Hệ thống luân chuyển điện văn không lưu (AMHS): Thúc đẩy hội nhập quốc tế của ngành Hàng không

Bạn đọc 08/09/2014 16:55

Việc Công ty TNHH Kỹ thuật Quản lý bay (ATTECH) thuộc Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam nghiên cứu thành công Hệ thống luân chuyển điện văn không lưu (AMHS) với những ưu điểm vượt trội so với Hệ thống chuyển tiếp điện văn tự động kiểu cũ (AMSS) đã khẳng định hướng tiếp cận khoa học công nghệ một cách đúng đắn, thể hiện năng lực và kinh nghiệm của đơn vị trong tiến trình phát triển Công nghiệp Hàng không Việt Nam theo sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.


Thực trạng hoạt động của mạng AFTN

Mạng thông tin cố định hàng không (AFTN) với bộ não là các trung tâm AMSS là một trong những mạng thông tin quan trọng của ngành Hàng không, nhằm phục vụ cho việc trao đổi thông tin giữa các nhà cung cấp dịch vụ hàng không, nhà chức trách sân bay và các cơ quan quản lý, giữa các cơ quan quản lý hàng không trong nước và quốc tế.

Cho đến thời điểm hiện tại, tất cả các cơ quan quản lý bảo đảm hoạt động bay trong khu vực đều đang sử dụng mạng AFTN làm phương tiện chính để thực hiện nghiệp vụ.

Tổ XD AMHS

Tổ XD AMHS

Hệ thống luân chuyển điện văn tự động (AMSS) kiểu cũ với phương thức truyền điện văn là văn bản text đơn thuần (7-bit IA5 hoặc 5-bit ITA-2) đã hạn chế rất nhiều so với yêu cầu trao đổi thông tin hàng không hiện nay. Mặt khác, việc giám sát bằng số thứ tự để tránh thất thoát điện văn là một phương thức phức tạp dễ dẫn đến sai sót, đồng thời, mạng thông tin AFTN bao gồm các trung tâm chuyển mạch AMSS riêng biệt nên việc thiết lập kênh truyền và địa chỉ giữa các trung tâm thường gặp nhiều khó khăn. Với số lượng kênh thấp (40 kênh/1 trung tâm AMSS) nên hệ thống không đáp ứng được yêu cầu mở rộng khi số lượng kênh tăng lên trong tương lai. Thêm vào đó, một số hạn chế như: Độ dài điện văn bị giới hạn (tối đa 1.800 ký tự), các đường truyền là đường dùng riêng, không thể chia sẻ với các ứng dụng hoặc giao thức khác… đòi hỏi hệ thống phải có sự thay đổi và nâng cấp.

Hệ thống thông tin truyền dẫn của ngành Hàng không hiện đại yêu cầu chia sẻ nhiều định dạng như: âm thanh, hình ảnh… chứ không chỉ bó hẹp ở hình thức văn bản text đơn thuần. Như vậy, rõ ràng, hệ thống thông tin kiểu cũ AMSS đã bộc lộ nhiều hạn chế, cần có sự thay thế bằng một nền tảng trao đổi thông tin hiện đại hơn, hiệu quả hơn và có tính kết nối toàn mạng lưới hàng không.

Xuất phát từ thực tiễn đó, ATTECH đã bắt tay vào nghiên cứu để tạo ra sản phẩm ưu việt AMHS. Không giống như các sản phẩm mang tính chế tạo thông thường, AMHS là phần mềm công nghệ thông tin được lập trình với độ khó và phức tạp cao. Hơn 2 năm nghiên cứu và hoàn thiện là quãng thời gian không dài nhưng với sự quyết tâm thực hiện Quyết định số 21/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển Công nghiệp hàng không với nhiệm vụ sản xuất các trang thiết bị mặt đất chuyên dụng hàng không và cung cấp các dịch vụ kỹ thuật công nghệ chuyên ngành Quản lý hoạt động bay, đội ngũ kỹ sư, cán bộ nghiên cứu của ATTECH đã tập trung trí lực, vật lực để tạo ra Hệ thống AMHS được kỳ vọng sẽ là nền tảng truyền tin của mạng viễn thông Hàng không ATN.

Tính ưu việt của Hệ thống AMHS

Hệ thống AMHS là hệ thống chuyển điện văn tự động trong ngành hàng không, có khả năng xử lý, lưu trữ, luân chuyển điện văn theo các bộ tiêu chuẩn của ITU và các tiêu chuẩn áp dụng của ICAO. Hệ thống AMHS được phát triển dựa trên nền tảng là hệ thống luân chuyển điện văn Message Handling System – MHS. Hệ thống MHS được xây dựng theo theo các tiêu chuẩn chặt chẽ về luân chuyển điện văn của ITU.

Theo tiêu chuẩn ICAO Doc 9880 phần II, AMHS có hai hệ thống:

Hệ thống Basic: Là hệ thống cơ bản nhất của hệ thống AMHS, được xây dựng dựa trên bộ tiêu chuẩn ITU-T X.400 và có khả năng kết nối với mạng AFTN và hỗ trợ các chức năng luân chuyển điện văn AFTN.

Hệ thống Extended: Hệ thống AMHS mở rộng sẽ được phát triển dựa trên Hệ thống AMHS cơ bản. Khả năng xử lý, luân chuyển điện văn của hệ thống sẽ được tăng cường thêm các nhóm chức năng để tạo nên một hệ thống AMHS hoàn chỉnh với các đặc điểm nổi bật như:

-  Sử dụng File Transfer Body Parts (FTBP): Nhóm chức năng này cho phép hệ thống có khả năng chuyển nhận các file dạng số.

- Sử dụng IPM Heading Extensions (IHE): Nhóm chức năng cho phép hệ thống sử dụng các trường điện văn chuẩn thay vì các đầu điện văn ATS theo kiểu AMHS trong hệ thống AMHS cơ bản. Định dạng điện văn sử dụng đầy đủ các định dạng theo tiêu chuẩn X.400 trong hệ thống.

- AMHS Security (SEC): Nhóm chức năng này hỗ trợ chính sách an toàn của AMHS, cung cấp việc xác thực điện văn và bảo toàn dữ liệu nội dung giữa những người dùng AMHS trực tiếp.

- Sử dụng thư mục Directory (DIR): Nhóm chức năng này hỗ trợ hệ thống sử dụng thư mục ATN cho hoạt động phân kênh và luân chuyển điện văn trong hệ thống.

Các chuyên gia của AC-B chụp ảnh lưu niệm cùng Tổ xây dựng AMHS

Các chuyên gia của AC-B chụp ảnh lưu niệm cùng Tổ xây dựng AMHS

Hệ thống AMHS được xây dựng sẽ khắc phục được hoàn toàn những hạn chế của hệ thống AFTN với nhiều ưu điểm vượt trội như: Tốc độ, khả năng xử lý, lưu lượng, độ tin cậy, độ an toàn cao hơn…, đáp ứng được nhu cầu phát triển của ngành Hàng không trong tương lai.

Phần mềm hệ thống AMHS được xây dựng trên cơ sở là một dịch vụ trên nền tảng mạng thông tin hàng không ATN, có khả năng tương thích hoàn toàn về mặt kết nối cũng như an ninh, bảo mật với mạng ATN của Tổng công ty Quản lý bay xây dựng sau này.

Hệ thống có khả năng hỗ trợ 200 đầu cuối, có thể lưu giữ 100.000 điện văn trong hàng đợi; hỗ trợ lưu lượng 100 điện văn mỗi giây, lưu lượng hỗn hợp 50 điện văn AFTN; 50 điện văn AMHS mỗi giây. AFTN/AMHS gateway hỗ trợ chuyển đổi 30 điện văn/giây theo 2 chiều với dung lượng mỗi điện văn: trung bình 1.500 bytes, nhỏ nhất: 100 bytes và lớn nhất: 15.000 bytes.

AMHS được lập trình đảm bảo các dịch vụ cơ bản của một hệ thống AMHS theo tiêu chuẩn của khu vực châu Á – Thái Bình Dương và có khả năng hỗ trợ các loại địa chỉ AMHS theo tiêu chuẩn ICAO (XF và CAAS). Ngoài ra, hệ thống AMHS còn được xây dựng với nhiều chức năng tiện ích, hiện đại, an toàn, an ninh và hiệu quả khi đưa vào khai thác sử dụng.

ATTECH là đơn vị có kinh nghiệm và năng lực trong việc phát triển các hệ thống chuyển tiếp điện văn tự động. Việc thí nghiệm kết nối thành công với hệ thống AMHS của Singapore đã khẳng định những giải pháp công nghệ của ATTECH là hoàn toàn phù hợp, có định hướng và tính kết nối cao. Hiện tại, phần mềm AMHS đã được ATTECH đầu tư sản xuât hệ thống cơ bản. Sản phẩm AMHS tuân thủ chặt chẽ các yêu cầu, tiêu chuẩn của ICAO, có các tính năng đáp ứng yêu cầu của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, tương thích hoàn toàn với các phần cứng và đường truyền do Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đầu tư.

Hệ thống AMHS do ATTECH đầu tư xây dựng gồm các phần mềm chính: Phần mềm xử lý trung tâm (xử lý, quản lý, luân chuyển điện văn trong hệ thống); Phần mềm CM (giám sát hoạt động của hệ thống); Phần mềm Gateway (cầu nối định dạng điện văn chuyển đổi giữa hệ thống AMHS và AMSS; Phần mềm Client (khai thác đầu cuối hệ thống). Các phần mềm này đã được kiểm tra, thử nghiệm và chỉnh sửa thông qua hệ thống kiểm tra nội bộ của ATTECH và được Công ty Air Traffic Control & Business Systems GmbH – một công ty uy tín của Cộng hòa Liên bang Đức trong lĩnh vực kiểm tra hệ thống AMHS trên thế giới kiểm định tổng thể, đánh giá, cấp chứng chỉ đạt các tiêu chuẩn khai thác, kỹ thuật của hệ thống AMHS do ICAO đề ra.

AMHS và yêu cầu kết nối Hàng không toàn cầu

Triển khai ATN/AMHS là một trong những mục tiêu quan trọng trong kế hoạch tổng thể phát triển hệ thống CNS/ATM (Thông tin, dẫn đường, giám sát/Quản lý không lưu) Hàng không dân dụng Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã được Bộ trưởng Bộ GTVT phê duyệt.

Theo chương trình CNS/ATM mới, các hệ thống AMSS sẽ được dần thay thế bằng các hệ thống AMHS với nhiều tính năng vượt trội trong việc trao đổi thông tin thế hệ mới trong ngành Hàng không, đòi hỏi Việt Nam phải có hệ thống AMHS để có thể kết nối với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Tại Hội nghị ATNIGC/8 diễn ra từ ngày 18 – 21/03/2013 ở Indonesia, các quốc gia trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã thống nhất phải hoàn thiện việc thực hiện triển khai, kết nối AMHS/ATN vào năm 2015. Với việc nghiên cứu thành công Hệ thống AMHS, Việt Nam đã lên kế hoạch thực hiện kết nối với các nước liên quan trong khu vực như: Thái Lan, Lào, Singapore, Hongkong vào cuối năm 2014 và đầu năm 2015. Kế hoạch này đã được ICAO và các nước liên quan chấp thuận.

Như vậy, với việc đầu tư xây dựng hệ thống AMHS basic sẽ đảm bảo khắc phục các tồn tại của mạng AFTN, đáp ứng nhu cầu khai thác và các cam kết hội nhập của ngành Hàng không Việt Nam, đồng thời tạo ra một hệ thống thiết bị chuyên ngành hàng không đảm bảo chất lượng quốc tế với chi phí khai thác thấp.

 Việt Cường

Ý kiến của bạn

Bình luận