Hà Nội: Ưu tiên phát triển giao thông công cộng

Tác giả: Minh lê - Vũ Hằng

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 02/04/2017 05:54

Hà Nội đang trong giai đoạn phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông một cách vượt bậc với hàng loạt công trình, dự án trọng điểm hoàn thành...

Hà Nội đang trong giai đoạn phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông một cách vượt bậc với hàng loạt công trình, dự án trọng điểm hoàn thành và đưa vào khai thác, trong đó các dự án đường sắt đô thị và xe buýt nhanh (BRT) được đánh giá cao, đem lại thành quả lớn cho ngành GTVT. Tuy nhiên, bên cạnh những việc đã làm được, Hà Nội vẫn còn khá nhiều bất cập khiến cho hạ tầng giao thông vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu của người dân.

Đó là tình trạng ách tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng do gia tăng dân số và phương tiện giao thông cá nhân; thiếu nước sạch; ô nhiễm môi trường; ô nhiễm không khí, úng ngập mùa mưa... trong khi việc đầu tư xây dựng giao thông đô thị còn chậm do thiếu nguồn lực, cơ chế chính sách chưa theo kịp thực tế.

Tại buổi làm việc với UBND TP. Hà Nội vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho rằng, tình trạng ùn tắc của các đô thị lớn hiện nay hết sức nghiêm trọng, đặc biệt là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Đây cũng là thách thức lớn ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, chất lượng sống của người dân và làm gia tăng ô nhiễm.

Theo một số báo cáo và nghiên cứu, hiện giao thông công cộng Hà Nội chỉ mới đáp ứng 10% nhu cầu, trong khi đó riêng giao thông công cộng bằng đường sắt đô thị tại Nhật Bản đã chiếm 25% vận tải hành khách. Mặt khác, các phương tiện cá nhân lại tăng nhanh, xu hướng ô tô hóa phát triển mạnh nhưng hạ tầng thiếu hệ thống giao thông ngầm, trên cao, diện tích dành cho giao thông ít, thiếu nơi giao thông tĩnh như bãi đỗ đang là nguyên nhân và cũng là áp lực của tình trạng UTGT.

Trước tình hình đó đòi hỏi Hà Nội phải có giải pháp giảm UTGT một cách hiệu quả, lâu dài và một trong những giải pháp đó là phát triển cơ sở hạ tầng giao thông công cộng. Nhiều chuyên gia về quy hoạch đã khẳng định, các thành phố lớn của Việt Nam muốn thoát khỏi ùn tắc chỉ có thể phát triển hệ thống đường sắt đô thị và xe buýt.

Đến nay, Dự án tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội đã đấu thầu và ký kết hợp đồng 8/9 gói thầu. Tổng khối lượng triển khai thi công đã đạt được trên 30%. Dự kiến, dự án có thể hoàn thành, đưa vào khai thác vào cuối năm 2021.

Theo quy hoạch tầm nhìn đến năm 2050, TP. Hà Nội sẽ có 8 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài là 305km, bình quân 100 - 150 triệu USD/km đường, tiêu tốn khoảng 40 tỷ USD. Hiện tại, Hà Nội mới thực hiện 02 tuyến đường sắt đô thị là Nhổn - Ga Hà Nội và Cát Linh - Hà Đông. Mặc dù tuyến Cát Linh - Hà Đông đã hoàn thành được hơn 90%, tuyến Nhổn - Ga Hà Nội đã hoàn thành cơ bản hệ thống trụ dầm, tuy nhiên cả hai tuyến đều chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra.

Cụ thể, tại tuyến Nhổn - Ga Hà Nội vẫn còn nhiều khó khăn bởi có 4km đường ngầm đi vào nội đô. Thêm vào đó là cơ chế, nguồn vốn thực hiện dự án rất khó khăn. Tính đến nay, công trình đã hoàn thiện 30% công việc và đẩy nhanh tiến độ đến năm 2021 có thể vận hành.

Tại Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, lãnh đạo Ban QLDA Đường sắt cho biết, khối lượng xây lắp công trình của Dự án đã hoàn thành được hơn 90%, trong đó phần hạ tầng chạy tàu đã cơ bản hoàn thành. Dự kiến sau ngày 30/9/2017, Dự án sẽ được đưa vào vận hành chạy thử từ 3 đến 6 tháng. Tuy nhiên, để đạt được điều này, Dự án đã đội vốn hơn 250 triệu USD (868 triệu USD so với tổng mức đầu tư ban đầu là 552 triệu USD).

Trong lĩnh vực giao thông công cộng, Hà Nội cũng đang được đẩy mạnh tập trung vào các tuyến xe buýt nhanh như tuyến bến Yên Nghĩa - Kim Mã, đồng thời sẽ triển khai xây dựng tuyến BRT thứ 2 Kim Mã - Hòa Lạc trong Quý I năm nay.

Ngoài 2 tuyến buýt nhanh này, theo quy hoạch giao thông đến năm 2030 đã được phê duyệt, Thành phố sẽ có 7 tuyến xe buýt nhanh BRT (với chiều dài tổng cộng 191km) để giải quyết giao thông công cộng của Thủ đô nhằm hoàn thiện tính kết nối, phục vụ nhu cầu di chuyển của người dân.

Như vậy, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trong nước đồng bộ, hiện đại để kết nối với hạ tầng giao thông khu vực, sử dụng nguồn lực hợp lý để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; ưu tiên các công trình có tính lan tỏa, đảm bảo kết nối các phương thức vận tải, các trung tâm kinh tế lớn, các vùng kinh tế trọng điểm, các cửa ngõ, đầu mối giao thông quan trọng gắn với mạng lưới hạ tầng giao thông trong các liên kết khu vực nhằm mục đích nâng cao hiệu quả đầu tư kết cấu hạ tầng nói chung và hạ tầng kết nối khu vực nói riêng, góp phần quan trọng trong việc đột phá phát triển hạ tầng giao thông

Theo Đề án Quy hoạch GTVT Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được UBND TP. Hà Nội trình Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội đang hướng tới xây dựng hệ thống GTVT hoàn thiện, đáp ứng được các tiêu chí: Bền vững, đồng bộ, hiện đại. Đề án nêu rõ, để khắc phục hàng loạt bất cập đang tạo áp lực lên hệ thống giao thông Thành phố, Hà Nội sẽ  tập trung phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, đảm bảo tỷ lệ diện tích đất giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị đạt 20 - 26% cho đô thị trung tâm và đạt 18 - 23% cho các đô thị vệ tinh. Trong đó, diện tích đất cho giao thông tĩnh cần đạt 3 - 4%. Hà Nội cũng tập trung cải tạo và xây dựng mới 185 nút giao khác mức giữa các đường cao tốc, đường trục chính đô thị với đường ngang, xây dựng mới 11 cầu cộng với 6 cầu hiện hữu vượt sông Hồng trong khu vực Hà Nội... Cùng với đó là 8 tuyến đường sắt đô thị khu vực đô thị trung tâm; 8 tuyến xe buýt nhanh; 11 tuyến cao tốc, 8 quốc lộ và 02 đường vành đai liên vùng nối giao thông từ Thủ đô đi các phía.

Theo Đề án Quy hoạch GTVT Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được UBND TP. Hà Nội trình Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội đang hướng tới xây dựng hệ thống GTVT hoàn thiện, đáp ứng được các tiêu chí: Bền vững, đồng bộ, hiện đại. Đề án nêu rõ, để khắc phục hàng loạt bất cập đang tạo áp lực lên hệ thống giao thông Thành phố, Hà Nội sẽ  tập trung phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, đảm bảo tỷ lệ diện tích đất giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị đạt 20 - 26% cho đô thị trung tâm và đạt 18 - 23% cho các đô thị vệ tinh. Trong đó, diện tích đất cho giao thông tĩnh cần đạt 3 - 4%. Hà Nội cũng tập trung cải tạo và xây dựng mới 185 nút giao khác mức giữa các đường cao tốc, đường trục chính đô thị với đường ngang, xây dựng mới 11 cầu cộng với 6 cầu hiện hữu vượt sông Hồng trong khu vực Hà Nội... Cùng với đó là 8 tuyến đường sắt đô thị khu vực đô thị trung tâm; 8 tuyến xe buýt nhanh; 11 tuyến cao tốc, 8 quốc lộ và 02 đường vành đai liên vùng nối giao thông từ Thủ đô đi các phía.

Ý kiến của bạn

Bình luận