Hanel: Ứng dụng mã nguồn mở triển khai chính phủ điện tử tại Bộ GTVT

Tác giả: PV

saosaosaosaosao
11/02/2016 06:50

Chính phủ điện tử đã được triển khai tại Bộ GTVT để cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 tới người dân và doanh nghiệp

Khai trương DVC mức độ 3 và 4 lĩnh vực đường thủy

Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) là một yếu tố quan trọng và là nội dung bắt buộc trong các cơ quan nhà nước để hướng tới việc xây dựng một chính phủ điện tử (CPĐT) nhằm công khai, minh bạch các hoạt động, cải cách hành chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn. Trong những năm qua, Bộ GTVT luôn đi đầu trong việc đẩy mạnh cải cách hành chính gắn liền với tăng cường ứng dụng CNTT trong quản lý và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, bảo đảm rút ngắn quy trình xử lý, giảm số lượng và đơn giản hóa, chuẩn hóa nội dung hồ sơ, giảm thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính.

Trong một khoảng thời gian ngắn, nhiều hệ thống CPĐT đã được triển khai tại Bộ GTVT để cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 tới người dân và doanh nghiệp. Cụ thể, có thể kể đến các hệ thống tham gia cơ chế một cửa quốc gia trong lĩnh vực hàng hải, đăng kiểm, đường thủy nội địa và sắp tới là đường bộ. Các hệ thống này đã được đưa vào vận hành và mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho tất cả các bên tham gia. Tính từ khi triển khai cuối năm 2014 cho đến nay, đã có gần 20.000 hồ sơ xuất nhập cảnh tàu biển được thực hiện thông qua hệ thống trực tuyến, trong đó 6 tháng cuối năm 2015 có trung bình 2.429 hồ sơ. Mỗi hồ sơ thực hiện qua hệ thống trực tuyến đã có thể rút ngắn được nhiều ngày, giúp tiết kiệm được rất nhiều chi phí neo đậu của tàu thuyền tại các cảng biển. Tương tự, từ khi triển khai dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực đăng kiểm thì thời gian làm thủ tục kiểm tra phương tiện nhập khẩu đã giảm từ 15 ngày xuống còn 3 ngày.

Trung tâm CNTT của Bộ đã đóng một vai trò quan trọng cho sự thành công và phát triển bền vững khi triển khai các hệ thống CPĐT như kể trên. Ngay từ khi được giao nhiệm vụ, thay vì việc chỉ xây dựng đơn lẻ từng hệ thống, Trung tâm đã đi theo cách tiếp cận dựa trên một kiến trúc tổng thể. Khi đó, kiến trúc về CNTT phải được xây dựng trên nền tảng của kiến trúc nghiệp vụ và kiến trúc thông tin, hay nói cách khác, việc xây dựng CPĐT đã được gắn liền với việc thực hiện cải cách hành chính tại Bộ. Các lựa chọn giải pháp trong từng dự án luôn được đảm bảo tính thống nhất và phù hợp với kiến trúc tổng thể chung của Bộ. Nhờ việc nghiên cứu một cách có hệ thống ngay từ đầu mà kiến trúc của các hệ thống CNTT tại Bộ GTVT hiện nay được đánh giá là hoàn toàn phù hợp khung kiến trúc CPĐT quốc gia do Bộ Thông tin và Truyền thông mới ban hành.

Ngoài ra, để vận hành ổn định các hệ thống CPĐT có số lượng người dùng lớn và đòi hỏi mức độ sẵn sàng cao thì cần phải duy trì một chế độ dịch vụ hỗ trợ kĩ thuật thường xuyên. Trong thời gian đầu, hệ thống sẽ cần phải luôn được cải tiến và điều chỉnh cho phù hợp với các yêu cầu đa dạng của người sử dụng trong thực tế. Đây cũng chính là lí do căn bản mà Chính phủ đang khuyến khích triển khai các hệ thống CNTT theo hình thức thuê dịch vụ theo Quyết định số 80/2014/QĐ-TTg. Trong trường hợp thực hiện đầu tư cần phải cân đối được các khoản chi cho việc thuê dịch vụ phát triển và hỗ trợ kĩ thuật khi triển khai và vận hành hệ thống. Đứng trước tình trạng nguồn NSNN dành cho ứng dụng CNTT hiện nay còn hạn hẹp, Trung tâm CNTT đã mạnh dạn lựa chọn sử dụng nền tảng mã nguồn mở như là một giải pháp căn bản để có được phần lớn chi phí đầu tư cho các dịch vụ kĩ thuật thay vì phải chi trả phí mua bản quyền cho các phần mềm thương mại của Oracle, IBM, Microsoft…

Các hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Bộ GTVT hiện đang được triển khai trên OEP (Open Egov Platform) là nền tảng phát triển chính phủ điện tử mã nguồn mở do cộng đồng trong nước phát triển. Đơn vị thực hiện là Liên danh Hanel-DTT. Nền tảng này đã được xây dựng mở rộng trên cơ sở của hệ thống chính quyền điện tử TP. Đà Nẵng, đơn vị nhiều năm liền dẫn đầu cả nước về chỉ số ICT Index. Ngoài ra, hệ thống này cũng nhận được sự đánh giá cao của quốc tế thông qua các giải thưởng lớn như WeGO 2014 và AICTA 2015. Theo kế hoạch đã được duyệt, các dịch vụ công trực tuyến của Bộ GTVT sẽ được triển khai cơ bản vào năm 2016 ở mức độ 3 và 4.

Cùng với các kết quả triển khai bước đầu thành công tại Bộ GTVT, có thể khẳng định rằng, việc khai thác mã nguồn mở kết hợp với sử dụng dịch vụ hỗ trợ kĩ thuật tốt chính là hướng đi bền vững cho việc xây dựng các hệ thống CPĐT. Lựa chọn này có tính phù hợp với khả năng kinh tế và trình độ phát triển của nguồn lực CNTT trong nước hiện nay.

Ý kiến của bạn

Bình luận