Hà Nội: CSGT dùng xe chuyên dụng giúp dân di chuyển qua vùng ngập úng

Tác giả: theo thời đại

saosaosaosaosao
Xã hội 31/07/2018 14:43

Nắm được tình hình một số điểm trên địa bàn còn xảy ra tình trạng ngập úng khiến việc đi lại gặp rất nhiều khó khăn, Phòng CSGT thành phố Hà Nội đã lên kế hoạch dùng 3 xe chuyên dụng cùng nhiều chiến sĩ giúp đỡ người dân đi lại.

 

3805740010297738771866175841418589306880000n-15330
CSGT Hà Nội dùng xe chuyên dụng đưa người dân qua vùng ngâp úng.

Ngày 31/7, ghi nhận của phóng viên, tại một số khu vực Đại lộ Thăng Long, đường liên huyện tại Quốc Oai, Chương Mỹ vẫn còn một số điểm úng ngập gây khó khăn cho người dân khi qua lại. Có một số khu vực đường vẫn ngập khoảng cách dài gần 400m, có nơi ngập sâu hơn 1m.

Nắm bắt được tình hình này, Đội CSGT số 11 cùng CA huyện Quốc Oai đã bố trí 3 xe chuyên dụng và nhiều chiến sỹ vận chuyển phương tiện và người dân đi qua điểm úng ngập.

Trao đổi với PV, Đại tá Đào Vịnh Thắng - Trưởng phòng CSGT CATP Hà Nội cho biết, trong những ngày mưa lớn đơn vị đã tăng cường bố trí thêm các tổ tuần tra bám sát địa bàn sẵn sàng ứng phó khi xảy ra sự cố úng ngập, cây đổ, tắc đường.

Ngoài việc giúp dân đi qua vùng ngập úng, CSGT còn bố trí cắm biển báo khu vực ngập lụt ngay từ ngoài QL6 để cảnh báo người dân và phương tiện.

Đại úy Trương Việt Sơn - quyền Đội trưởng Đội CSGT số 12 cho biết, nhận định diễn biến tình hình mưa bão còn phức tạp trong những ngày tới cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã sẵn sàng phối hợp với các đơn vị sẵn sàng ứng phó giúp dân trong tình hình khó khăn.

Mới đây, Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống thiên tai, văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã gửi công điện hỏa tốc số 25. Công điện được gửi đến ban chỉ huy PCTT và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh thành phố: Hà Nội, Hòa Bình.

Ban chỉ đạo yêu cầu theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ, thông tin cảnh báo kịp thời đến các cấp chính quyền và người dân để chủ động các biện pháp phòng tránh. Kiểm tra, rà soát các khu dân cư ở ven sông, suối, vùng trũng thấp, ngoài bãi sông, khu vực có nguy cơ ngập úng, lụt, nhà ở không an toàn để chủ động sơ tán dân đến nơi an toàn.

Triển khai phương án phòng chống lũ, đảm bảo an toàn các công trình phòng chống lũ theo cấp báo động, tổ chức tuần tra canh gác, kiểm tra, rà soát việc chuẩn bị lực lượng, vật tư phương tiện theo quy định. Bố trí lực lượng kiểm soát giao thông tại các khu vực đường bị ngập, bến đò… hướng dẫn người, phương tiện qua lại. Kiểm soát việc đảm bảo an toàn theo quy định của các phương tiện khi hoạt động.

Thông báo cho các chủ đầu tư có công trình đang xây dựng trên sông, ven sông biết thông tin về mưa, lũ để chủ động có biện pháp đảm bảo an toàn cho người, phương tiện, thiết bị và công trình. Rà soát việc chuẩn bị theo phương châm "4 tại chỗ", chú trọng việc dự trữ lương thực, nước uống, thuốc men, nhu yếu phẩm. Để sẵn sàng ứng phó với các tình huống khi mưa, lũ, ngập úng nhiều ngày.

Duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu. Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống thiên tai, văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Ý kiến của bạn

Bình luận