Hành trình “Xuân vận” của người Trung Quốc

Tác giả: Zing

saosaosaosaosao
Xã hội 19/01/2020 17:28

Hàng triệu người Trung Quốc đã bắt đầu bước vào hành trình “Xuân vận”-cuộc di chuyển thường niên lớn nhất hành tinh để về quê đoàn tụ cùng gia đình sau một năm làm việc vất vả. Đối với quốc gia đông dân như Trung Quốc, dịp Tết là khoảng thời gian khiến ngành vận tải phải "đau đầu". Tất cả phương tiện giao thông, như: Tàu hỏa, máy bay, xe khách... ở Trung Quốc sẽ phải hoạt động hết công suất.

xuan van
Ga đường sắt thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc trong dịp “Xuân vận”. Ảnh: Business Insider.

“Xuân vận” là từ dùng để chỉ hành trình về quê nghỉ Tết Nguyên đán của người Trung Quốc. "Xuân vận" thường diễn ra trong khoảng 20 ngày trước và 20 ngày sau Tết Nguyên đán, đặc biệt cao điểm vào khoảng một tuần trước Tết và một tuần sau Tết. Khái niệm "Xuân vận" được nhắc đến lần đầu vào năm 1980 trên Nhân dân nhật báo. Khi đó, Trung Quốc đang trải qua những năm đầu của quá trình cải cách mở cửa. Chính sách cải cách đã tạo ra luồng di dân khổng lồ từ vùng nông thôn đến các thành phố lớn và đặc khu kinh tế để làm việc, học tập. Mỗi khi Tết đến, họ lại về quê để sum họp với gia đình, từ đó hình thành nên "Xuân vận".

Theo South China Morning Post, cuộc “Xuân vận” năm nay tại Trung Quốc kéo dài 40 ngày, bắt đầu từ 10-1 đến 18-2. Tết Nguyên đán năm nay rơi vào ngày 25-1 và là Tết Nguyên đán sớm nhất kể từ năm 2012. Điều này đồng nghĩa với cuộc hồi hương của người lao động Trung Quốc sẽ trùng với thời gian sinh viên đại học bắt đầu nghỉ đông, gây ra áp lực lớn cho hệ thống giao thông của nước này. Ông Zhao Chenxin, Phó tổng thư ký, kiêm phát ngôn viên của Ủy ban Phát triển và Cải cách quốc gia Trung Quốc cho biết, sẽ có khoảng 3 tỷ chuyến đi diễn ra trong kỳ nghỉ Tết năm nay. Để về quê, người Trung Quốc thường chọn các phương tiện, như: Tàu, xe máy, ô tô, máy bay... Ngành đường sắt Trung Quốc dự kiến phục vụ 440 triệu hành khách, tăng 32,6 triệu người so với năm ngoái. Theo đại diện Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc, trong đợt “Xuân vận” năm nay, hơn 17.000 chuyến bay sẽ diễn ra mỗi ngày, tăng 13,3% so với năm trước. Trong khi đó, khoảng 790.000 xe khách với sức chuyên chở tổng cộng 20,3 triệu hành khách và 19.000 tàu thủy với năng lực vận chuyển khoảng 830.000 hành khách sẽ hoạt động trong khoảng thời gian "Xuân vận".

Cũng giống như nhiều năm trước, vào những ngày giáp Tết, các nhà ga, bến xe, sân bay tại Trung Quốc lại “căng mình” phục vụ lượng hành khách khổng lồ. Để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, Trung Quốc đã nâng cấp và mở rộng hệ thống giao thông công cộng, nhất là đường sắt. Điều này làm thay đổi cách thức di chuyển tại quốc gia đông dân nhất thế giới. Sau khi 139.000km đường sắt và 35.000km đường sắt cao tốc được xây dựng thêm trong năm 2019, người dân Trung Quốc đã có thể rút ngắn đáng kể thời gian đi lại và không còn e ngại hành trình đi về quê ăn Tết vốn nhọc nhằn. Tuyến đường sắt cao tốc Bắc Kinh-Trương Gia Khẩu, nơi có tàu cao tốc không người lái chạy ở tốc độ 350km/giờ và tuyến cao tốc Thành Đô-Quý Dương là hai tuyến đường sắt nổi bật giúp giảm lưu lượng giao thông đường bộ ở các khu vực phía tây Trung Quốc.

Ngoài việc nâng cấp cơ sở hạ tầng, quốc gia tỷ dân cũng đã sử dụng nhiều công nghệ để hỗ trợ người dân có một cái Tết an toàn và vui vẻ. Bắt đầu từ năm nay, việc bán vé trực tuyến dành cho cả đường sắt cao tốc và liên tỉnh được áp dụng. Do đó, hành khách không cần phải đến những nhà ga chật ních người để chen nhau mua vé như trước đây.

“10 năm trước, nếu bạn đến nhà ga Quảng Châu vào thời điểm Tết, bạn sẽ phải đứng chôn chân nhiều ngày liền để lên được tàu”, Geoffrey Crothall, Giám đốc Truyền thông của tổ chức bảo vệ quyền của người lao động China Labour Bulletin cho biết.

Thời gian bán vé trực tuyến cũng được kéo dài thêm 30 phút mỗi ngày trong dịp "Xuân vận" và hành khách có thể mua vé bằng ứng dụng nhận diện gương mặt. Tất cả nhà ga lớn đều thiết lập các trạm soát vé tích hợp công nghệ nhận diện khuôn mặt, giúp tiết kiệm 30% thời gian so với kiểm tra vé bình thường. Theo China News Services, tại ga đường sắt phía đông thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, nếu chẳng may bị mất thẻ căn cước, hành khách có thể nhận được căn cước tạm thời trong vòng 30 giây với sự trợ giúp của công nghệ nhận diện khuôn mặt. Máy in căn cước tạm thời sẽ tạm sẽ nhận diện gương mặt hành khách và đối chiếu với số thẻ căn cước của họ khi in căn cước mới. Trước đây, những người làm mất căn cước phải xếp hàng tại quầy nhân viên của nhà ga để lấy căn cước tạm thời hoặc đến đồn cảnh sát để làm lại thẻ mới. Trong khi đó, robot an ninh được trang bị mạng 5G tốc độ cao giúp nhân viên nhà ga phát hiện các hành khách có hành vi đáng ngờ. Robot này sẽ sử dụng trí thông minh nhân tạo (AI) để phân tích hành vi của mọi hành khách tại ga tàu. Không chỉ ở Hàng Châu, những ga tàu đông đúc tại các thành phố, như Quảng Châu, Tây An cũng sử dụng robot để tuần tra.

Ý kiến của bạn

Bình luận