Hai phương án đầu tư xây tuyến đường cao tốc Hà Nội-Vientiane

Thị trường 23/12/2015 14:19

Ban QLDA 85 vừa có báo cáo lên Bộ GTVT về việc đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc kết nối Vientiane-HN với các phương án và phân kỳ đầu tư.

Ảnh minh họa. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Theo lãnh đạo Ban Quản lý dự án 85, Tổng công ty Tư vấn thiết kế Giao thông vận tải (TEDI) đã nghiên cứu 7 phương án tuyến đường cao tốc từ Vientiane đến Hà Nội qua các cửa khẩu hiện hữu gồm Lóng Sập (Sơn La)-Pa Háng (Hủa Phăn), Na Mèo (Thanh Hóa)-Nậm Xôi (Hủa Phăn), Khẹo (Thanh Hóa)-Tha Lấu (Hủa Phăn), Thông Thụ/Nậm Tay (Nghệ An), Nậm Cắn (Nghệ An)-Nặm Cắn (Xiêng Khoảng), Thanh Thủy (Nghệ An)-Nậm On (Bolykhămxay), cầu Treo (Hà Tĩnh)-Nậm Phao (Bolykhămxay).

Trên cơ sở so sánh hiệu quả của 7 phương án kết nối qua 7 cặp cửa khẩu nêu trên, TEDI đề xuất hai phương án kết nối qua cặp cửa khẩu Khẹo (Thanh Hóa)-Tha Lấu (Hủa Phăn) và Thanh Thủy (Nghệ An)-Nậm On (Bolykhămxay) có nhiều lợi thế hơn so với các phương án kết nối khác.

Cụ thể, đối với phương án kết nối qua khu vực cặp cửa khẩu Khẹo (Thanh Hóa)-Tha Lấu (Hủa Phăn) sẽ có tổng chiều dài tuyến từ Vientiane-Hà Nội là 720km.

Giai đoạn hoàn chỉnh đầu tư khoảng 7,1 tỷ USD với quy mô 6 làn xe theo tiêu chuẩn đường cao tốc, vận tốc thiết kế 80-120km/giờ (các đoạn đặc biệt khó khăn áp dụng vận tốc thiết kế 60km/giờ).

Để đảm bảo nguồn vốn đầu tư, đơn vị đề xuất lập dự án cũng phân kỳ đầu tư theo giai đoạn 1 khoảng 200 triệu USD nối thông tuyến đoạn từ Quốc lộ 7 thuộc khu vực Ban Phakhe, huyện Nong Hẹt, tỉnh Xiêng Khoảng đến huyện Xăm Tạy, tỉnh Hủa Phăn theo tiêu chuẩn đường cấp 4 miền núi của Lào, dài khoảng 160km theo hướng đường hiện tại, với quy mô bề rộng nền đường 7m để phù hợp với đoạn Xăm Tạy-Tha Lấu đang triển khai xây dựng; tận dụng một số đoạn tuyến hiện tại như Quốc lộ 13 (60km), Quốc lộ 21(80km), Quốc lộ 1D (130km), Quốc lộ 7 (90km), Xăm Tạy-Tha Lấu (67km) bên phía Lào và Quốc lộ 47 (55Km), đường Hồ Chí Minh (170km), Đại lộ Thăng Long (30km) bên phía Việt Nam, đảm bảo mục đích nối thông trong giai đoạn 1 với chiều dài khoảng 842km.

Đánh giá về phương án này, theo lãnh đạo Ban quản lý dự án 85, phương án này kết nối thuận lợi với các cửa khẩu dọc theo tuyến cao tốc (cửa khẩu Na Mèo, Khẹo, Thông Thụ, Nậm cắn), các khu vực đặc biệt khó khăn (tỉnh Xai Som Boun, Xiêng Khoảng, Hủa Phăn) của Lào đồng thời kết nối thuận lợi ra cảng biển Hải Phòng với chiều dài khoảng 740km.

Tuy nhiên, tuyến đi qua khu vực địa hình đặc biệt khó khăn, phải xây dựng khoảng 10,5km hầm và 41km cầu trên tuyến, yếu tố hình học bất lợi (khoảng 25% chiều dài tuyến phải khai thác với tốc độ 60km/giờ), kinh phí đầu tư lớn hơn phương án qua cửa khẩu Thanh Thủy khoảng 2,58 tỷ USD.

Với phương án kết nối qua khu vực cặp cửa khẩu Thanh Thủy (Nghệ An)-Nậm On (Bolykhămxay), toàn tuyến có chiều dài từ Vientiane-Hà Nội là 707km.

Theo đó, giai đoạn hoàn chỉnh khoảng 4,52 tỷ USD đầu tư xây dựng tuyến đường mới với quy mô 6 làn xe theo tiêu chuẩn đường cao tốc, vận tốc thiết kế 80-120km/giờ.

Tuy nhiên, giai đoạn 1 chỉ nâng cấp mặt đường Quốc lộ 13 đoạn từ Viêng Thông đến Pặc Xan và xây dựng đoạn từ Pặc Xan đến Viêng Thông, khoảng 104km với quy mô bề rộng nền đường 9m, phù hợp với dự án từ Viêng Thông đến Thanh Thủy đang triển khai xây dựng; tận dụng một số đoạn tuyến hiện tại như Quốc lộ 13 (120km), Quốc lộ 21 (20km), dự án từ Viêng Thông đến Thanh Thủy (145km) bên phía Lào và Quốc lộ 46 (35Km), đường Hồ Chí Minh (287km), Đại lộ Thăng Long (30km) bên phía Việt Nam, đảm bảo mục đích nối thông trong giai đoạn 1, với chiều dài khoảng 731km.

Phương án kết nối qua cửa khẩu Thanh Thủy (Nghệ An) có ưu điểm xây dựng tuyến nối có chiều dài ngắn, địa hình thuận lợi hơn, kết nối thuận tiện với hệ thống cảng biển nước sâu (Nghi Sơn, Cửa Lò, Xuân Hải, Vũng Áng,...), kinh phí đầu tư thấp hơn; kết nối thuận lợi ra cảng biển Hải Phòng với chiều dài khoảng 735km. Nhược điểm của tuyến đường này chỉ đi qua địa phận Thủ đô Vientiane và tỉnh Bolykhămxay do đó việc kết nối với hệ thống giao thông khu vực không được toàn diện.

Với hai phương án đã được phân tích ưu nhược điểm, Ban quản lý dự án 85 đề nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận lựa chọn phương án kết nối đường cao tốc Vientiane-Hà Nội qua cửa khẩu Thanh Thủy (Nghệ An) để tiếp tục nghiên cứu./.

Ý kiến của bạn

Bình luận