Hãng xe Pháp lớn nhất muốn biến Việt Nam thành công xưởng ASEAN

Thị trường 28/07/2017 09:31

Groupe PSA với hai thương hiệu nổi tiếng là Peugeot và Citroen đang lên kế hoạch đặt nhà máy sản xuất tại Việt Nam để xuất khẩu ra toàn Đông Nam Á.

 

Hãng xe Pháp lớn nhất muốn biến Việt Nam thành côn
Peugeot 5008 cạnh tranh Mazda CX-5, Honda CR-V hay Nissan X-Trail tại Việt Nam. Ảnh: Peugeot.

Theo Paultan, nhà máy của Groupe PSA tại Việt Nam sẽ đi vào hoạt động từ năm 2018 với mục tiêu doanh số 70.000 chiếc trong năm 2020. Đây là bước khởi đầu cho kế hoạch biến Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất xe Pháp tại khu vực Đông Nam Á.

Trước đó, báo cáo hồi tháng 6 của hãng nghiên cứu BMI Research (thuộc tổ chức Fitch Group) cũng khẳng định Groupe PSA với hai thương hiệu Peugeot và Citroen sẽ thúc đẩy sản xuất tại Việt Nam nhằm xuất khẩu ra toàn Đông Nam Á.

Groupe PSA hiện là nhà sản xuất xe hơi lớn nhất của Pháp, lớn thứ hai tại châu Âu. Các thương hiệu con bao gồm: Peugeot, Citroen, DS Automobiles, Opel và Vauxhall Motors.  

Trong số này, Peugeot là cái tên quen thuộc nhất khi vẫn đang được phân phối chính hãng tại Việt Nam thông qua Trường Hải. Song, doanh số hàng tháng của Peugeot khá èo uột khi chỉ đạt trung bình khoảng 20 xe/tháng, theo báo cáo 6 tháng đầu năm từ VAMA (Hiệp hội các nhà sản xuất, lắp ráp ôtô Việt Nam).

Còn với Citroen, thương hiệu này thực chất không quá xa lạ với thị trường miền Nam khi từng có đại lý chính hãng và showroom ở TP.HCM trước năm 1975. Song, Citroen nhanh chóng “rút lui” một cách im lặng. Hồi năm 2011, hãng xe này trở lại Việt Nam nhưng chưa tạo được quá nhiều dấu ấn.

Cho tới nay, xe Pháp tại Việt Nam nói chung và các thương hiệu như Peugeot, Citroen nói riêng vẫn gặp khó khăn trong việc chinh phục người tiêu dùng. Giới chuyên gia cho rằng mức giá lơ lửng khi cao hơn xe bình dân nhưng dưới xe sang, cùng với việc thương hiệu không quen thuộc, hệ thống đại lý ít ỏi đang là điểm yếu lớn nhất của xe Pháp khi so với các đối thủ Nhật Bản, Hàn Quốc hay Đức.

Song, cơ hội lớn vẫn có thể mở ra cho những “anh tài” đến sau, khi tỷ lệ sở hữu xe hơi tại Việt Nam vẫn ở mức thấp nhất khu vực, theo khảo sát của Pew Research Center.

Bên cạnh đó, để thúc đẩy ngành công nghiệp ôtô trong nước, Bộ Công Thương mới đề xuất việc không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với giá trị phần tạo ra trong nước. Đây được xem là ưu đãi lớn chưa từng có dành cho các liên doanh và doanh nghiệp làm công nghiệp phụ trợ nếu được thông qua.

Ý kiến của bạn

Bình luận