Hoàng Sa và những chuyện chưa kể

Tác giả: Khánh Hà

saosaosaosaosao
20/06/2015 07:37

Được tác nghiệp tại vùng biển Hoàng Sa là niềm vinh dự lớn trong đời những người làm báo chúng tôi khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD - 981 tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Sát cánh cùng những chiến sỹ cảnh sát Biển (CSB), lực lượng Kiểm ngư (KN), ngoài chúng tôi còn cả những nhà báo quốc tế, không quản hiểm nguy, gian khổ để đưa những thông tin chân thực nhất về công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng mà nhân dân Việt Nam đã và đang ngày đêm thực hiện.

Untitled
Phóng viên tác nghiệp ngoài Hoàng Sa

Những nhà báo quốc tế nặng tình

Tôi là một trong những hơn 40 nhà báo may mắn có mặt tại khu vực Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD - 981 tại vùng đặc quyền kinh tế thuộc khu vực quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc đã dùng vũ lực để chiếm đóng và chứng kiến khoảnh khắc Trung Quốc rút giàn khoan di chuyển về phía đảo Hải Nam. Bản thân tôi là phóng viên đầu tiên và duy nhất của ngành GTVT có mặt tại điểm nóng lúc bấy giờ. Trước chuyến đi, tôi đã được tòa soạn trang bị một số trang, thiết bị đặc biệt, ví dụ như điện thoại vệ tinh (thuê với giá 20 USD/ngày, cước điện thoại giao động từ 50 - 70 ngàn đồng/phút) để cập nhật thông tin nóng hổi về tòa soạn.

Đêm ngày 16/7, sau một ngày đuổi nhau trên biển, nhiều câu hỏi được đặt ra, liệu giàn khoan có di dời để tránh bão hay tiếp tục di chuyển ra vị trí mới? Tất cả mọi tình huống đều được đặt ra. 21h đêm trên tàu, các phóng viên Việt Cường (VOV), Giang Huy (Báo Lao động) và tôi đều chú tâm theo dõi từng động tĩnh từ phía Trung Quốc. 23h, giàn khoan HD - 981 và hệ thống các tàu yểm trợ xếp đội hình gần giống với hình chữ Nhân (λ) di chuyển với tốc độ rất chậm về phía đảo Hải Nam. Đến 5h sáng, khi biết chắc giàn khoan HD - 981 đã rời về phía đảo Hải Nam, tôi liền điện thoại về tòa soạn thông báo giàn khoan rút khỏi vùng biển Việt Nam. Báo Giao thông - tờ báo Ngành cũng là tờ báo đầu tiên đã đăng tin này.

Trước khi tàu xuất phát từ Đà Nẵng, tôi được Thượng tá Đinh Quốc Ruân - Chủ nhiệm Chính trị vùng 3 Hải quân “nắn gân”: Chuyến đi này vất vả hơn nhiều so với các chuyến đi khác, biển động, sóng to gió lớn, nếu ai thấy không đủ sức khỏe có thể xin ở lại bờ.

Mặc dù ra biển trong lúc cơn bão số 2 vừa gây thiệt hại nặng nề tại Philippines và đang tiến vào vùng biển Việt Nam, nhưng anh em phóng viên chúng tôi đã xác định ngay từ khi ở nhà rằng ra biển để chứng kiến, để chia sẻ cùng các chiến sỹ CSB, lực lượng KN và bà con ngư dân đang kiên trì bám biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo. Tôi tươi cười đáp lại Thượng tá Ruân: “Dù chưa đi biển lần nào, dù có thể bị say sóng nhưng tụi em đã xác định rồi, quyết tâm không bỏ cuộc đâu anh”. Thượng tá Ruân cười hiền khô, các đồng chí có mặt cùng anh em chiến sỹ CSB, KN đã thể hiện ý chí đấu tranh bảo vệ chủ quyền bằng hòa bình của Nhà nước ta rồi. Đây là điều quan trọng nhất mà mỗi chiến sỹ, mỗi nhân viên và các ngư dân khi bước xuống tàu để đấu tranh bảo vệ chủ quyền.

Đúng 18h ngày 14/7/2014, chúng tôi xuất bến tại Tổng công ty Sông Thu, con tàu CSB 8003 đưa hơn 40 phóng viên ra Hoàng Sa tác nghiệp. Nhiều phóng viên ra biển lần đầu nhưng cũng có rất nhiều anh em đi lần thứ 2, thứ 3. Do đó, chuyện những người đi biển lần đầu dù mới đi quãng đường ngắn mà đã bị say sóng là điều không tránh khỏi. Murayama Yasufumi - phóng viên tự do người Nhật Bản, dù nói tiếng Việt chưa rành nhưng vẫn nhiệt tình hướng dẫn các đồng nghiệp uống thuốc chống say và cách chống say hiệu quả.

Qua các đồng nghiệp tôi được biết, Murayama Yasufumi rất yêu đất nước và con người Việt Nam. Gia đình ông đều ở Nhật nhưng mỗi năm ông đều dành phần lớn thời gian để khám phá, tìm hiểu về đất nước và con người Việt Nam để giới thiệu với bạn bè quốc tế. Độc đáo nhất, Marayama chuẩn bị một chiếc áo phao và xin chữ ký tất cả các đồng nghiệp và thủy thủ tàu CSB 8003 để minh chứng với bạn bè quốc tế rằng, việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền của nhân dân Việt Nam luôn có những người bạn thân thiết. Ngoài Murayama Yasufumi, chuyến đi “đón bão” lần này còn xuất hiện nhiều phóng viên của các hãng thông tấn lớn như: New York Times, VOA (Mỹ), The Guardian, BBC, Reuters (Anh), Kyodo News, Jiji Press (Nhật Bản) và nhiều phóng viên tự do khác.

Để thế giới hiểu thêm về cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của nhân dân Việt Nam, sau khi vào bờ được vài ngày, cuối tháng 7, Murayama Yasufumi đã vay hơn 200 triệu đồng tổ chức một triển lãm ảnh “Cảm xúc Hoàng Sa”. Kỷ vật của chuyến đi này chính là chiếc áo phao anh mang từ Nhật Bản sang được các đồng nghiệp, CSB trên tàu ký tặng. Điều đó khẳng định một chân lý: Bảo vệ chủ quyền biển đảo chính nghĩa của một quốc gia, dân tộc luôn được sự đồng hành, ủng hộ của bạn bè quốc tế.

21-6 Ý nghĩa nhất trong cuộc đời

Trên biển, chúng tôi được bố trí trên tàu CSB 4033, con tàu này đa trở thành ngôi nhà thân thiết của hàng chục nhà báo trong nước và quốc tế. Trên tàu, chúng tôi được cán bộ chiến sỹ đón tiếp, tạo điều kiện tốt nhất có thể và cũng ít ai may mắn được chứng kiến đêm ca nhạc nhân Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam trên biển. Các đồng nghiệp nước ngoài hết sức bất ngờ vì ở Việt Nam có một ngày riêng để tôn vinh những người cầm bút.

Phóng viên Việt Cường (VOV) tâm sự, có lẽ tôi là phóng viên có thời gian công tác lâu nhất trên biển (37 ngày) và trong cuộc đời làm báo sẽ không bao giờ quên giây phút trên con tàu này, thuyền trưởng và chính trị viên đã tổ chức một đêm văn nghệ cho các nhà báo Việt Nam và quốc tế cùng chiến sỹ ngay tại khu vực Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép giàn khoan 981. Có lẽ đây là kỷ niệm có một không hai trong cuộc đời cầm bút của tôi.

Chính trị viên Hoàng Văn Thường cho biết, trung tuần tháng 6, khi có các nhà báo quốc tế và trong nước theo tàu phản ánh tình hình chấp pháp trên biển, ban ngày thì tuyên truyền, chủ động tránh đâm va, buổi tối chúng tôi tổ chức giao lưu văn nghệ. Những bài hát về biển đảo, quê hương đất nước được thể hiện và tất nhiên là hát vo, một số bài có trong karaoke. Nhà báo Rulo Philip người Pháp đã đứng dậy hát bài “Con thuyền nhỏ” nói về ước mơ về một con tàu được đi ra biển, khám phá những chân trời mới.

Ở trên tàu, dù điều kiện còn thiếu thốn so với đất liền, đặc biệt là thịt tươi, rau xanh nhưng có những vị khách “đặc biệt” là những nhà báo chúng tôi, không khí trên tàu luôn sôi nổi không chỉ trong thời gian tác nghiệp mà còn trong gian bếp hay những khoảng thời gian thư giãn.

Khi biết giàn khoan HD - 981 rút khỏi vùng biển của ta và di chuyển về đất của Trung Quốc, Thuyền trưởng Thành đã hạ lệnh liên hoan và thực phẩm tươi còn được chia cả cho các đồng đội tại tàu 4034. Chúng tôi thực sự bất ngờ khi trong không gian chật hẹp mà những chiến sỹ CSB vẫn “tăng gia” nuôi nhốt được những con ngan béo mượt. Bữa liên hoan diễn ra trong không khí đầm ấm, vui vẻ.

Vừa thưởng thức món tiết canh ngan mà phải rất vất vả các chiến sỹ mới “đánh” được trên tàu, vừa lắng nghe và hòa mình trong những giai điệu về tình yêu biển đảo quê hương: “Qua bao nhiêu thăng trầm mà chiều nay vẫn dịu dàng, vùi sâu dưới đáy những gì đau thương, biển lại hát tình ca, biển kể chuyện quê hương”, chúng tôi thấy dâng lên trong lòng niềm tự hào dân tộc, nguyện mang hết sức mình để bảo vệ và dựng xây đất nước Việt Nam ngày càng phồn thịnh.

Ý kiến của bạn

Bình luận