Hà Nội điều chỉnh phí sử dụng lòng đường, hè phố và giá trông xe

Xã hội 24/11/2017 06:46

Vừa qua, các nhà quản lý, nhà khoa học, đại diện các công ty, doanh nghiệp... trên địa bàn thành phố đã tham gia Hội nghị phản biện xã hội đối với Dự thảo Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 20/2016/NQ-HĐND ngày 6/12/2016 của Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội ban hành một số quy định thu phí, lệ phí trên địa bàn thành phố Hà Nội thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng Nhân dân thành phố.


trong_xe
Một điểm trông giữ xe trên địa bàn thành phố Hà Nội (Ảnh: TTXVN)

Trong dự thảo, Hội đồng Nhân dân thành phố tiến hành sửa đổi điểm I, II; bãi bỏ và bổ sung một số quy định tại điểm III, Khoản b, mục 19, phần A, danh mục các khoản phí và lệ phí.

Mức thu phí sử dụng lòng đường, hè phố đối với mục đích trông giữ phương tiện ôtô, xe máy, xe đạp tăng từ 1,5-3 lần, bãi bỏ quy định về giao thẩm quyền sử dụng tạm lòng đường, hè phố để tạm dừng, đỗ, trông giữ xe cho các công ty khai thác điểm đỗ xe và bổ sung thêm quy định các điểm áp dụng công nghệ dừng đỗ xe thông minh nộp vào ngân sách nhà nước mức phí bằng 30% trên doanh thu dịch vụ trông giữ xe.

Tại hội nghị, phần lớn các đại biểu đều có chung nhận định tình hình trật tự an toàn giao thông, trật tự lòng đường, hè phố trên địa bàn thành phố hiện còn nhiều bất cập, thiếu sót. Các loại xe tự chế, xích lô... hoạt động tràn lan, thiếu kiểm soát trong khi các điểm trông giữ xe chưa thống nhất, mức thu phí không hợp lý gây nhiều bức xúc trong nhân dân.

Ông Phạm Văn Đức, Phó Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác điểm đỗ Hà Nội cho biết theo thống kê, hiện nay thành phố có trên 500.000 ôtô, hơn 2 triệu xe máy. Thành phố mới chỉ đáp ứng 10-12% nhu cầu trông giữ xe, còn lại là các bãi đỗ xe của các tòa nhà hay các điểm trông giữ trái phép, không bị ảnh hưởng bởi pháp lệnh về phí và lệ phí.

Với vai trò là đơn vị sử dụng lòng đường, hè phố để trông giữ phương tiện, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác điểm đỗ Hà Nội đề xuất thành phố xây dựng chế tài cụ thể, tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng xấu đến dư luận.

Đại biểu Hội đồng tư vấn về Dân chủ-Pháp luật, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội chia sẻ thực tiễn cho thấy việc tăng phí trông giữ phương tiện là cần thiết, cách thu phí chia theo m2/tháng như đã đưa ra trong Dự thảo Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân là hợp lý.

Tuy nhiên, mức phí dù được điều chỉnh tăng từ 80.000 đồng/m2/tháng lên 240.000 đồng/m2/tháng đối với ôtô vẫn còn thấp so với thực tế.

Bên cạnh đó, mức phí trông giữ xe đạp và xe máy ngang bằng nhau, dẫn đến sự thiếu công bằng. Chính vì vậy, các cơ quan chức năng thành phố cần phân tích kỹ hơn, xây dựng mức phí hợp lý hơn theo lộ trình nhất định để nhận được sự đồng thuận cao trong nhân dân.

Đi đôi với tăng mức thu phí, cần có cơ chế giám sát chặt chẽ, đặc biệt cần tăng cường vai trò giám sát của nhân dân đối với hoạt động sử dụng lòng đường, hè phố để trông giữ phương tiện. Cần quy định thống nhất các biển biểu, mức vé cũng như mức phạt cho các đối tượng vi phạm quy định về trông giữ phương tiện.

Đối với Dự thảo Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân thành phố, tiến sỹ Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Hà Nội đánh giá nghị quyết cần làm rõ hơn một số nội dung quy định về địa điểm trông giữ xe, qua đó thể hiện được định hướng phát triển gắn với quy hoạch đô thị của thành phố.

Bên cạnh đó, Dự thảo nghị quyết sử dụng một số thuật ngữ chưa thống nhất với các văn bản của Trung ương như "khu vực đô thị lõi," "khu bảo tồn cấp I"... Ông Đào Ngọc Nghiêm đề nghị Hội đồng Nhân dân thành phố chỉnh sửa, xây dựng nghị quyết công phu hơn, chi tiết hơn để tránh các trường hợp phát sinh khó giải quyết về sau.

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội Vũ Hồng Khanh kết luận tình trạng trật tự đô thị trên địa bàn thành phố còn nhiều lộn xộn, bất cập. Đã đến lúc thành phố cần bố trí, sắp xếp lại, thậm chí quy hoạch lại để đảm bảo trật tự, văn minh đô thị.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc đề xuất thành phố thực hiện điều chỉnh đồng thời phí sử dụng lòng đường, hè phố và giá dịch vụ trông giữ xe; tiếp tục phát huy vai trò quản lý nhà nước với với các hoạt động trên đia bàn, đảm bảo trật tự, an toàn đô thị và bảo đảm ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó, thành phố nên có cơ chế mềm, có chỗ để phương tiện đối với các tổ chức, cá nhân, đơn vị hành chính sự nghiệp; tập trung chỉ đạo quyết liệt việc quy hoạch các điểm trông giữ, sử dụng lòng đường vỉa hè tránh lạm dụng, khoanh vùng các khu vực giải phóng mặt bằng để kinh doanh trông giữ xe gây mất trật tự đô thị, mất vệ sinh môi trường; tăng cường quản lý phương tiện giao thông, nhất là xe tự chế không đảm bảo an toàn giao thông đường bộ./.

Ý kiến của bạn

Bình luận