Hãng phục vụ bữa ăn trên máy bay lớn nhất Hong Kong

Tác giả: vnexpress

saosaosaosaosao
Doanh nhân 25/08/2019 07:17

Đôi khi, muốn thành công là phải mạo hiểm và đây mới là một trong những yếu tố khiến Hong Kong trở thành điểm sáng của nền kinh tế Trung Quốc.

 

photo-1-1566446088712551957160-crop-15664461416802

Hãng phục vụ ăn uống lớn nhất Hong Kong Maxim chi 5 triệu Dollar Hong Kong vào năm 1979 mà chẳng có giấy tờ đảm bảo nào để đầu tư vào Trung Quốc đại lục, tất cả chỉ vì niềm tin với nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình.

Bà Annie Wu Suk Ching nhớ như in lần đầu tiên khi mình đến khảo sát thị trường tại Chengdu năm 1978. Ấn tượng của bà về Trung Quốc đại lục khi đó khá lạc hậu khi khách sạn JinJiang Hotel nơi bà ở vẫn phải dùng chổi lau nhà thủ công mà chẳng có lấy một cái máy hút bụi.

Đoàn công tác của bà Annie gồm 11 doanh nhân đến khảo sát thị trường theo lời mời của Tân hoa xã trong 14 ngày. Điều thú vị là những doanh nhân này vẫn cần một người phiên dịch từ tiếng phổ thông Mandarin sang tiếng Quảng Đông (Cantonese), ngôn ngữ thường dùng của người Hong Kong.

Chuyến thăm của bà Annie chỉ trước khi Đại hội đảng lần thứ 11 diễn ra ở Trung Quốc đại lục, khi nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình tuyên bố cải cách kinh tế, mở cửa thị trường và chào đón những dòng đầu tư từ các nền kinh tế khác như Hong Kong, Macau hay Đài Loan.

photo-1-15664459027961796898132

Bà Annie trong chuyến khảo sát thị trường Trung Quốc năm 1978

Chỉ vài tuần sau tuyên bố này, Trung Quốc bình thường hóa quan hệ với Mỹ vào tháng 1/1979 và việc nâng cấp chất lượng dịch vụ hàng không được đưa vào chương trình của Bắc Kinh.

Thời kỳ đó, các chuyến bay của Trung Quốc chẳng có gì ngoài bánh quy, trứng luộc, thịt nguội và trái cây chưa gọt vỏ, những đồ ăn nghèo nàn với tiêu chuẩn của du khách Phương Tây.

Ngay lập tức, Annie và cha của mình, ông James Tak Wu, người sáng lập hãng dịch vụ ăn uống lớn nhất Hong Kong thời đó là Maxim được chú ý đến. Ông Wu được mời đến bắc Kinh để thảo luận về một liên doanh dịch vụ hàng không. ĐIều thú vị là hành trình của ông Wu cùng con gái đến Bắc Kinh là bằng tàu hỏa và máy bay cánh quạt, bởi hệ thống hàng không thương mại của Trung Quốc thời đó còn chưa thực sự phát triển.

"Chẳng có chuyến bay thẳng nào giữa Hong Kong và Bắc Kinh cả", bà Annie nhớ lại.

Lần đầu, ông Wu và bà Annie được tiếp Cục phó cục hàng không dân dụng Trung Quốc (CAAC) Lin Zheng nhưng chẳng có nhiều tiến triển. Sau đó 5 tháng, họ lại được mời đến Bắc Kinh để gặp Cục trưởng CAAC Shen Tu nhưng cũng chưa đâu vào đâu.

"Cục trưởng Shen nói với cha tôi rằng việc hợp tác giữa Trung Quốc đại lục và một công ty Hong Kong là lĩnh vực mới ở đây nên chưa ai dám đứng ra cấp phép", bà Annie hồi tưởng.

Trên thực tế, CAAC cũng khá gấp khi nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình yêu cầu hạn chót ngày 1/5/1980 phải hoàn thành nâng cấp dịch vụ hàng không để bắt đầu các chuyến bay Trung –Mỹ vào đầu năm 1981.

Tại thời điểm đó, Cục trưởng Shen đề nghị ông Wu bỏ 5 triệu Dollar Hong Kong (HKD) trước để mua sắm thiết bị cho liên doanh và vận hành kịp thời hạn, trong khi phía Trung Quốc đại lục chưa chi một đồng nào do vướng cơ chế. Đây là một yêu cầu khó khăn bởi trên thực tế 2 bên vẫn chưa ký kết bất kỳ một văn bản nào, hoàn toàn chỉ là lời hứa suông.

"Suy nghĩ 30 giây, cha tôi liền nói với Cục trưởng Shen rằng: ‘Chúng tôi là người Trung Quốc, chúng tôi tin tưởng nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình và cũng tin rằng Trung Quốc sẽ mở cửa’", bà Annie nói.

photo-1-15664458840331192038728

Ông James Tak Wu, ngồi đầu thứ 2 từ phải qua, trong buổi ký kết thành lập Beijing Airlines Catering năm 1980

Quyết định này của ông Wu khiến những đối tác của Maxim vô cùng ngạc nhiên, bao gồm Ngân hàng BEC và hãng Dairy Farm. Họ cấp tốc đến hỏi ông Wu rằng liệu có tin được không khi chưa có bất kỳ văn bản ký kết nào.

Bà Annie nhớ lại cha của bà đã dùng uy tín cá nhân để đảm bảo, đồng thời lấy tiền cá nhân để đầu tư trước. Con số 5 triệu HKD hồi đó là vô cùng lớn nếu so sánh về tỷ giá bởi Hong Kong là một nền kinh tế phát triển trong khi Trung Quốc đại lục còn lạc hậu vì mới mở cửa.

Vào tháng 3/1980, bà Annie cho biết cuối cùng liên doanh cũng được thành lập nhờ một cuộc đối thoại giữa Cục trưởng Shen và nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình:

-"Hãng của ông ấy (nói đến ông Wu) có biết làm bánh sừng bò không?", nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình hỏi bởi đây là món ưa thích của ông.

-"Ông ấy làm món đó rất ngon", Cục trưởng Shen đáp lời.

-"Vậy tại sao còn không cấp phép cho họ?", nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình nói.

Ngày 4/4/1980, liên doanh đầu tiên giữa Trung Quốc đại lục và Hong Kong của ngành hàng không, hãng Beijing Air Catering được thành lập. Phía Trung Quốc đại lục nắm giữ 51% cổ phần.

Ban đầu, hãng này chỉ phục vụ được vài nghìn bữa ăn mỗi ngày cho các chuyến bay tại Trung Quốc. Ngày nay, hãng cung cấp hơn 100.000 bữa ăn cho hơn 500 chuyến bay mỗi ngày ở Trung Quốc, bao gồm hơn 50 hãng hàng không từ United Airlines cho đến Cathay Pacific.

Về Maxim, hãng phục vụ ăn uống số 1 Hong Kong, câu chuyện Beijing Airlines Catering chỉ là một phần rất nhỏ trong những thương vụ của hãng. Thương hiệu này khởi đầu vào năm 1956 với 1 nhà hàng nhỏ mở ở Hong Kong bởi ông Wu và dần phát triển thành một tập đoàn chuyên đầu tư lĩnh vực ăn uống.

Năm 2000, Maxim chính là hãng đưa cửa hàng Starbucks đầu tiên vào Hong Kong.

Theo bà Annie, bí quyết thành công của nền kinh tế Hong Kong nói chung và Maxim nói riêng là phải có tầm nhìn quốc tế để giữ được sự cạnh tranh.

"Chúng ta cần phải hướng đến những thị trường mới như Châu Mỹ Latinh, Châu Phi hay Đông Âu để có lợi thế hơn so với những khu vực kinh tế khác của Trung Quốc. Đây mới là giá trị thực sự của Hong Kong. Nếu bạn đến khách sạn JinJiang Hotel ngày nay, họ có nhiều thiết bị còn tối tân hơn cả ở Hong Kong. Trung Quốc đang thay đổi nhanh chóng và giới trẻ Hong Kong phải biết đón đầu xu thế hoặc sẽ bị thụt lùi", bà Annie trần tình.

Ý kiến của bạn

Bình luận