Hộ lan xoay giải pháp hiệu quả đảm bảo ATGT trên đèo Lò Xo

Tác giả: Phạm Trọng Nghị

saosaosaosaosao
Bạn đọc 22/03/2020 07:02

Để đảm bảo ATGT trên tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua đèo Lò Xo, thời gian qua Bộ GTVT, UBND tỉnh Kon Tum đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để sửa chữa, bổ sung nhiều hạng mục ATGT, phù hợp với tình hình thực tế.

 

lo xo

Những khúc cua tại đèo Lò Xo đã và đang được ngành GTVT tập trung đầu tư xử lý nhằm đảm bảo ATGT trên đoạn tuyến

Đèo Lò Xo: “điểm đen” TNGT

Với chiều dài khoảng 27km, đèo Lò Xo nằm trên tuyến đường Hồ Chí Minh, là một trong những con đèo nguy hiểm nhất Việt Nam bởi địa hình hiểm trở, độ dốc lớn, vực sâu và nhiều đoạn quanh co khuất tầm nhìn nên khu vực này thường xuyên xảy ra tai nạn thương tâm.  

Ông Nguyễn Xuân Hướng - Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Kon Tum lý giải, các vụ TNGT thường xảy ra vào thời điểm từ khoảng 24 giờ đến 3 giờ sáng. Đây là thời điểm mà sau một hành trình dài các lái xe đã rất mệt mỏi và buồn ngủ, trong khi cung đường đèo Lò Xo thường vắng phương tiện lưu thông, đường lại khá đẹp nên lái xe dễ nảy sinh tâm lý chủ quan. 

“Điểm chung của các vụ tai nạn mà xe lao xuống vực là hệ thống hộ lan trên đèo đều bị đâm đổ. Hệ thống hộ lan được thiết kế, xây dựng sát phía bên vực của đèo, khả năng chịu lực không lớn nên xe tốc độ cao đâm vào là bung ngay”, ông Hướng cho biết thêm.

Nhiều giải pháp đồng bộ

Để đảm bảo ATGT, xóa “điểm đen” TNGT trên đoạn đèo Lò Xo, Bộ GTVT, UBND tỉnh Kon Tum, Cục Quản lý Đường bộ III đã có nhiều chuyến khảo sát, lên phương án xử lý. Trong đó, đáng chú ý là giải pháp lắp đặt 13 đoạn hộ lan bằng lốp cao su cố định trên những đoạn đường cong có độ dốc lớn ở đèo Lò Xo, đoạn qua địa phận hai tỉnh Quảng Nam và Kon Tum. Hộ lan này được xây dựng bằng cách đóng trụ thép chôn sâu xuống dưới nền 1,4m, sau đó lấy những lốp cao su cũ có đường kính từ 60 đến 110cm dán với nhau, bên trong đổ đầy cát trước khi gắn cố định vào trụ. Dự án được triển khai từ tháng 10/2018, đến ngày 30/4/2019 công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Theo lãnh đạo Công ty Cổ phần Quản lý và Xây dựng đường bộ tỉnh Kon Tum (đơn vị thi công, bảo trì đèo Lò Xo), lốp ô tô cũ có tác dụng như hộ lan xoay mà nước ngoài hay sử dụng để đảm bảo ATGT, giá thành rẻ hơn nhiều so với các vật liệu khác. Khi phương tiện giao thông xảy ra sự cố và đâm vào bức tường hộ lan cao su, trọng lực khi va chạm sẽ được đàn hồi, như vậy sẽ không làm bung hộ lan hai tầng đỡ bên ngoài lề ta-luy. Mặt khác, lốp xe mềm giúp giảm thiểu hư hại phương tiện khi va chạm.

Ông Nguyễn Danh Tiến - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Đường bộ III.4 chia sẻ: “Vì công trình mới được đầu tư thi công nên hiện tại chưa đánh giá được về hiệu quả. Tuy nhiên, vừa qua đã có 02 vụ TNGT xảy ra tại vị trí có gắn hộ lan bằng tường lốp nhưng không gây thiệt hại về người và đã giảm thiểu hư hỏng về phương tiện giao thông”. 

Đến thời điểm hiện tại, Tổng cục ĐBVN đã lắp đặt thí điểm 01 camera giám sát nhằm quản lý, theo dõi, xử lý nghiêm các phương tiện vi phạm trật tự ATGT; xây dựng 02 điểm dừng xe kiểm tra kỹ thuật tại km1412+100 và km1424+500; lắp đặt đèn chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời; dựng 3 pa-nô về sơ đồ đèo và những hình ảnh TNGT, lưu ý khi qua đèo Lò Xo, bí quyết lái xe xuống đèo Lò Xo an toàn.

Cùng với đó, đơn vị quản lý đã tiến hành sơn cụm gờ giảm tốc ngang đường với 21 khúc cua nguy hiểm để cảnh báo cho lái xe giảm tốc độ; bổ sung 48 biển cảnh báo, hệ thống loa thông báo, phát thanh về những nội dung cảnh báo TNGT khi lưu thông qua đoạn tuyến...; sửa chữa, bổ sung 19 hốc cứu nạn, 02 đường cứu nạn; mở rộng 87 vị trí đường cong, bạt mái ta-luy, hạ thêm tầm nhìn tại 58 đường cong, xây dựng làn đường hãm xe tại 12 vị trí. Các giải pháp căn cơ khác cũng đang được thực hiện như xử lý, cải tạo cục bộ một số tuyến địa hình có độ cua dốc lớn, nguy hiểm bằng cầu cạn, kè, hầm chui, nắn cục bộ một số đường cong.

Trước những giải pháp quyết liệt, đồng bộ của ngành GTVT, ông Hướng cho biết số vụ tai nạn tại đèo Lò Xo đã giảm hẳn, năm 2019 khu vực này đã không xảy ra vụ TNGT làm chết người

Ý kiến của bạn

Bình luận