Hành động xây đắp đảo của Trung Quốc đe doạ cuộc sống của người Việt

Chính trị 26/06/2015 17:03

Phát biểu bế mạc kỳ họp thứ 9, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, chủ quyền biển đảo của Việt Nam đang bị đe dọa nghiêm trọng do việc Trung Quốc tiến hành xây đắp với quy mô lớn tại Trường Sa, đe dọa cuộc sống yên bình của người dân.

CTQH_Nguyen_Sinh_Hung-c712b
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: "Bối cảnh phức tạp trên Biển Đông cho thấy những nguy cơ tiềm ẩn cản trở sự phát triển đã được dự báo"

Chủ quyền biển đảo của Việt Nam đang bị đe dọa nghiêm trọng

Khái quát lại hành trình hơn 1 tháng của kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XIII, Chủ tịch Quốc hội nhận định khối lượng công việc lớn, nhiều nội dung quan trọng đã hoàn thành. Đây là thời điểm phù hợp để Quốc hội có những nhận định, đánh giá về tình hình đất nước những năm qua, kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, ban hành luật pháp và quyết định các vấn đề quốc kế dân sinh quan trọng khác.

Điểm lại việc xem xét kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội những tháng đầu năm 2015, Chủ tịch Quốc hội thể hiện sự vui mừng vì tình hình đất nước có nhiều chuyển biến tích cực, kinh tế tiếp tục đà tăng trưởng, đời sống của nhân dân được cải thiện, quốc phòng - an ninh được bảo đảm, tăng cường, chủ quyền quốc gia được giữ vững, công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế có những kết quả nổi bật...

Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh bối cảnh chủ quyền biển đảo của Việt Nam đang bị đe dọa nghiêm trọng do việc Trung Quốc tiến hành xây đắp với quy mô lớn tại các bãi đá thuộc chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa, đe dọa cuộc sống yên bình của người dân và hòa bình, ổn định, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông để thấy những nguy cơ tiềm ẩn cản trở sự phát triển đã được dự báo.

Theo đó, Quốc hội yêu cầu Chính phủ, các ngành, các cấp cùng cả hệ thống chính trị vào cuộc bằng các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, nâng cao hiệu quả, chất lượng, sức cạnh tranh của kinh tế nước nhà, giữ vững đà tăng trưởng, thực hiện thành công tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình kinh tế; mở rộng hợp tác, hội nhập quốc tế; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, kiên quyết đấu tranh giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội…

Nhiều chính sách quan trọng đã được ban hành

Về hoạt động lập pháp, Chủ tịch Quốc hội liệt kê nhiều luật, Bộ luật quan trọng đã được Quốc hội thông qua hoặc cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp này. Trong đó, các luật định hướng cải cách tư pháp, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân như Bộ luật Dân sự, Hình sự sửa đổi, Bộ luật Tố tụng Dân sự, Hình sự, Hành chính, Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật tạm giam tạm giữ, Luật trưng cầu ý dân… đã được dành sự quan tâm thích đáng.

Đề cập đến mục tiêu bảo đảm chính sách an sinh xã hội lâu dài cho người lao động, Chủ tịch Quốc hội đề cập việc ban hành Nghị quyết về việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động, thể theo nguyện vọng của người lao động. Nghị quyết xác định người lao động được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội để đủ điều kiện hưởng lương hưu nhằm đảm bảo cuộc sống khi hết tuổi lao động theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội năm 2014; trường hợp người lao động có yêu cầu thì được nhận bảo hiểm xã hội một lần, tạo điều kiện để người lao động được lựa chọn phù hợp.

Về hoạt động giám sát tối cao, Chủ tịch Quốc hội nói về chuyên đề giám sát “Tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật”. Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về vấn đề này, ghi nhận nỗ lực, cố gắng của các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử trong đấu tranh phòng, chống tội phạm; xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp nhằm tạo chuyển biến căn bản, không để xảy ra oan, sai và bồi thường cho người bị thiệt hại trong tố tụng hình sự.

Về nhiệm vụ quyết định những vấn đề quan trọng quốc gia, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng cho biết, Quốc hội đã thảo luận, cân nhắc thận trọng và tiếp tục khẳng định sự cần thiết, tính đúng đắn của chủ trương đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

“Quốc hội coi đây là dự án quan trọng đặc biệt quốc gia, có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng động lực phát triển phía Nam và cả nước. Quốc hội đã thông qua Nghị quyết quyết định chủ trương đầu tư Cảng hàng không quốc tế Long Thành, giao Chính phủ tiếp tục hoàn thiện báo cáo khả thi, tiến hành các công việc cần thiết để triển khai dự án và hàng năm báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện” – Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Ngoài ra, tại kỳ họp thứ 9, theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội đã thảo luận, cân nhắc một cách thận trọng và quyết định bãi nhiệm đại biểu Quốc hội đối với bà Châu Thị Thu Nga, thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội. Chủ tịch Quốc hội khẳng định, quyết định này khẳng định sự nghiêm khắc, công minh của Quốc hội khi xem xét tư cách đại biểu Quốc hội, là yêu cầu về sự phấn đấu, rèn luyện để đại biểu Quốc hội luôn xứng đáng với niềm tin và sự tín nhiệm của cử tri và của nhân dân.

Chủ tịch Quốc hội “chốt” lại phần phát biểu bế mạc kỳ họp với đánh giá, kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII đã thành công, để lại niềm tin, ấn tượng tốt đẹp trong lòng đồng bào, cử tri cả nước về một kỳ họp hợp lòng dân, sôi động, dân chủ, đoàn kết, trí tuệ và đổi mới. Sau kỳ họp này, tôi trân trọng đề nghị các vị đại biểu Quốc hội kịp thời gặp gỡ, báo cáo kết quả kỳ họp với cử tri; tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri để luôn có tiếng nói đại diện cho quyền lợi của cử tri vào các quyết định của Quốc hội”.

Ý kiến của bạn

Bình luận