Hàn Quốc lo Trung Quốc trả đũa vì triển khai lá chắn tên lửa

Chính trị 07/02/2017 10:13

Hàn Quốc lo ngại Trung Quốc có thể đang trả đũa kinh tế vì nước này quyết định triển khai lá chắn tên lửa của Mỹ.

 

12a_CNFA

Một hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối. Ảnh: Business Insider

Seoul đang thấy những dấu hiệu đáng lo, từ việc Bắc Kinh có khả năng chặn nhập khẩu một số sản phẩm đến hủy các buổi biểu diễn ca nhạc.

Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Yoo Il-ho gần đây nói rằng, ông nghĩ Trung Quốc có thể đang có hành động gián tiếp không công bằng trong một số trường hợp. Trung Quốc phản đối việc Hàn Quốc và Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), nói rằng họ hy vọng Hàn Quốc sẽ “tính đến quan ngại của Trung Quốc một cách nghiêm túc và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc giao lưu hữu nghị bình thường giữa nhân dân hai nước”.

Rào cản thương mại lớn hơn sẽ làm tổn thương nền kinh tế Hàn Quốc vốn dựa vào xuất khẩu, trong bối cảnh khủng hoảng chính trị cũng ảnh hưởng xấu đến tiêu thụ trong nước. Có rất ít triển vọng cải thiện tình hình này khi Trung Quốc kịch liệt phản đối THAAD, còn Hàn Quốc có nhu cầu hợp tác quốc phòng mạnh mẽ hơn với Mỹ để đối phó mối đe dọa từ Triều Tiên.

“Chính phủ Trung Quốc sẽ không tuyên bố hành động nào của họ là để trả đũa, nhưng tôi nhìn thấy nhiều vụ việc có thể gọi tên như vậy”, ông Shin Jong-ho, Giám đốc Viện Thống nhất Hàn Quốc tại Seoul, nói. “Tôi cho rằng, những căng thẳng đó sẽ tiếp tục trên nhiều lĩnh vực”, ông Shin nhận định. Ông dẫn chứng các chương trình ca nhạc ở Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu được lên kế hoạch cho giọng ca soprano Hàn Quốc Jo Sumi biểu diễn vào tháng 2 năm nay đã bị hủy. Ca sĩ Jo sau đó đăng trên Twitter rằng, những buổi biểu diễn này bị hủy không rõ lý do. Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói họ không nắm được vấn đề.

Dù Trung Quốc chiếm 1/4 lượng hàng hóa xuất khẩu của Hàn Quốc, nhưng các biện pháp trả đũa chưa được phản ánh rõ rệt trong số liệu. Lượng du khách Trung Quốc thăm Hàn Quốc đạt mức kỷ lục 8 triệu năm 2016, còn lượng hàng xuất khẩu tăng trở lại trong 3 tháng qua. Nhưng tại một cuộc họp chung về thỏa thuận tự do thương mại diễn ra tháng trước, chính phủ Hàn Quốc đã bày tỏ quan ngại trước việc Trung Quốc áp các rào cản thương mại phi thuế quan. Bộ Thương mại Hàn Quốc cho biết, vấn đề được nêu ra gồm việc Trung Quốc mở rộng các khoản thuế chống bán phá giá đối với sợi cáp quang, không cấp phép nhiều mặt hàng mỹ phẩm, chấm dứt trợ giá ô-tô điện chạy bằng ắc-quy Hàn Quốc, và hạn chế các chuyến bay và du lịch đến Hàn Quốc.

Việc từ chối cho nhập mỹ phẩm và bồn cầu một phần là do các công ty Hàn Quốc không tuân thủ những quy định mới của Trung Quốc, GS Kang Jun-young, chuyên gia về Trung Quốc tại ĐH Nghiên cứu quốc tế Hankuk (Hàn Quốc), nói. Nhưng nếu quan hệ ngoại giao tốt hơn, chính quyền Trung Quốc có thể đã không chặt chẽ như vậy, GS Kang nhận xét.

Trung Quốc phản đối việc triển khai THAAD ở Hàn Quốc, cho rằng hệ thống sẽ “phá hoại nghiêm trọng cân bằng chiến lược khu vực và lợi ích an ninh chiến lược của Trung Quốc và các nước khác trong khu vực”, theo sách trắng quốc phòng của Trung Quốc công bố gần đây.

Có thể tận dụng khủng hoảng chính trị

GS Kang cho rằng, Trung Quốc có thể tận dụng cuộc khủng hoảng chính trị ở Hàn Quốc hiện nay để kích động tâm lý chống THAAD và hy vọng tổng thống tiếp theo sẽ ngăn chặn việc triển khai hệ thống này. Nếu Tòa án hiến pháp Hàn Quốc chấp nhận việc phế truất bà Park Geun-hye, một cuộc bầu cử sẽ được tổ chức trước cuối tháng 8 năm nay. Cựu lãnh đạo đối lập Moon Jae-in, người đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò dư luận, nói rằng, quyết định về THAAD nên được chuyển cho chính quyền tiếp theo.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis và người đồng cấp Hàn Quốc mấy ngày trước đồng ý sẽ triển khai THAAD trong năm nay đúng như kế hoạch, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết. Một cuộc họp với tập đoàn Lotte, đơn vị đang sở hữu khu đất mà chính phủ Hàn Quốc chọn làm nơi đặt THAAD, cũng vừa diễn ra nhưng không thể thông qua việc chuyển giao đất cho chính phủ, hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap đưa tin.

Một chỉ số cho thấy mức độ nghiêm trọng của vấn đề là việc liệu các công ty Hàn Quốc có hay không bị đề cập trong chương trình truyền hình sắp phát sóng mà Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV phát sóng mỗi năm để đánh giá những phàn nàn của khách hàng và các sản phẩm tồi tệ. “Một cơ hội để đo ý định của Trung Quốc là xem liệu các công ty Hàn Quốc có trở thành mục tiêu trong ngày quyền khách hàng hôm 15/3 hay không”, ông Mr Jeong Hyung-gon, nghiên cứu sinh tại Viện Chính sách kinh tế quốc tế (Hàn Quốc), cho biết.

Ông Jeong nói rằng, Trung Quốc có thể sử dụng cơ hội từ THAAD để thúc đẩy ngành công nghiệp trong nước. “Điều quan trọng là các công ty Hàn Quốc phải tuân thủ đầy đủ quy định khi kinh doanh ở Trung Quốc vì không khí đã thay đổi”, ông Jeong nói.

Ý kiến của bạn

Bình luận