Hàng nghìn container phế liệu tồn đọng tại các cảng biển chưa được xử lý

Tác giả: Hạ Liên

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 03/08/2018 12:25

Theo Cục Hàng hải, hiện nay lượng phế liệu nhập khẩu vào Việt Nam tăng mạnh, nhiều lô hàng đã dỡ xuống cảng nhưng chưa làm thủ tục nhập khẩu dẫn tới hàng hóa tồn đọng tại các cảng biển.


phe_lieu_dong_co_do_hai_quan_tp_oqxe
Động cơ cũ nát do Hải quan TP. Hồ Chí Minh bắt giữ tại cảng Cát Lái (Ảnh Thu Hòa) 

Theo Cục Hàng hải Việt Nam, thời gian qua, hoạt động nhập khẩu phế liệu có nhiều diễn biến phức tạp, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cảng biển và hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam và có nguy cơ gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến môi trường sống.

Cụ thể, chỉ tính riêng tại Cảng Cát Lái, số container phế liệu tồn đọng là 4.452 container. Trong đó, mặt hàng giấy chiếm 28.4% và mặt hàng nhựa chiếm 71.6%. Sau khi cấm nhập mặt hàng nhựa, trong tháng 6 và 7, trung bình mỗi ngày cảng Cát Lái tiếp nhận 100 TEU hàng giấy nhưng trung bình chỉ giao được khoảng một nửa khối lượng trong một ngày do thủ tục thông quan hiện nay tốn nhiều thời gian hơn trước. Mặt hàng nhựa hiện nay thông quan không đáng kể. Các mặt hàng phế liệu khác như: Kim loại, vải, thủy tinh, bao bì… chưa có thống kê chi tiết, tuy nhiên cũng gặp khó khăn trong thông quan tương tự như mặt hàng giấy.

Còn cảng biển khu vực TP. Hải Phòng hiện đang tồn đọng 1.476 container, trong đó số container có thời hạn từ 30 - 90 ngày là 471 container; số container lưu quá 90 ngày là 1.005 container. Hàng hóa phế liệu nhập khẩu tồn đọng tại các cảng biển bao gồm: Phế liệu sắt, thép, giấy, nhựa, nhôm, đồng, phế liệu xỉ cát (xỉ hạt nhỏ)... Việc tồn đọng các container phế liệu nhập khẩu tại các cảng biển Việt Nam làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cảng biển và hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam; chậm lưu thông hàng hóa; giảm dung lượng bãi chứa container; ảnh hưởng đến hoạt động của các hãng tàu; làm gia tăng chi phí cho doanh nghiệp.

Lý giải về nguyên nhân tồn đọng này, theo Cục Hàng hải Việt Nam, từ cuối năm 2017, Chính phủ Trung Quốc đã ban hành quy định dừng nhập khẩu 24 loại phế liệu phục vụ tái chế gồm 08 loại phế liệu nhựa nguồn gốc sinh hoạt, 11 loại phế liệu dệt may, 04 loại phế liệu quặng và 01 loại phế liệu giấy (trong đó, có một số mã phế liệu nhựa và giấy trùng với danh mục phế liệu được phép nhập khẩu theo Quyết định số 73/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ). Việc Trung Quốc cấm nhập khẩu phế liệu để tái chế sẽ dẫn đến các nước trước đây vẫn xuất khẩu chất thải rắn, phế liệu sang Trung Quốc (như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, các nước Bắc Âu…) sẽ phải tìm đối tác, thị trường nhập khẩu mới như Việt Nam, Thái Lan, Malaysia. Một số lượng lớn hàng phế liệu nhập khẩu từ các nước phát triển đã tràn về khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, là một trong những nguyên nhân chính làm gia tăng các container tại các cảng biển, đặc biệt là phế liệu nhựa.

Ngoài ra, theo thông tin từ các hãng tàu, một lượng lớn hàng phế liệu nhựa, giấy sẽ tiếp tục đổ về các cảng biển Việt Nam do hãng tàu, khách hàng đã ký hợp đồng hoặc hàng đã được xếp lên tàu đang trên đường vận chuyển. Một số hãng tàu vận chuyển trong tờ khai E-Manifest lược khai hàng hoá không có phế liệu, nhưng thực tế có phế liệu, sau khi dỡ hàng xuống cảng mới khai báo số lượng cụ thể, chủng loại hàng hóa là phế liệu.

Một số tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu có hành vi giả mạo giấy xác nhận, dùng giấy xác nhận của các doanh nghiệp khác, đăng ký địa chỉ kinh doanh không đúng với thực tế (địa chỉ ma), chuyển địa chỉ mà không cập nhật cố ý nhập phế liệu không đáp ứng quy chuẩn, quy định sau đó bỏ hàng (hàng vô chủ) gây tồn đọng phế liệu tại các cảng biển.

Đồng thời, số lượng lớn container tồn đọng lâu ngày, chủ hàng không đến nhận hàng, có nhiều container lưu tại bãi cảng từ 5 đến 7 năm có thể bị hư hỏng, phát sinh chi phí lưu container, lưu bãi lớn gây thiệt hại kinh tế cho các doanh nghiệp cảng và hãng tàu. Ảnh hưởng đến việc kinh doanh, sản xuất của doanh nghiệp cảng biển và tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường tại khu vực cảng biển.

Trường hợp chủ hàng không làm thủ tục, khi quá hạn 90 ngày thực hiện xử lý theo quy định tại Thông tư số 203/2014/TT-BTC ngày 22 tháng 12 năm 2014 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn xử lý hàng hóa tồn đọng thuộc địa bàn hoạt động hải quan. Tuy nhiên, việc xử lý này thường kéo dài, thủ tục phức tạp. Đối với hàng hoá chậm luân chuyển có nguy cơ tồn đọng dưới 90 ngày hiện nay chưa có quy định cụ thể.

images1642552_T6
Phế liệu tồn đọng chủ yếu là nhựa và giấy

Còn về bất cập trong quản lý phế liệu nhập khẩu, Cục Hàng hải Việt Nam cho rằng tham gia quản lý phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất bao gồm nhiều bộ và các cơ quan chuyên môn của địa phương. Tuy nhiên, hiện nay chưa có quy chế phối hợp liên ngành trong xử lý các vụ việc liên quan tới nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất.

Đồng thời, hiện nay chưa có quy định pháp lý để ràng buộc trách nhiệm và chế tài xử phạt đối với chủ tàu trong vận chuyển phế liệu nhập khẩu; giấy phép nhập khẩu phế liệu chưa được quy định là điều kiện bắt buộc trong các hợp đồng kinh tế thương mại giữa doanh nghiệp xuất nhập khẩu và chủ tàu. Khi có vi phạm về vận chuyển hàng hóa thì không xử lý được trách nhiệm của chủ tàu.

Ngoài ra, định nghĩa về phế thải và phế liệu được quy định tương đối giống nhau, không có tiêu chuẩn kỹ thuật cụ thể đối với phế thải và phế liệu dẫn đến khó khăn cho Cơ quan hải quan trong việc so sánh, đối chiếu, xác định hàng hóa là phế liệu hay phế thải. Chính vì vậy, một số doanh nghiệp trực tiếp nhập khẩu phế liệu và các doanh nghiệp nhận ủy thác nhập khẩu phế liệu sẽ làm mọi cách tìm kẽ hở của pháp luật để đưa các loại phế liệu không đáp ứng quy chuẩn vào Việt Nam. Một số công ty đã làm giả, tẩy xóa, sửa đổi các văn bản, giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất do Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc sở tài nguyên và môi trường cấp để hợp thức hóa hồ sơ nhập khẩu phế liệu.

Nhiều doanh nghiệp có giấy xác nhận để nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất. Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất không sử dụng hết số lượng phế liệu nhập khẩu sẽ tìm cách bán cho các đơn vị sản xuất nhỏ lẻ, hộ kinh doanh tại các làng nghề (chưa được cấp Giấy xác nhận hoặc chưa đáp ứng các yêu cầu bảo vệ môi trường) làm tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện xử lý hàng hóa tồn đọng theo quy định tại Thông tư số 203/2014/TT-BTC vấn đề xác lập quyền sở hữu nhà nước đối với hàng hóa tồn đọng, trình tự thực hiện bán đấu giá chưa quy định quyền và nghĩa vụ các bên và nhiều vấn đề liên quan khác như theo Khoản 3 Điều 19 quy định “trường hợp chưa có nguồn kinh phí để thực hiện chi trả Hội đồng tạm ứng kinh phí từ tài khoản tạm giữ, dự toán ngân sách thường xuyên của Cục Hải quan hoặc của doanh nghiệp quản lý hàng hoá tồn đọng để thực hiện chi trả từ nguồn ngân sách”. Điều này là một trong những nguyên nhân gây khó khăn làm chậm quá trình thanh lý hàng hoá tồn đọng.

Ý kiến của bạn

Bình luận