Hiệu quả từ nguồn vốn bảo trì đường bộ

Tác giả: Hoàng Long

saosaosaosaosao
An toàn giao thông 28/03/2018 06:30

Qua 5 năm thực hiện bảo trì từ nguồn vốn bảo trì đường bộ (BTĐB), nhiều công nghệ mới, vật liệu mới được ứng dụng, mặc dù chưa đáp ứng được nhu cầu bảo trì song từ nguồn vốn này, cả Trung ương và địa phương đã chủ động sửa chữa, duy tu làm cho giao thông an toàn, thông suốt.

 

IMG_7152
Nguồn vốn BTĐB đã được sử dụng đúng mục đích, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo ATGT

 Giao thông êm thuận, TNGT kéo giảm

Những năm qua, được sự quan tâm của Nhà nước, vốn đầu tư cho việc xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp hệ thống đường bộ ngày càng tăng nên kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đã được cải thiện đáng kể. Thực tế hiện nay, nguồn vốn cho việc xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đã được đa dạng hóa. Tuy nhiên, kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, còn nhiều tuyến đường chưa được cải tạo, nâng cấp, đường chưa vào cấp kỹ thuật, cầu yếu còn nhiều, hàng năm lại thường xuyên gặp thiên tai như bão, lũ, lụt nên càng cần thiết phải chú trọng nhiều hơn cho công tác BTĐB. Kể từ năm 2013 khi Quỹ BTĐB đi vào hoạt động, ngân sách Trung ương (NSTW) và ngân sách các địa phương (NSĐP) đã được chia sẻ khó khăn, giảm gánh nặng cho ngân sách các cấp trong việc cân đối cho công tác BTĐB.

Theo thống kê của Văn phòng Quỹ BTĐB Trung ương, trong 5 năm qua từ nguồn vốn BTĐB, trên các tuyến quốc lộ đã xử lý 1.031 cầu yếu, 614 “điểm đen”; bổ sung, thay thế 13.252 biển báo hiệu đường bộ; xây dựng 1.138.000m hộ lan, cải tạo 137.000m cống và 1.372.410m rãnh thoát nước, 76.806.418m2 mặt đường; gia cố lề, mở rộng trên 1.000km mặt đường 3,5m - 5m thành mặt đường lớn hơn 5,5m để bảo đảm cho hai chiều xe đi tránh, vượt thuận lợi, góp phần giảm UTGT; xây dựng các trụ chống va trôi cho trụ cầu trên các tuyến sông có lưu lượng vận tải thủy lớn, xây dựng giá long môn kiểm soát xe quá khổ, quá tải qua các vị trí không bảo đảm tĩnh không…

Đồng thời, các địa phương đã chủ động sử dụng nguồn Quỹ BTĐB Trung ương được phân bổ và nguồn ngân sách địa phương để sửa chữa tập trung các công trình hư hỏng kéo dài, cứng hóa nhiều tuyến đường đất, gia cố mở rộng nhiều tuyến đường, sửa chữa được nhiều cầu, hộ lan, hệ thống cống rãnh, xử lý các vị trí ngầm tràn..., góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an toàn cho nhân dân và phát huy tối đa nguồn vốn của Quỹ BTĐB.

Theo Thứ trưởng Lê Đình Thọ, nhìn lại chặng đường 5 năm hình thành Quỹ BTĐB, nguồn vốn từ Quỹ BTĐB bố trí cho công tác quản lý bảo trì hệ thống đường bộ ngày càng được cải thiện, đạt kết quả tích cực về giải quyết nguồn vốn hạn hẹp do ngân sách nhà nước cấp trước đây. Việc sử dụng Quỹ BTĐB Trung ương và các quỹ BTĐB địa phương đã góp phần quan trọng trong việc bảo dưỡng kéo dài thời gian khai thác công trình đường bộ, sửa chữa kịp thời các hư hỏng trên hệ thống đường bộ, bảo đảm hệ thống đường bộ thông suốt, an toàn và phát huy hiệu quả, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh, phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giảm nhẹ thiên tai, bảo đảm quốc phòng - an ninh, nâng cao đời sống nhân dân, xóa đói, giảm nghèo, rút ngắn khoảng cách giữa các vùng, miền. Về cơ bản, đến nay công tác bảo trì các tuyến giao thông trọng điểm, huyết mạch được ưu tiên tập trung giải quyết hàng năm đảm bảo kết nối đồng bộ mạng lưới giao thông của đất nước.

“Trước khi có Quỹ BTĐB, mỗi năm cả nước có trên 12.000 người thiệt mạng vì TNGT, nhưng sau khi có Quỹ BTĐB, hạ tầng giao thông được cải thiện, các “điểm đen” được xóa, giao thông thuận tiện, kinh tế phát triển..., TNGT được kéo giảm hàng năm. Tính đến hết năm 2017, cả nước xảy ra 20.080 vụ TNGT, làm chết 8.279 người, bị thương 17.040 người; so với năm 2016 giảm 1.509 vụ (-6,99%), số người chết giảm 406 người (-4,67%), số người bị thương giảm 2.240 người (-11,62%). Đây là nỗ lực của cả hệ thống chính trị, nhưng cũng có sự đóng góp không nhỏ của công tác đảm bảo TTATGT từ nguồn vốn BTĐB mang lại”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ nhấn mạnh.

Phát huy hiệu quả từng đồng vốn

Quỹ BTĐB hoạt động trên nguyên tắc công khai, minh bạch và sử dụng hiệu quả từng đồng vốn đóng góp của dân, do đó trong những năm qua, việc phát huy hiệu quả của công tác bảo trì đã mang lại diện mạo mới cho hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ. Theo đánh giá của Hội đồng Quỹ BTĐB Trung ương, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác BTĐB là đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ. Những năm qua, nhiều nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, lựa chọn phát triển các công nghệ tiên tiến, phù hợp với điều kiện Việt Nam được áp dụng vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất lao động, đảm bảo chất lượng, giảm thiểu những khâu trung gian, cơ giới hóa và hiện đại hóa công tác BTĐB, tối ưu hóa việc sử dụng nguồn vốn... Trong 5 năm qua, công tác xây dựng và triển khai các văn bản QPPL liên quan đến hoạt động của Quỹ đã được quan tâm đúng mức. Mặc dù có những thay đổi trong thời gian vừa qua nhưng Quỹ BTĐB đã kịp thời điều chỉnh hoạt động điều hành theo đúng quy định; kịp thời hướng dẫn các cơ quan liên quan triển khai các công việc cơ bản đảm bảo tiến độ; công tác thu phí, sử dụng phí được thực hiện đồng bộ, hiệu quả, không bị thất thoát; công tác thanh kiểm tra được thực hiện thường xuyên, giúp Quỹ BTĐB hoạt động công khai, minh bạch, đúng mục đích, phát huy được nguồn vốn đóng góp từ xã hội và ngân sách hỗ trợ.

Cũng theo Thứ trưởng Lê Đình Thọ, bên cạnh việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn, các giải pháp về giao thông, tổ chức, quản lý kết cấu hạ tầng giao thông đã đổi mới phương pháp điều hành, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xây dựng kế hoạch quản lý phương tiện, góp phần rất lớn vào sự thành công bước đầu của Quỹ BTĐB. Quỹ BTĐB các địa phương mặc dù còn gặp khó khăn nhưng đã cố gắng vượt qua để tham mưu cho lãnh đạo địa phương. Quỹ BTĐB đã phát huy hiệu quả, khẳng định là giải pháp tốt, đem lại hiệu quả tích cực cho hoạt động BTĐB nói riêng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo ATGT cho từng địa phương và khu vực. Bên cạnh sự ghi nhận những kết quả đã đạt được trong 5 năm qua, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cũng chỉ ra những mặt còn hạn chế trong hoạt động của Quỹ. Cụ thể, nguồn vốn tuy đã được tăng lên và ổn định qua từng năm nhưng vẫn còn thiếu so với yêu cầu nên công tác BTĐB chưa đạt được kết quả như mong muốn; các cơ chế, chính sách liên tục thay đổi làm giảm hiệu quả của Quỹ BTĐB; hoạt động thu chi của Quỹ tuy đã được thực hiện theo đúng quy định nhưng chưa có những giải pháp triệt để để phát huy tối đa hiệu quả nguồn vốn; công tác thu hút các nguồn vốn khác cho công tác BTĐB đã được đề cập, tìm hiểu nhưng chưa thể triển khai trong giai đoạn hiện nay

Ý kiến của bạn

Bình luận