Hàng không làm gì bù thiệt hại 30.000 tỷ vì dịch Covid-19?

Tác giả: Cẩm Phú

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 26/05/2020 06:02

Hàng không hiện đang là lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19, con số thiệt hại ước tính đã lên đến 30.000 tỷ đồng. Làm gì để phục hồi, làm sao để giữ nhịp tăng trưởng như trước đại dịch? Theo chuyên gia kinh tế, thay vì trông chờ cơ chế, chính sách, giải pháp của Nhà nước thì trước hết mỗi hãng hàng không Việt Nam (HKVN) phải tự vạch cho mình “con đường sống”.


Những công dân Việt Nam từ tâm dịch – thành phố Vũ

Những công dân Việt Nam từ tâm dịch (TP. Vũ Hán, Trung Quốc) được đưa về sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) trên chuyến bay của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines)

Tập trung tối đa để phục hồi sau dịch

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, khi đại dịch Covid-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất, giao thương toàn cầu thì việc đầu tiên cần làm là nối lại giao thương để phục hồi tăng trưởng, cả trong và ngoài nước. Trong đó, hàng không, vận tải vốn là những ngành chịu tác động đầu tiên và mạnh mẽ trong số các nhóm ngành dịch vụ, vì vậy cần những chính sách ưu tiên để góp phần nối lại những “đứt gãy” sau đại dịch, thúc đẩy chuỗi cung ứng, giao thương, dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước.

Với trách nhiệm là cơ quan chủ quản nhà nước, Bộ GTVT đã tổng hợp kiến nghị của các đơn vị hàng không để đưa ra những giải pháp tháo gỡ trên tinh thần đảm bảo khách quan, công bằng và minh bạch.

Ông Đinh Việt Thắng - Cục trưởng Cục HKVN cho biết, Cục đã tạo điều kiện cho các hãng HKVN vận chuyển hàng hóa bằng tàu bay chở khách (cấp phép, tiêu chuẩn an toàn bay, lịch bay) thông qua việc đơn giản hóa thủ tục hành chính nhưng vẫn đảm bảo chấp hành các quy định của pháp luật; triển khai công tác quản lý giám sát vận tải hàng không trên cơ sở trực tuyến, tăng tính linh hoạt trong việc ra quyết định hành chính, giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính; cho phép kết hợp vận chuyển công dân Việt Nam về nước trên các chuyến bay đến Việt Nam theo chỉ đạo và chấp thuận của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của Chính phủ, Bộ GTVT.

Cục HKVN đã tiến hành họp trao đổi, bàn các biện pháp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để tái cơ cấu lại thị trường hàng không. Tuy nhiên, tái cơ cấu sang thị trường nào thì cũng cần có thời gian chuẩn bị, nhất là trong bối cảnh tổng thị trường hàng không thế giới, khu vực và trong nước đều bị ảnh hưởng.

“Hiện nay, việc khôi phục lại đường bay là giải pháp quan trọng nhất. Trong 4 ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa qua, các hãng hàng không đã vận chuyển trên 150.000 hành khách, chỉ trong thời gian ngắn đã khôi phục 35 - 40% thị phần nội địa. Chúng tôi đã lên phương án tính toán làm sao hỗ trợ tối đa các hãng phát động lại thị trường, tạo điều kiện tốt nhất cho các hãng khôi phục thị phần nội địa”, ông Thắng khẳng định.

Để HKVN sớm hồi phục, các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp trong ngành cần có các gói giảm giá, giãn giá, thậm chí là miễn giá hỗ trợ. Đây là giai đoạn quyết định có tính sống còn với các hãng hàng không hiện nay. Cục HKVN cũng kiến nghị Chính phủ làm việc với các ngân hàng để có các gói vay ưu đãi cho các hãng hàng không để các hãng có tiền chi trả các chi phí, tiếp tục duy trì các hoạt động.

Hãng bay không ngồi chờ

Các hãng HKVN đã sớm nghiên cứu để đưa ra các giải pháp “tự cứu mình” trong bối cảnh khó khăn bao trùm lên nền kinh tế toàn cầu.

Ông Dương Trí Thành - Tổng Giám đốc Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cho biết, đơn vị đã kêu gọi sự đồng tâm hiệp lực và chia sẻ của đội ngũ CB, CNV, sự hỗ trợ từ các bạn hàng, đối tác và đặc biệt là hỗ trợ của Bộ GTVT, Chính phủ.

Cụ thể, Vietnam Airlines đã chủ động cắt giảm tối đa các chi phí nội tại, đặc biệt là chi phí cố định như tổ chức lại sản xuất, tổ chức lại lực lượng lao động, giảm tiền lương. Ngoài ra, hãng cũng đã yêu cầu, kêu gọi sự hỗ trợ từ các bạn hàng, đối tác lớn để giảm giá, giãn tiến độ thanh toán, duy trì dòng tiền cho doanh nghiệp. Hiện tại, rất nhiều bạn hàng lớn đã chung tay cùng Vietnam Airlines để giảm giá và giãn tiến độ thanh toán trong giai đoạn hiện nay. “Đặc biệt, Chính phủ cũng đã có những giải pháp ban đầu như giảm một số giá, thuế, phí để hỗ trợ doanh nghiệp. Ngân hàng Nhà nước rất kịp thời ban hành chỉ thị cho các ngân hàng thương mại xây dựng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, tái cơ cấu nguồn nợ, giảm lãi vay”, ông Thành chia sẻ.

Với sự chủ động từ sớm, Vietnam Airlines đã phối hợp với các đơn vị du lịch như công ty lữ hành, khách sạn, resort lớn, nhà chức trách du lịch xây dựng những chương trình bán kích cầu. Vietnam Airlines đang từng bước giới thiệu các chương trình bán để bắt nhịp dần với sự phục hồi của thị trường du lịch nội địa khi dịch Covid-19 được kiểm soát tốt. Đối với thị trường quốc tế, Vietnam Airlines đánh giá Trung Quốc, Hàn Quốc và một số nước, vùng lãnh thổ Đông Bắc Á sẽ phục hồi nhanh hơn các nơi khác nên hãng đang tập trung chuẩn bị nguồn lực, tổ chức chăm sóc khách hàng, phối hợp xây dựng các chương trình phát động bán cho các thị trường này sau khi dịch bệnh được ngăn chặn hiệu quả.

Đối với hãng hàng không tư nhân Vietjet Air, hàng loạt kế hoạch, giải pháp quyết liệt đã được hãng bay này thực hiện như: mở rộng dịch vụ kinh doanh vận chuyển hàng hóa, phát triển các sản phẩm dịch vụ SkyBoss, dịch vụ phụ trợ (ancillary), thẻ bay Power Pass... 

Trong giai đoạn dịch Covid-19, Vietjet Air cung cấp các giải pháp vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không đa dạng, phục vụ khách hàng trong nước, quốc tế, mang tới nguồn doanh thu mới và ổn định. Song song với hoạt động vận chuyển hành khách và hàng hóa, các chuyên gia đàm phán của Vietjet Air cũng làm việc tích cực để thỏa thuận cắt giảm 30 - 70% giá, phí dịch vụ, gia hạn thời hạn thanh toán với các nhà cung cấp trọng yếu, các định chế tài chính, tàu bay quốc tế, các ngân hàng trong và ngoài nước. Việc hỗ trợ này đã giúp Vietjet Air tăng thêm nguồn lực tài chính để tập trung vào các giải pháp tăng cường chất lượng, hoàn thiện dịch vụ, mở rộng mảng kinh doanh vận chuyển hàng hóa, tăng cường và phát triển các giải pháp thương mại điện tử trên nền tảng công nghệ thông tin như Mobile app, ví điện tử và tiếp tục xây dựng hệ thống quản trị chi phí.

Đối với “lính mới” Bamboo Airway vẫn quyết tâm giữ vững mục tiêu nắm 30% thị phần nội địa cùng đội bay 40 chiếc trong năm 2020. Theo đó, Bamboo Airways sẽ điều chỉnh số lượng máy bay trong đội bay xuống tối thiểu 40 chiếc trong năm 2020, giảm 10 chiếc so với mục tiêu trước dịch Covid-19 của hãng. Hãng sẽ tận dụng hiệu quả nhất những mặt tích cực mà tình hình mới mang lại, như việc giá dầu giảm kỷ lục khiến chi phí nhiên liệu bay rẻ nhất trong vòng 20 năm qua.

Trong giai đoạn này, các hãng HKVN đều tung ra các chương trình khuyến mãi hấp dẫn nhằm kích cầu thị trường, đưa hành khách “trở lại” với bầu trời như: Vietnam Airlines với “Mùa hè rực rỡ”, Vietjet Air với Power Pass, Bamboo Airway với các chương trình ưu đãi khiến hành khách không thể bỏ qua.

 

Ý kiến của bạn

Bình luận