Hà Nội thiếu trường, 60 trẻ phải học chung một lớp

22/07/2017 05:27

Quy định mỗi lớp tiểu học không quá 35 em, nhưng quận Cầu Giấy có 11 trường công lập bình quân 56 em mỗi lớp, có lớp 60-65 học sinh.

hocsinh-9740-1500635578
Các trường công lập ở nội thành Hà Nội luôn trong tình trạng quá tải. Ảnh: Quý Đoàn.

Giữa tháng 6, chị Thùy (Cầu Giấy, Hà Nội) cùng con gái 7 tuổi bắt đầu ôn luyện kiến thức lớp 1 và học trước chương trình lớp 2. "Lớp tới 60 em, bàn ghế kê san sát, cô giáo phải dùng micro để dạy, khó tránh khỏi việc không quan tâm từng em. Vì thế, nhiều lúc con tôi học với bố mẹ ở nhà là chính", chị Thùy giải thích. 

Người mẹ lắc đầu nhớ cảnh đón con khi tan trường, học sinh ùa ra như ong vỡ tổ. Bố chồng nhiều lần đề nghị chị chuyển cháu gái sang trường ít học sinh hơn để được giáo viên kèm cặp, không vất vả học thêm buổi tối ở nhà. Tuy nhiên, tiếc ngôi trường danh giá nhất quận Cầu Giấy, nơi nhiều người tìm cách xin cho con vào nhưng không được, chị để con học tiếp ở lớp quá tải này. 

Học lớp có 60 bạn ở trường tiểu học phường Mai Dịch (Cầu Giấy), con chị Nguyệt nhiều lần than không nghe thấy cô giáo giảng. Những em ngồi bàn cuối (dãy dọc có hơn 10 bàn) thi thoảng chạy lên trên nhìn cho rõ chữ ghi trên bảng.

"Giờ tin học, 2 bạn thực hành chung một máy nên đôi khi bạn làm lâu, đến lượt con mình thì sắp hết giờ. Khi ngủ trưa, 2 trẻ nằm chung một mặt bàn học chật chội, chẳng có chỗ để chân", chị Nguyệt kể. Nghe con gái thở dài vì không được cô hỏi han do chỉ đủ thời gian kèm những bạn học kém, người mẹ ước có nhiều tiền hơn để con học trường tư ít học sinh. 

"Quy định của Bộ Giáo dục về số học sinh mỗi lớp tiểu học không quá 35, hay mầm non 3 tuổi không quá 20, lớp 4 tuổi 25... xa vời thực tế của Hà Nội. Các quận nội thành, nhất là địa bàn có nhiều khu đô thị mới, không bao giờ đạt được con số đó", Trưởng phòng Giáo dục một quận luôn quá tải học sinh nói.

Báo cáo của UBND TP Hà Nội cho thấy, quận Cầu Giấy có 14 trường mầm non công lập, bình quân 60,89 học sinh một nhóm lớp; 11 trường tiểu học công lập bình quân 56 em một lớp. Quận Hoàng Mai có 21 trường mầm non công lập bình 47,4 trẻ một nhóm lớp; 17 trường tiểu học trung bình 51,6 em một lớp.

Quận Đống Đa có diện tích đất bậc mầm non đạt 3,7 m2 trên một học sinh; bậc tiểu học là 3 m2. Tiêu chuẩn quốc gia quy định khu vực thành phố phải đạt 8 m2 cho một trẻ mầm non và 6 m2 cho một học sinh tiểu học. 

Trưởng phòng Giáo dục quận Cầu Giấy, ông Phạm Ngọc Anh cho rằng nguyên nhân quá tải trường lớp công lập là tốc độ tăng dân số lớn. Quận Cầu Giấy hiện có hơn 300.000 người, tăng cơ học 10% một năm. Nhiều người chuyển đi nơi khác nhưng không cắt khẩu, vẫn cho con học ở nơi cư trú cũ. Trong khi các trường chỉ phục vụ trẻ sinh sống ở địa phương.

"Việc các khu đô thị dành đất xây trường rất hạn chế, một số dành đất nhưng chủ trương xã hội hóa thành trường ngoài công lập. Nhìn khu đô thị đó có trường nhưng thực tế lại không đáp ứng được nhu cầu vì phần đông người dân không có điều kiện để cho con vào học trường dân lập", ông Ngọc Anh nói.

Để giảm áp lực sĩ số, những năm gần đây quận Cầu Giấy chú trọng dành quỹ đất, ngân sách xây dựng các trường học. Năm học 2015-2016 có 2 trường THCS Nghĩa Tân, Dịch Vọng Hậu được xây mới và đưa vào hoạt động; một trường tiểu học Dịch Vọng B được cải tạo; xây lại mầm non Hoa Hồng. Năm học 2017-2018, có 4 trường công lập gồm 2 THCS, một tiểu học và một mầm non, cũng được xây mới, xây dựng lại với mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo kế hoạch tuyển sinh năm 2017-2018 của quận Cầu Giấy, phần lớn trường tiểu học vẫn tuyển 50 học sinh/lớp. Đây là con số dự kiến của nhiều trường ở các quận Thanh Xuân, Hà Đông, Nam Từ Liêm... Theo kinh nghiệm của một cán bộ phòng giáo dục, số thực tế vào học sẽ tăng thêm khoảng 10%. 

*Tên nhân vật đã thay đổi.

Ý kiến của bạn

Bình luận