Hà Nội:“Xe trá hình” làm “xiếc”, cơ quan chức năng ở đâu?

Tác giả: Lê Minh

saosaosaosaosao
Đường dây nóng 12/09/2017 09:30

Thời gian qua, nhiều bạn đọc phản ánh với Tạp chí GTVT tình trạng một số nhà xe, đơn vị kinh doanh vận tải lợi dụng kẽ hở của pháp luật dùng xe hợp đồng khai thác trái phép tuyến cố định, gây nên vấn nạn “xe dù, bến cóc” làm rối loạn thị trường vận tải, thất thu ngân sách nhà nước. Phóng viên Tạp chí GTVT đã điều tra làm rõ thực trạng này.


IMG_1469

Xe "trá hình" nuôi đuôi nhau xếp khách tại phố Trần Quang Khải (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội)

Nhan nhản xe “trá hình”

Lâu nay, người dân Thủ đô không còn xa lạ với những chiếc xe giường nằm hằng ngày vẫn diễu qua mọi con phố. Hầu hết những chiếc xe này đều được cấp phù hiệu “Xe hợp đồng” do Sở GTVT Hà Nội cấp nhưng thực tế lại đang chạy như xe khách tuyến cố định. Phóng viên Tạp chí GTVT theo dõi nhiều ngày và nắm bắt quy luật hoạt động: sau 17h trên các tuyến phố Trần Đại Nghĩa, Trần Khát Chân (quận Hai Bà Trưng), Trần Nhật Duật, Nguyễn Hữu Huân, Trần Quang Khải (quận Hoàn Kiếm), Giải Phóng (quận Hoàng Mai)… luôn xuất hiện những chiếc xe giường nằm 2 tầng dừng đỗ đón khách ngay tại văn phòng bán vé.

IMG_1467
Nhà xe Camel Travel (đi Huế, Sa Pa-Lào Cai) thường xuyên đón khách trên đường Trần Khát Chân (TP Hà Nội).

Theo đó, cứ 18 giờ hằng ngày, trước số nhà 287 Trần Khát Chân lại xuất hiện chiếc xe giường nằm mang BKS 29 (Hà Nội) của nhà xe Hưng Thành nằm chờ tới giờ xếp khách. Người dân tại đây cho biết, nhà xe Hưng Thành mỗi tối đều đặn có 3- 4 xe đón khách tại đại lý bán vé này. “Xe này đón khách đều nhằm giờ cao điểm, gây tắc nghẽn, vậy mà cứ hoạt động 3- 4 năm nay không được xử lý dứt điểm”.

Tinh vi hơn, tại số nhà 388 Trần Khát Chân, đại lý bán vé của nhà xe Hưng Long tấp nập người ra vào mua vé đi Quảng Bình. Nhân viên ở đây tiết lộ, đối với tuyến Hà Nội - Quảng Bình nhà xe có 4 chuyến/ngày, đó là:17h30, 18h30, 19h30 và 20h30.

Ghi nhận cho thấy, ti số 338 Trần Khát Chân, nhà xe tuyến Hà Nội – Quảng Bình "vô tư" bán phiếu cấp chỗ cho khách lẻ chẳng khác gì xe tuyến cố định.

Được biết, ô tô của Công ty Hưng Long được cấp phép phục vụ khách đoàn đi tham quan, du lịch, đám cưới, đám ma..., nhưng có dấu hiệu hoạt động trá hình với đủ“chiêiu” lách Luật. 

IMG_1485
Xe của hãng Hưng Long ngang nhiên đỗ, đón và trả khách tại bến xe buýt, trước văn phòng bán vé số 338 Trần Khát Chân (TP Hà Nội)
 

Để quản lý các loại hình vận tải, cơ quan chức năng cấp phù hiệu “Xe chạy tuyến cố định” (thường gọi tắt là xe khách) và “Xe hợp đồng” với các nguyên tắc hoạt động khác nhau. Không khó nhận ra, trên kính của hầu hết các xe tại đây đều mang phù hiệu xe hợp đồng nhưng được vận hành như xe khách với những thủ thuật không khó phát hiện.Do xe hợp đồng không được bán vé nên Hưng Long cấp cho khách “phiếu cấp chỗ” để lách Luật. Tấm phiếu cấp chỗ này có đầy đủ thông tin chỗ ngồi, giá cước tương tự như một vé xe. 

Có mặt tại phố Trần Khát Chân (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), tìm xe khách đi Huế, chúng tôi thấy các hãng Hưng Thành, Camel travel, Minh Mập ...mời chào bán vé, sử dụng văn phòng làm “bến cóc”. Điều đáng nóiqua kiểm trên hệ thống, kết quả thể hiện những hãng xe này đều không đăng ký chạy tuyến cố định tại các bến xe. 

IMG_1006
Đối diện VP nhà xe Hưng Long là Hưng Thành (đi Huế, Hội An và Sa Pa, Lào Cai)

Đặc biệt, vào giờ cao điểm, trên tuyến phố có lưu lượng giao thông lớn như đường Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải, Nguyễn Hữu Huân… (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đâu đâu cũng thấy hàng loạt những chiếc xe đón trả khách gắn phù hiệu hợp đồng lẫn các xe du lịch kiểu Limousine. Những hành khách này chỉ cần báo qua điện thoại và đặt chỗ qua mạng là có người đến đón. Với lượng khách đông, nhiều hãng như: Queen Cafe, Sa Pa Morning, Sapa Express, The Sinh Cafe, Cát Bà Morning... sử dụng xe giường nằm loại trên 40 chỗ len lỏi vào tận trung tâm Phố cổ để đón khách. 

Phố cổ trở thành điểm nóng về xe “trá hình”

Trong các ngày đầu tháng 9, gọi điện cho hãng xe Queen Cafe tại địa chỉ 208 Trần Quang Khải để đặt vé xe khách đi Sa Pa, Lào Cai, chúng tôi nhận được ngay thông báo điểm đón khách tại văn phòng công ty. Tại đây, nhà xe này trực tiếp thu tiền, xác nhận đặt chỗ và đón khách đi Sa Pa. Trước lúc lên xe, một nhân viên đưa cho chúng tôi bản hợp đồng và đề nghị ký vào… Đó là một “chiêu” không mới của xe dù, bến cóc nhưng chẳng hiểu sao vẫn mãi tồn tại ở giữa lòng Thủ đô Hà Nội? Đặc biệt, điểm đón, trả khách của hãng xe này chỉ cách trụ sở Đội Thanh tra giao thông quận Hoàn Kiếm chừng 30 mét, tuy nhiên việc xử lý vẫn như là “bắt cóc bỏ đĩa”.

IMG_1057
Hãng xe Queen Cafe lập "bến cóc" cố định tại số 198 Trân Quang Khải, cách trụ sở Đội Thanh tra giao thông Hoàn Kiếm 50 mét đón, trả khách cả ngày lẫn đêm. 

Ngoài hãng xe Queen Cafe, tại địa chỉ số 162B Trần Quang Khải, Công ty TNHH Hưng Thành trực tiếp tổ chức thu tiền, xác nhận đặt chỗ cho khách đi Lào Cai, Huế, sau đó dẫn khách ra số 250 Trần Quang Khải để lên xe. 

Theo chỉ dẫn của một người bạn đã nhiều năm lái xe khách từ Hà Nội đi các tuyến, chúng tôi trực tiếp đến một số “bến cóc” trong khu vực nội thành và chứng kiến các “bến cóc” này hoạt động thường xuyên, điển hình là “bến cóc” của nhà xe Năm Giang (đi Quảng Bình) trên đường Giải Phóng, quận Hoàng Mai; tại  phố Phương Liệt (quận Thanh Xuân) có nhiều “xe dù” đón khách đi Thanh Hóa; “bến cóc” trên đường Trần Thủ Độ ngay sau Bến xe Nước Ngầm đón khách đi Vinh, Hà Tĩnh; tại phố Bạch Đằng (phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng) tồn tại hàng loạt "bến dù" phục vụ tuyến Hà Nội - Nam Định, Hà Nội - Quảng Trị...Điều rất đáng lo ngại là đại đa số các “bến cóc” này tồn tại trái phép từ lâu, gây mất trật tự an ninh và an toàn giao thông, đồng thời “xe dù” tại đây trốn thuế nên dư luận rất bức xúc, nhưng... vẫn ngang nhiên hoạt động mà không bị xử lý triệt để.

IMG_1470
Trên đường Giải Phóng (quận Hoàng Mai, Hà Nội), các xe Năm Giang, Minh Mập, Vietbus "trưng dụng" lòng đường, vỉa hè làm bến xe riêng, nhưng tuyệt nhiên không thấy lực lượng chức năng xử lý.

 

IMG_1471
 Một  "bến cóc" phục vụ xe tuyến Nam Định - Hà Nội ngay trong  dân cư tổ 12C, phường Thanh Lương ( quận Hai Bà Trưng, Hà Nội)

Trao đổi với PV, một số doanh nghiệp vận tải đăng ký chạy tuyến cố định ở bến Mỹ Đình, bến Giáp Bát, bến Nước Ngầm tỏ ra bức xúc trước hoạt động trá hình của các hãng xe nói trên. Ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty CP VTTM và DV Đất Cảng cho hay: “Việc các nhà xe chạy tuyến cố định, đón trả khách dọc đường nhưng “núp bóng” xe du lịch đã ảnh hưởng rất nhiều đến các nhà xe chạy tuyến cố định. Theo quy định, xe của các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh vận tải hành khách phải chịu các khoản thuế và phí như: Bến bãi, lộ trình đường tuyến, VAT 10% giá vé. Đơn cử như lệ phí bến xe ra vào của chúng tôi là 400.000 đồng/xe, trong khi đó những chiếc xe kiểu Limousine vẫn chở khách như tuyến cố định mà không phải đóng. Đây là một hình thức trốn thuế và cạnh tranh không lành mạnh của loại xe dù này với các doanh nghiệp vận tải khác”.

Vậy nguyên nhân nào khiến nạn “xe dù, bến cóc” tại Hà Nội bùng phát mạnh? Câu hỏi này chúng tôi sẽ trả lời ở bài sau.

 

Ý kiến của bạn

Bình luận