Grab sai khi tự ý tăng thu chiết khấu thuế VAT với tài xế?

Tác giả: Văn Quyết

saosaosaosaosao
Doanh nghiệp 10/12/2020 10:30

Việc Grab tự ý tăng thu chiết khấu thuế VAT với tài xế từ 3% lên 10% là không đúng quy định, muốn tăng phải được sự đồng ý của tài xế.

bh
 Tài xế phản đối việc Grab thu tăng chiết khấu VAT từ 3% lên 10%.

Liên quan đến sự việc hàng trăm tài xế tại Hà Nội và TP.HCM căng băng rôn kêu gọi tắt app ứng dụng phản đối Grab tăng mức triết khấu, tăng mức tính thuế VAT gây thiệt hại cho tài xế, Tạp chí GTVT đã có cuộc trao đổi với các chuyên gia kinh tế và luật sư để làm rõ vấn đề này.

Về phía cạnh pháp lý, luật sư Trần Minh Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Gia Đình (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết: “Grab tăng các khoản giảm trừ đối với tài xế xe công nghệ từ 3% lên 10% là không đúng. Vì thuế giá trị gia tăng (GTGT) là thuế tính trên giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ (căn cứ Điều 3 Luật Thuế Giá trị gia tăng năm 2008) và người tiêu dùng là người chịu thuế này. Đồng thời, theo điểm c khoản 5 Điều 7 Nghị định 126/2020/NĐ-CP (có hiệu lực vào ngày 05/12/2020) thì “Tổ chức hợp tác kinh doanh với cá nhân thì cá nhân không trực tiếp khai thuế. Tổ chức có trách nhiệm khai thuế GTGT đối với toàn bộ doanh thu của hoạt động hợp tác kinh doanh theo quy định của pháp luật về thuế và quản lý thuế của tổ chức mà không phân biệt hình thức phân chia kết quả hợp tác kinh doanh, đồng thời khai thay và nộp thay thuế thu nhập cá nhân cho cá nhân hợp tác kinh doanh…”

Căn cứ quy định pháp luật nêu trên, thì đối tượng chịu thuế GTGT là hàng hóa, dịch vụ và trách nhiệm khai thuế là tổ chức hợp tác kinh doanh (tức Grab). Việc tăng các khoản giảm trừ đối với tài xế là không đúng, muốn tăng thì phải được sự đồng ý của tài xế, luật sư Hùng nhấn mạnh.

Theo luật sư Hùng, Chính phủ ban hành Nghị định 126/2020/NĐ-CP, điểm mới nhất trong nghị định này là “Tổ chức hợp tác kinh doanh với cá nhân thì cá nhân không trực tiếp khai thuế. Tổ chức có trách nhiệm khai thuế GTGT đối với toàn bộ doanh thu của hoạt động hợp tác kinh doanh” với mức thuế tăng từ 3% lên 10%. Sự ra đời của Nghị định 126 cơ bản đã giúp cho nhà nước quản lý, thu thuế đối với đơn vị kinh doanh vận tải hành khách (taxi), có sử dụng công nghệ và tạo môi trường bình đẳng trong hoạt động kinh doanh vận tải.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng cho biết: “Trong thời buổi kinh tế khó khăn mà Grab tăng mức thu thuế VAT đối với tài xế mà không có thông báo, đánh giá và có cuộc đối thoại thì không hợp lý và cần phải rút kinh nghiệm để tránh dẫn đến mâu thuẫn lợi ích. Các cơ quan chức năng cũng cần phải xem xét đến hoạt động của Grab nhằm tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các đơn vị kinh doanh vận tải cũng như bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng và người lao động”.

Grab phải điều chỉnh mức thu thuế với tài xế

Chiều ngày 9/12, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cũng đã có buổi làm việc với Grab về một số vấn đề liên quan đến việc tăng giá cước, tăng chiết khấu khiến tài xế phản ứng những ngày vừa qua. 

Tại cuộc họp, đại diện Tổng cục Thuế đã giải thích rõ cho Grab biết về Nghị định 126/2020/NĐ-CP không có thay đổi về chính sách thuế GTGT. Nghị định 126 quy định nghĩa vụ khai thuế GTGT đối với hoạt động hợp tác kinh doanh là do doanh nghiệp thực hiện. Doanh nghiệp phải khai thuế GTGT đối với toàn bộ doanh thu của hoạt động hợp tác kinh doanh. Đối với Grab là hoạt động kinh doanh vận tải, doanh nghiệp khai thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thì thuế suất thuế GTGT là 10% và doanh nghiệp được khấu trừ thuế GTGT đầu vào theo quy định

Theo Tổng cục thuế, quy định mới tại Nghị định 126 không làm tăng nghĩa vụ của cá nhân tài xế (tài xế chỉ chịu thuế TNCN 1,5% nếu có doanh thu trên 100 triệu đồng) không làm tăng giá cước vận tải (do chính sách thuế GTGT 10% đối với vận tải không thay đổi mà vẫn áp dụng từ trước đến nay). Do đó, Grab phải có trách nhiệm điều chỉnh lại cơ cấu giá tính thuế để đảm bảo không ảnh hướng đến người tiêu dùng cũng như thu nhập của tài xế.

Ý kiến của bạn

Bình luận