Hạn chót áp thuế cận kề, Mỹ-Trung vẫn không tìm được tiếng nói chung

Tác giả: cafebiz

saosaosaosaosao
Doanh nghiệp 24/09/2018 09:28

Trung Quốc đã hủy vòng đàm phán thương mại mới, cũng như hủy chuyến công du Mỹ của Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc vào tuần tới.

1280x720_80615c00_cpgsy_dzmt_drxd

Các thuế suất mới của Mỹ và Trung Quốc sẽ có hiệu lực từ ngày 24/9. Ảnh: Ktuu

Quyết định của Mỹ áp thuế đối với 200 tỷ USD giá trị hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và đòn đáp trả của Bắc Kinh áp thuế đối với 60 tỷ USD giá trị hàng nhập khẩu của Washington đều có hiệu lực từ ngày 24/9.

Hạn chót đang đến gần, nhưng không có bất cứ bước tiến nào trong nỗ lực giải quyết bất đồng giữa hai bên, với việc Trung Quốc hủy vòng đàm phán thương mại mới, cũng như hủy chuyến công du Mỹ của Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc vào tuần tới.

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung trong tuần qua bước vào giai đoạn mới khốc liệt hơn sau thông báo của Tổng thống Mỹ Donald Trump áp mức thuế 10% đối với hàng hóa nhập khẩu trị giá 200 tỷ USD của Trung Quốc từ ngày 24/9 và sau đó kể từ ngày 1/1/2019 sẽ nâng lên mức 25%. Trung Quốc đáp trả bằng tuyên bố sẽ áp thuế đối với hàng hóa Mỹ trị giá 60 tỷ USD, đồng thời đệ đơn kiện Mỹ lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) liên quan đến động thái  này.

Tổng thống Mỹ Donald Trump còn cảnh báo sẽ áp đặt thêm thuế vào hàng hóa Trung Quốc nếu nước này đáp trả các biện pháp trừng phạt của Mỹ. Những nỗ lực làm dịu căng thẳng trước thời điểm áp thuế có hiệu lực thất bại, khi Tạp chí Phố Wall của Mỹ ngày 22/9 đưa tin, Trung Quốc đã hủy các cuộc đối thoại thương mại sắp tới với Mỹ và sẽ không cử Phó Thủ tướng Lưu Hạc tới Mỹ vào tuần tới.

Đánh giá về tác động của các biện pháp áp thuế mới nhất của Mỹ, các quan chức Trung Quốc cho rằng, một nửa công ty bị ảnh hưởng tại Trung Quốc thuộc sở hữu của nước ngoài.

“Vào giai đoạn này, thuế sẽ bị áp đối với 6 loại sản phẩm: sản phẩm cơ điện, sản phẩm công nghiệp nhẹ, dệt may, hóa chất, nông sản và thuốc men. Các công ty có chủ sở hữu nước ngoài chiếm khoảng 50% danh mục bị ảnh hưởng. Điều đó cho chúng ta thấy các biện pháp bảo hộ thương mại đơn phương của Mỹ không chỉ ảnh hưởng đến lợi ích của Mỹ, các công ty Mỹ mà còn người tiêu dùng, ảnh hưởng đến an ninh của chuỗi cung cấp và công nghiệp toàn cầu”, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong cho biết.

Còn tác động đối với Mỹ, nếu có hiệu lực, mức khoản thuế ban đầu ở mức 10% được cho là không quá cao để hạn chế những ảnh hưởng mà người tiêu dùng Mỹ có thể sẽ phải gánh chịu trước mùa mua sắm sôi động hàng năm tại quốc gia này. Tổng thống Trump khẳng định, Mỹ có nhiều lợi thế trong cuộc chiến này, đồng thời cảnh báo nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới Trung Quốc nên nghĩ lại trước khi tham gia vào cuộc chiến với Mỹ.

Tuy nhiên, một số tập đoàn lớn của Mỹ bao gồm Target, Apple,Tập đoàn bán lẻ hàng đầu của Mỹ Walmart trong một bức thư gửi tới chính quyền Mỹ cảnh báo, các loại thuế mới vào hàng hóa Trung Quốc sẽ khiến giá cả tăng. Người đứng đầu tập đoàn khổng lồ của ngành thương mại điện tử Alibaba, Jack Ma cho rằng, bất đồng này có thể ảnh hưởng đến cam kết của ông mang lại 1 triệu việc làm tại Mỹ. 

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cũng cảnh báo, tăng trưởng kinh tế toàn cầu có nguy cơ sụt giảm trong bối cảnh mâu thuẫn thương mại gia tăng, xuất phát từ các chính sách bảo hộ mậu dịch của Mỹ, ảnh hưởng tới thương mại thế giới.

“Các đơn đặt hàng xuất khẩu cũng đã bắt đầu giảm và điều đó đã diễn ra trong vài tháng qua. Điều đó cho thấy giảm tốc trong tăng trưởng thương mại sẽ tiếp tục. Chúng ta  đang chứng kiến sự gia tăng trong chủ nghĩa bảo hộ tác động tiêu cực đến triển vọng tăng trưởng toàn cầu”, nhà kinh tế trưởng của OECD Laurence Boone nhận định.

Tuy nhiên, hiện dư luận tại Trung Quốc vẫn lạc quan khi cho rằng hai bên có thể đạt được các kết quả đối thoại chỉ sau khi cuộc bầu cử giữa kỳ tại Mỹ kết thúc. Giới quan sát cho rằng, một trong những lí do cho việc chính quyền Tổng thống Mỹ gia tăng áp thuế với Trung Quốc là giúp phe Cộng hòa có thêm sự ủng hộ của cử tri trước các cuộc bầu cử giữa kỳ sắp tới. Mức thuế tương đối thấp trong quyết định lần này có thể là cách thức được Mỹ chọn lựa để duy trì cánh cửa đối thoại với Trung Quốc.

Tổng thống Mỹ Donald Trump luôn khẳng định, mong muốn có các cuộc đàm phán với Trung Quốc, bao gồm một cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 vào tháng 11 tới tại Argentina. Tổng thống Trump cho rằng, mối quan hệ tốt giữa ông với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là lí do để tin tưởng rằng bất đồng thương mại giữa hai bên có thể được giải quyết.

Ý kiến của bạn

Bình luận