùy từng người, từng hoàn cảnh điều kiện của họ.

“Chuyện Chùa Phúc Khánh có quy định như thế có thể không vi phạm quy định của pháp luật nhưng về tinh thần Phật giáo là không nên, không đúng tinh thần Phật giáo. Mọi sinh hoạt tín ngưỡng đều phải duy trì đúng tinh thần”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.

chua-phuc-khanh-2_lhip

Mới đây, một người dân đã bị từ chối giải hạn vì thiếu 50.000 đồng. Ảnh: Tuấn Trần 

Thực tế, việc chùa Phúc Khánh và nhiều cơ sở thờ tự khác ở Hà Nội hay nhiều địa phương khác trên cả nước quy định các mức giá về dâng sao giải hạn đã tồn tại nhiều năm nay. Đã có những phản ánh bức xúc từ người dân, tuy nhiên gần như chưa có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng. Đây có phải là thực trạng buông lỏng quản lý?

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, lâu nay, cơ quan quản lý vẫn có những quy định. Tuy nhiên, quy định chung đó lại chưa phù hợp với từng cơ sở thờ tự, vì thế giải pháp hiện tại là họ để cho các cơ sở thờ tự tự đưa ra quy định riêng.

“Tuy nhiên, kể cả những quy định của pháp luật đôi khi cũng không rõ ràng, dẫn đến câu chuyện là một số cơ sở thờ tự phải tự đặt ra quy định riêng. Họ phải tự đặt ra chế tài xử lý và cơ quan quản lý rất khó để xác định xem chế tài đó có trái với quy định của pháp luật hay không”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho biết.

Theo ông, dâng sao giải hạn là nhu cầu rất lớn trong xã hội Việt Nam hiện nay. Ở nhiều cửa chùa, chúng ta dễ dàng bắt gặp cảnh dâng sao giải hạn. Thế nhưng, thực tế, đây không phải là hoạt động tín ngưỡng của Phật giáo. Đạo phật chỉ có lễ cầu an.

Vì thế, hiện tượng dâng sao giải hạn đang bị đẩy đi quá xa, biến tướng sang mê tín dị đoan gây bức xúc xã hội. Một số người nhân danh tín ngưỡng để kiếm tiền, trục lợi.

Thực trạng này khá phổ biến hiện nay. Vì thế, xã hội cần có sự chung tay của nhiều lực lượng, từ cơ quan quản lý đến báo chí truyền thông, người dân phải cùng nâng cao ý thức để đẩy lùi những biến tướng lễ hội.

dangsaogiaihan_pxvk

Cảnh chen chúc trước cổng chùa Phúc Khánh, Hà Nội vào những ngày dâng sao giải hạn đầu năm.  

Cần trả lại đúng bản chất tinh thần phật giáo, nghĩa là dâng sao giải hạn chỉ để cầu bình an, có thêm niềm tin vào cuộc sống. Không có thánh thần hay thế lực siêu nhiên nào có thể giúp người ta mà tất cả đều phải do con người tạo ra.

Ra giá dâng sao giải hạn hay “làm tiền” dưới bất kỳ một hình thức nào trước cửa chùa đều là những biến tướng nguy hiểm, biến tôn giáo trở thành một thị trường, trong đó mọi nghi lễ đều được quy ra tiền.

Tất cả những điều này đều mâu thuẫn và đi ngược với tinh thần của bất cứ một tôn giáo nào chứ không chỉ riêng Phật giáo.

Ý kiến của bạn

Bình luận