Hà Nội: Đảm bảo khả thi để cấm xe máy và thu phí ô tô

Tác giả: Vũ Thành Vũ

saosaosaosaosao
26/10/2019 10:35

Theo Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện, chỉ khi đáp ứng điều kiện trong 2 Đề án thì mới triển khai cấm xe máy và thu phí ô tô.

74160994_534982157321476_7010213193528115200_n
2 Đề án về hạn chế phương tiện cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường tại thủ đô Hà Nội đã bắt đầu được nghiên cứu xây dựng.

Đảm bảo tính khả thi

Sáng 25/10, các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý đã tham gia Hội thảo góp ý kiến xây dựng xây dựng 2 Đề án do Sở GTVT Hà Nội tổ chức. Đề án thứ nhất là “Phân vùng hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng tiến tới dừng hoạt động của xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030”. Đề án thứ 2 là “Thu phí phương tiện giao thông cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào”.

DSC00944
Hội thảo Lấy ý kiến xây dựng 2 Đề án về hạn chế phương tiện cá nhân tại TP Hà Nội.

Đây là 2 Đề án quan trọng nhằm hạn chế phương tiện giao thông cá nhân góp phần giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đi lại của nhân dân trong và ngoài thành phố.

Đánh giá về 2 Đề án này, ông Vũ Văn Viện – Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, đây là là những vấn đề phức tạp, nhạy cảm liên quan đến cuộc sống của đại bộ phận nhân dân trong và ngoài thành phố cũng như động chạm đến các nhóm lợi ích khác nhau. Vì vậy, quá trình nghiên cứu đề xuất xây dựng Đề án có rất nhiều ý kiến khác nhau.

DSC00958
Ông Vũ Văn Viện - Giám đốc Sở GTVT Hà Nội khẳng định, 2 Đề án này sẽ xác định các điều kiện đảm bảo sự khả thi.

“2 Đề án này sẽ xác định các điều kiện đảm bảo tính khả thi. Chỉ khi đáp ứng được các điều kiện được xác định trong Đề án thì mới có thể thực hiện việc cấm xe máy và thu phí phương tiện đi vào một số khu vực trong thành phố”, Giám đốc Vũ Văn Viện khẳng định.

Tiền đề phát triền

Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội có trên 6,6 triệu phương tiện giao thông. Trong đó có tới gần 6 triệu xe máy và ô tô chỉ chiếm khoảng 0,6 triệu. Trong giai đoạn 2011 – 2018, số lượng ô tô tăng bình quân 11% mỗi năm, xe máy tăng 6,75% mỗi năm. Tốc độ tăng trưởng của hệ thống đường bộ không theo kịp với sự phát triển của phương tiện giao thông, dẫn tới quá tải cho hệ thống đường bộ, gây nên tình trạng ùn tắc giao thông ngày càng diễn biến phức tạp, ô nhiễm môi trường cũng tăng lên.

45891363_10156861440924591_9199077743323512832_n
Phạm vi dừng hoạt động của xe máy tại địa bàn các quận của TP Hà Nội vào năm 2030 cơ bản xác định những lựa chọn phạm vi giới hạn bởi các tuyến đường vành đai, cũng như các trục giao thông có hệ thống vận tải công cộng số lượng lớn như đường sắt đô thị,...

Về điều kiện thực hiện hạn chế hoạt động xe máy, để có thể dừng hoạt động xe máy tại các quận vào năm 2030 theo Nghị quyết của HĐND thành phố, vấn đề đặt ra là phải chuẩn bị các điều kiện cần thiết về cơ sở hạ tầng, năng lực vận tải hành khách công cộng cũng như các phương án tổ chức giao thông và chuẩn bị điều kiện thay đổi nếp sống, sinh hoạt của người dân đô thị theo hướng văn minh hiện đại.

Từ nay đến 2030, trong khi chưa dừng hẳn hoạt động xe máy, nhiều ý kiến cho rằng cần xem xét để hạn chế xe máy trong một số khu vực và một số tuyến đường. Theo nguyên tắc, sẽ giảm mật độ phương tiện giao thông đi vào khu vực khu vực có mật độ giao thông quá cao dẫn đến nguy cơ ùn tắc giao thông nghiêm trọng cũng như sự ô nhiễm môi trường đến mức báo động.

Việc hạn chế xe máy hay phương tiện cơ giới khác có thể thực hiện theo giờ, theo ngày, bởi mục đích chung là giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, đặc biệt là phục vụ nhu cầu đi lại của đông đảo người dân và nâng cao chất lượng cuộc sống. Đặc biệt, việc hạn chế phương tiện xe máy cũng là tiền đề để phát triển hệ thống giao thông công cộng.

1805d4f23bb3d2ed8ba2
Theo nghiên cứu về khả năng thông qua mặt cắt ngang và diện tích chiếm dụng, nếu xét yếu tố cùng lưu thông trên mặt đường, với cùng một lượng người chuyên chở, diện tích chiếm dụng của xe máy gấp 6,8 lần so với diện tích chiếm dụng của xe buýt. 

Đối với Đề án về thu phí phương tiện vào một số khu vực trên địa bàn thành phố, các chuyên gia cho rằng, đây là loại phí mới với quan điểm không được trùng lặp với các loại phí hiện hành trong Luật phí và Lệ phí. Hiện cần xác định các điều kiện cần thiết để thu phí và lộ trình thực hiện. Đề án cũng sẽ nghiên cứu giảm chi phí hoặc miễn phí có giới hạn số lần đi vào khu vực thu phí nhằm hạn chế ảnh hưởng cho người dân.

Có thể nói, việc bổ sung loại phí phương tiện giao thông đi vào khu vực có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường là cần thiết. Nhưng để đảm bảo tính khả thi thì cần có các điều kiện đồng bộ từ cơ sở hạ tầng, căn cứ pháp lý và quan trọng hàng đầu là ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý phương tiện, bởi đây là nền tảng để thực hiện các hoạt động như thu phí không dừng, phạt nguội,…

Ý kiến của bạn

Bình luận