Hai phương án khoán ôtô công cho Thứ trưởng

Giao thông 24h 14/07/2017 09:46

Thay vì xe công đưa đón, các chức danh có hệ số phụ cấp chức vụ từ 1,25 trở lên sẽ nhận khoán gọn hoặc thanh toán theo thực tế.

 

1_36195
Hai phương án khoán ôtô công cho Thứ trưởng

Bộ Tài chính vừa công bố dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ôtô để xin ý kiến nhân dân.

Theo dự thảo, để đảm bảo tiết kiệm và hiệu quả hơn trong việc sử dụng tài sản công, các chức danh có hệ số phụ cấp chức vụ từ 1,25 trở lên đang có xe đưa đón sẽ khoán kinh phí từ nơi ở đến nơi làm việc. Những cán bộ này khi đi công tác sẽ được bố trí xe phục vụ chung hoặc nhận khoán kinh phí, thuê xe dịch vụ.

Đối tượng thực hiện khoán kinh phí gồm Thứ trưởng, Tổng cục trưởng và các chức danh tương đương ở Trung ương; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND, UBND, trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc các Tập đoàn kinh tế do Thủ tướng quyết định thành lập.

Mức khoán kinh phí sẽ do đơn vị công tác của các chức danh nêu trên quyết định theo một trong 2 phương án.

Phương án 1 là khoán gọn. Căn cứ khoảng cách đưa đón, tần suất, khoảng cách đi công tác và đơn giá dịch vụ vận chuyển của phương tiện tương đương trên thị trường tại địa phương để xác định mức khoán cụ thể cho các chức danh có tiêu chuẩn sử dụng xe. 

Phương án 2 là thanh toán theo km thực tế và đơn giá dịch vụ của phương tiện vận tải tương đương trên thị trường.

Nguyên tắc khoán kinh phí sử dụng xe được Bộ Tài chính đưa ra là tổng chi phí cho sử dụng xe không cao hơn chi phí sử dụng xe của năm trước liền kề (khi chưa áp dụng khoán). Đồng thời, việc khoán kinh phí sử dụng xe phải đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả hơn việc trang bị ôtô.

"Trường hợp tất cả chức danh có tiêu chuẩn sử dụng ôtô áp dụng khoán kinh phí thì cơ quan, đơn vị đó không trang bị ôtô. Trường hợp đã trang bị thì phải sắp xếp lại số xe hiện có và xử lý theo quy định", dự thảo nêu rõ.

Dự thảo Nghị định cũng đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 giảm 30% - 50% số lượng ôtô phục vụ công tác chung đang được trang bị cho các Bộ, ngành, địa phương (trừ các đơn vị thuộc địa bàn miền núi, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn). 

Để đạt được mục tiêu này, định mức sử dụng xe của các Cục, Vụ thuộc Bộ phải giảm so với quy định hiện hành, từ 2 xe xuống còn 1 xe với đơn vị có biên chế từ 50 người trở lên, và 2 đơn vị một xe với đơn vị có biên chế dưới 50 người.

Các Cục, Vụ thuộc Tổng cục cũng có định mức xe thống nhất. Theo đó, văn phòng Tổng cục giữ quy định hiện hành là được trang bị tối đa 2 xe mỗi đơn vị. Vụ thuộc Tổng cục giảm so với quy định hiện hành từ 2 đơn vị 1 xe xuống thành 3 đơn vị 1 xe (biên chế dưới 50 người).

Trước đó, tham gia ý kiến vào dự thảo, Văn phòng Chính phủ thống nhất với các nội dung Bộ Tài chính đưa ra và cho biết đang xây dựng phương án khoán ôtô với các chức danh.

Cụ thể, những cán bộ có hệ số phụ cấp chức vụ từ 1,25 đến 1,3 (tương đương Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ) sẽ khoán xe đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại. Khi đi công tác nội thành, đi sân bay và đi công tác địa phương thì được Văn phòng Chính phủ bố trí xe phục vụ.

Những cán bộ có hệ số phụ cấp chức vụ từ 0,7 đến dưới 1,25 sẽ khoán xe đi công tác nội thành và sân bay; công tác địa phương cũng được Văn phòng Chính phủ bố trí xe ôtô phục vụ.

Theo dự thảo, các chức danh được sử dụng thường xuyên một xe ô tô, kể cả sau khi đã nghỉ công tác (không quy định mức giá mua xe cụ thể), gồm Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội.

Chức danh được sử dụng thường xuyên một xe ô tô trong thời gian công tác gồm: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, các chức danh tương đương và các chức danh có hệ số lương khởi điểm từ 10,4 trở lên; Bí thư Thành ủy TP HCM và TP  Hà Nội.

Chức danh được sử dụng thường xuyên trong thời gian công tác một xe ô tô với giá mua tối đa 1,1 tỷ đồng, gồm: Trưởng ban của Đảng ở Trung ương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội; Tổng Kiểm toán nhà nước; Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Mặt trận Tổ quốc, Trưởng các đoàn thể ở Trung ương, các chức danh tương đương và các chức danh có hệ số lương khởi điểm từ 9,7 trở lên; Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Các chức danh của TP Hà Nội, TP HCM (Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch ĐHND, Chủ tịch UBND Thành phố, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách).

Ý kiến của bạn

Bình luận